Healing Justice: Chữa Lành Vết Thương, Giành Lại Công Lý

Thumbnail.png

Ngành tâm lý học và những nỗi đau lịch sử 

Sang chấn tâm lý (tiếng Anh: trauma) là hậu quả có thể xảy ra sau một sự kiện gây tổn thương về mặt tinh thần nào đó, từ thảm họa thiên tai tới những bi kịch do chính con người gây ra. Tùy vào nhiều yếu tố, một số người sau khi trải qua sang chấn có thể phải đối diện với Rối loạn căng thẳng sau sang chấn (post-traumatic stress disorder, hay PTSD). Theo Cẩm nang chẩn đoán và thống kê rối loạn tâm thần, phiên bản thứ 5 (DSM-V), người có PTSD thường liên tục tái trải nghiệm sang chấn qua những hồi tưởng, và luôn luôn dè chừng trước khả năng tái diễn của sự kiện gây sang chấn [1][2]. Nghiên cứu còn cho thấy hậu quả của chấn thương tâm lý không chỉ dừng lại ở một thế hệ, mà nó còn có thể được “lưu truyền” qua nhiều thế hệ tiếp theo.

Nỗi đau hằn sâu

Epigenetics (tạm dịch: Di truyền học biểu sinh, hay Ngoại di truyền học) là một nhánh khoa học di truyền mới chuyên nghiên cứu những tác động môi trường lên gen của con người, trong đó có chấn thương tâm lý. Các nhà nghiên cứu đã tìm ra bằng chứng cho những biến đổi trên gen liên quan tới nồng độ hormone cortisol của những nạn nhân sống sót qua thảm kịch Holocaust, cuộc diệt chủng người Do Thái bởi Đức Quốc Xã vào đầu những năm 40, và con cái của họ [3]. Hoạt động bất bình thường của cortisol không chỉ làm suy yếu hệ miễn dịch, mà nó còn là một trong những nguyên nhân dẫn tới suy giảm trí nhớ [4].

Ngoài những nghiên cứu ngoại di truyền ra, nhiều nhánh nghiên cứu khác cũng bổ sung bằng chứng cho những tác động tiêu cực lên những đứa trẻ có bố mẹ đã hoặc đang gặp sang chấn tâm lý, hay đã được chẩn đoán với PTSD [5]. Một nghiên cứu về chấn thương tâm lý ở người tị nạn có PTSD cho thấy những đứa trẻ này có xu hướng thể hiện mối quan hệ gắn bó không an toàn (insecure attachment), hay thậm chí là hỗn độn (disorganized attachment) với bố mẹ của mình [6]. Ngoài ra, người có PTSD còn có nguy cơ trầm cảm, lo âu, và lạm dụng chất kích thích cao. Triệu chứng của tất cả những rối loạn này đều có thể dẫn tới một môi trường gia đình không ổn định và hạnh phúc [5][7][8][9]. Hơn nữa, nếu nhìn vấn đề qua lăng kính lịch sử, ta còn có thể thấy rõ những vết thương tâm lý đa thế hệ (intergenerational trauma) trong những cộng đồng bị áp bức. Cộng đồng người da đen ở Mỹ là một trong nhiều ví dụ điển hình. Những nỗi đau mà họ phải trải qua khởi nguồn từ đầu thế kỷ 17, khi chiếc tàu nô lệ đầu tiên của thực dân Anh cập bến Hoa Kỳ, cho tới tận ngày hôm nay, khi sự tàn bạo của hệ thống cảnh sát đối với người da đen vẫn đang ám ảnh đất nước Mỹ [10]. Đây là cộng đồng phải chịu chấn thương tâm lý trên nhiều cấp độ, và thuật ngữ “sang chấn tâm lý lịch sử” (historical trauma) đã được sử dụng để bao trùm những tổn thương nặng nề này [11]. 

Im lặng là vàng?

Im lang la vang.png

Là một chuyên gia về sang chấn tâm lý đa thế hệ, vào những năm 1960, Yael Danieli đã có những cuộc phỏng vấn với các nạn nhân sống sót qua thảm kịch Holocaust. Tất cả những người được phỏng vấn cảm thấy rằng những đau khổ, cực nhục mà họ phải hứng chịu trong thời kỳ Holocaust đều không được lắng nghe và tin tưởng. Bởi vậy, họ đành ngậm ngùi trong cay đắng, và giữ câu chuyện cho riêng mình. Danieli ví đây như một thỏa thuận ngầm (conspiracy of silence) giữa cộng đồng nạn nhân Holocaust và toàn thể xã hội, rằng những đau thương của họ không nên được nhắc tới. Thỏa thuận ngầm này lại càng khiến nạn nhân cảm thấy cô đơn, và tách biệt hơn với xã hội. Theo Danieli, đây còn là nguyên nhân vì sao sang chấn tâm lý có thể lan tỏa qua nhiều thế hệ và với nhiều cá thể trong một cộng đồng bởi những người bị tổn thương không có cơ hội hình thành thứ ngôn ngữ phù hợp để chia sẻ câu chuyện của bản thân [12].

Như đã được nhắc tới ở phía trên, những nỗi đau hằn sâu trong cộng đồng người da đen ở Mỹ là ví dụ tiêu biểu cho sự lan tỏa của những vết thương tâm lý. Chỉ riêng sự phân biệt chủng tộc đã là một tác nhân đủ lớn để gây nên những thiệt hại nặng nề về mặt tâm lý bởi nó còn kéo theo hàng loạt những vấn đề khác, chẳng hạn như nỗi lo khi bước chân ra khỏi nhà bởi họ có thể bị thiệt mạng dưới chính tay của cảnh sát. Mỗi ngày sống trên trái đất của họ là một cuộc chiến bởi thậm chí những chính sách của chính phủ Mỹ cũng ngầm chống lại họ, như thể muốn nhắn nhủ rằng câu chuyện của họ sẽ không bao giờ được lắng nghe. Chắc hẳn những ai xem bộ phim tài liệu “13th” của Ana DuVernay cũng phải kinh hoàng trước chủ nghĩa phân biệt chủng tộc có hệ thống (tiếng Anh: systemic racism) trên đất nước Hoa Kỳ. Cho tới ngày hôm nay, bên cạnh nạn bạo lực của cảnh sát, bị tống giam hàng loạt (tiếng Anh: mass incarceration) vẫn là một bóng ma ám ảnh cộng đồng người da đen, và còn được ví như chủ nghĩa nô lệ kiểu mới, bởi khi bị giam giữ, những tù nhân sẽ bị bóc lột sức lao động một cách tàn bạo [13]. Một nghiên cứu cho thấy việc có thân nhân ở trong tù còn có thể gây ảnh hưởng xấu tới sức khỏe tâm thần của các thành viên khác trong gia đình. Theo một ước tính từ năm 2003 đến năm 2005, đàn ông da đen dành trung bình 2 năm cuộc đời trưởng thành của mình ở trong tù. Nghiên cứu này nhận thấy phụ nữ da đen phải chịu quá nhiều tổn thất về mặt tâm thần từ sự bất bình đẳng này, ngay cả trong trường hợp người phụ nữ đó có công việc ổn định [14].

“No justice, No peace” 

No justice No peace.png

Vậy bộ môn tâm lý học có ý nghĩa gì đối với cộng đồng người da đen? Nhà hoạt động xã hội Cara Page là một trong những người mở đường cho khái niệm healing justice (tạm dịch: giành lại công lý bằng cách chữa lành vết thương). Theo Page, đây là một hệ thống phương pháp trị liệu toàn diện cho những sang chấn tâm lý mà các cộng đồng bị áp bức phải trải qua. Phương pháp này tập trung giải quyết những hậu quả nặng nề mà sự áp bức bóc lột để lại trên cơ thể, trái tim, và tâm trí của nạn nhân [15][16]. Hơn thế nữa, healing justice cũng chính là một trong những giá trị cốt lõi của tổ chức Black Lives Matter (tạm dịch: Người Da Đen Đáng Được Sống) bởi đối với họ, để thực sự trưởng thành từ nỗi đau và vươn lên đấu tranh giành quyền sống, họ phải biết cách chung tay nhìn nhận gốc rễ của vết thương tâm lý, chủ động chữa lành tổn thương, và rèn luyện khả năng phục hồi [17].

Liệu người Việt có cần Healing Justice?  

Là một trong những đất nước phải trải qua xiềng xích thực dân, cùng với những năm tháng chiến tranh khốc liệt, dân tộc Việt Nam cũng phải hứng chịu nhiều hậu quả lịch sử đau thương mà đôi khi chúng ta còn không nhận ra. Nếu tâm lý học nói chung đã là một ngành khoa học còn khá non trẻ, thì đối với Việt Nam, nó thậm chí còn là một khái niệm xa xỉ đối với nhiều người, đặc biệt là những thế hệ đi trước. Sự thiếu hiểu biết về sức khỏe tâm lý trong cộng đồng người Việt Nam đã được chỉ ra trong một nghiên cứu so sánh cách nhìn nhận về bệnh tâm lý của người Việt trong và ngoài nước. Họ cũng cho thấy rằng thời gian ở nước ngoài không đủ để thay đổi những dị nghị của người Việt Nam về các rối loạn tâm lý. Thậm chí, nó còn khiến họ dè chừng hơn trước việc đưa ra ý kiến của bản thân về những vấn đề này. Nghiên cứu này cũng nhấn mạnh một xu hướng tâm lý tiêu biểu của người Việt Nam: Chúng ta thường giữ kín những câu chuyện được xem là không hay cho riêng mình thay vì chia sẻ với người khác [18]. Phải chăng đây là một trong vô số hậu quả nặng nề mà chế độ thực dân và những năm tháng chiến tranh để lại, khi người dân chìm trong áp bức và bom đạn, chịu thiệt hại nặng nề về cả sức khỏe thể chất lẫn tinh thần mà không có cơ hội được chăm sóc và giáo dục về tâm lý. Một nghiên cứu về sức khỏe của người Việt Nam ở miền Bắc sau chiến tranh cho thấy chấn thương tâm lý liên quan tới chiến trận có tác động tiêu cực lên sức khỏe thể chất. Điều này còn được thể hiện rõ hơn khi những sang chấn đó có liên quan tới việc giết chóc, hay phô nhiễm chất độc. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu không tìm ra được liên hệ chặt chẽ giữa sự kiện gây sang chấn và trầm cảm. Một lần nữa, đây có thể là hệ quả của sự thiếu hiểu biết về sức khỏe tâm lý bởi người dân không có khả năng diễn đạt vấn đề tâm lý của bản thân. Thế nhưng, chiến thắng của miền Bắc Việt Nam cũng có thể là một trong những yếu tố bảo vệ người dân khỏi những vấn đề tâm lý này [19]. Một nghiên cứu khác nhận thấy cộng đồng người Việt tị nạn ở Norway có nhiều rối loạn tâm lý hơn mức trung bình, thậm chí 23 năm sau khi ổn định ở đất nước này [20]. Những năm tháng đau đớn trôi qua đã cộng hưởng lại thành một vết thương hằn sâu qua nhiều thế hệ, tuy có thoắt ẩn thoắt hiện bởi không phải lúc nào chúng ta cũng có thể cảm nhận rõ ràng nỗi đau này. Vì vậy, mặc dù được phổ biến đầu tiên trong cộng đồng người da đen, phương pháp healing justice cũng có thể được áp dụng cho dân tộc Việt Nam với hy vọng chữa lành những vết thương lan tỏa trong cộng đồng người Việt trên toàn thế giới. 

Chúng ta nên làm gì?

Khoa học là một nhân tố quan trọng của xã hội loài người, bởi vậy, sự phát triển của nó có thể phản ánh được một phần không hề nhỏ của lịch sử nhân loại. Vì thế, rằng một số cộng đồng trên thế giới vẫn phải chịu đựng những sang chấn hay nhiều thiệt hại về sức khỏe tâm lý mà lịch sử bao đời để lại cũng một phần thể hiện sự thất bại của bộ môn Tâm lý học trong việc bảo vệ họ. Trước hết, khi tìm hiểu về bộ môn Tâm lý học, ta sẽ thất vọng khi thấy những kiến thức nổi bật đều được dựa trên nghiên cứu của người da trắng, trên người da trắng, và thậm chí dành cho người da trắng. Điều này đã được chỉ ra bởi Herich, Heine, and Norenzayan vào năm 2010, rằng lượng kiến thức Tâm lý học của chúng ta bị giới hạn bởi xã hội phương Tây, có nền giáo dục tốt, công nghiệp hóa cao, giàu có và dân chủ (Western, Educated, Industrialized, Rich, and Democratic, hay WEIRD) [21].  Bởi vậy, các nhà tâm lý học thực sự cần nhìn nhận và sửa chữa những thiếu sót hằn sâu trong cơ cấu hoạt động của của bộ môn khoa học này để phát triển nó theo hướng hữu dụng nhất có thể. 

Nếu như lịch sử, chính trị, và xã hội học là những môn khoa học mang tính vĩ mô, thì tâm lý lại là một ngành đề cập tới những vấn đề cá nhân khá nhiều. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là sinh viên của ngành học này không cần hay không muốn được tìm hiểu thêm về những vấn đề rộng hơn - một khảo sát vào năm 2012 cho thấy nhiều sinh viên tốt nghiệp ngành Tâm lý học tham vấn cũng có hứng thú và muốn tìm hiểu thêm về công lý xã hội trong chương trình của họ [22]. Đây là một nhóm kiến thức vô cùng quan trọng đối với mọi sinh viên hay chuyên gia Tâm lý học bởi khi tìm hiểu về những bất công và áp bức mà cộng đồng người da đen, bản địa, và người da màu (Black, Indigenous, and People of Colour, hay BIPOC) phải trải qua trong nhiều thế hệ, ta có thể có cái nhìn sâu sắc hơn về sức khỏe tâm lý của họ. Ngoài ra, các nhà tâm lý học, đặc biệt là tâm lý học lâm sàng (clinical psychology), cũng nên được trang bị với những thông tin về healing justice, một phương pháp trị liệu kết nối tâm lý học với lịch sử và xã hội. Bằng việc tập trung vào những nỗi đau với cội nguồn lịch sử, healing justice có thể giúp những cộng đồng bị áp bức chữa lành những vết thương tinh thần hằn in qua nhiều thế hệ, để từ đó giúp họ giành lại công lý, hay những gì tội ác lịch sử đã đánh cắp của họ. 

Biên tập: Thuỳ Anh Nguyễn

Thiết kế: MUOI

Nguồn Tham khảo:

[1] Butcher, J. N., Mineka, S., & Hooley, J. M. (2014). Abnormal psychology (16th ed.). Boston:

Pearson.

[2] Nolen-Hoeksema, S. (2014). Abnormal psychology (6th ed.). New York: McGraw Hill Education.

[3] Critchlow, H. (2020, October 13). How much do our genes restrict free will? The Conversation. https://theconversation.com/how-much-do-our-genes-restrict-free-will-134330

[4] Kalat, J, K. (2019). Biological Psychology (13th ed.) Boston: Cengage.

[5] Yehuda, R., Halligan, S. L., & Grossman, R. (2001). Childhood trauma and risk for ptsd: relationship to intergenerational effects of trauma, parental ptsd, and cortisol excretion. Development and Psychopathology, 13(3), 733–53. https://doi.org/10.1017/s0954579401003170 

[6] Elisa van Ee, Rolf J. Kleber, Marian J. Jongmans, Trudy T.M. Mooren & Dorothee Out (2016) Parental PTSD, adverse parenting and child attachment in a refugee sample, Attachment & Human Development, 18:3, 273-291, https://doi.org/10.1080/14616734.2016.1148748

[7] Famularo, R., Kinscherff, R., & Fenton, T. (1992). Parental substance abuse and the nature of child maltreatment. Child Abuse & Neglect, 16(4), 475–483. https://doi.org/10.1016/0145-2134(92)90064-X

[8] Field, T. (2010). Postpartum depression effects on early interactions, parenting, and safety practices: a review. Infant Behavior and Development, 33(1), 1–6. https://doi.org/10.1016/j.infbeh.2009.10.005

[9] Turner, S. M., Beidel, D. C., Roberson-Nay, R., & Tervo, K. (2003). Parenting behaviors in parents with anxiety disorders. Behaviour Research and Therapy, 41(5), 541–554. https://doi.org/10.1016/S0005-7967(02)00028-1

[10] Hannah-Jones, N., In Elliott, M., Hughes, J., Silverstein, J., New York Times Company., & Smithsonian Institution. (2019). The 1619 project: New York Times magazine, August 18, 2019. https://www.nytimes.com/interactive/2019/08/14/magazine/1619-america-slavery.html?mtrref=www.google.com&gwh=4A89D7C6EDA2E4CE2F0DFB4EAC2E7A67&gwt=pay&assetType=PAYWALL

[11] Williams-Washington, K. N. (2010). Historical trauma. In R. L. Hampton, T. P. Gullotta, & R. L. Crowel (Eds.), Handbook of African American health (p. 31–50). Guilford Press. https://psycnet.apa.org/record/2010-19847-002

[12] Danieli, Y. (2009). Massive trauma and the healing role of reparative justice. Journal of Traumatic Stress, 22(5), 351–357. https://doi.org/10.1002/jts.20441

[13] Stevenson, B. (2019, August 14). Why American Prisons Owe Their Cruelty to Slaves? The New York Times Magazine. https://www.nytimes.com/interactive/2019/08/14/magazine/prison-industrial-complex-slavery-racism.html

[14] Patterson, E. J., Talbert, R. D., & Brown, T. N. (2021). Familial incarceration, social role combinations, and mental health among African American women. Journal of Marriage and Family, 83(1), 86–101. https://doi.org/10.1111/jomf.12699

[15] Hemphill, P. (2017, July 2). Healing Justice is How we can Sustain Black Lives. HuffPost. https://www.huffpost.com/entry/healing-justice_b_5899e8ade4b0c1284f282ffe?4s1vjiol7fxjn61or=

[16] [Article about Healing justice]. (n.d). TransformHarm.org. https://transformharm.org/healing-justice/#:~:text=According%20to%20Cara%20Page%2C%20Healing,our%20bodies%2C%20hearts%20and%20minds.

[17] Black Lives Matter Healing Justice Working Group. (n.d) Healing in Action: A Toolkit for Black Lives Matter Healing Justice & Direct Action. Black Lives Matter. https://blacklivesmatter.com/wp-content/uploads/2018/01/BLM_HealingAction_r1.pdf

[18] Do, M., Pham, N, N, K., Wallick, S., Nastasi, B, K. (2014) “Perceptions of Mental Illness and Related Stigma among Vietnamese Populations: Findings from a Mixed Method Study,” Journal of Immigrant and Minority Health, 16(6), pp. 1294–1298. https://doi.org/10.1007/s10903-014-0018-7.

[19] Korinek, K. and Teerawichitchainan, B. (2014) “Military Service, Exposure to Trauma, and Health in Older Adulthood: An Analysis of Northern Vietnamese Survivors of the Vietnam War,” American Journal of Public Health, 104(8), pp. 1478–87. http://doi.org/10.2105/AJPH.2014.301925

[20] Vaage AB et al. (2010) “Long-Term Mental Health of Vietnamese Refugees in the Aftermath of Trauma,” The British journal of psychiatry : the journal of mental science, 196(2), pp. 122–5. https://doi.org/10.1192/bjp.bp.108.059139.

[21] Henrich, J., Heine, S. J., & Norenzayan, A. (2010). The weirdest people in the world? The Behavioral and Brain Sciences, 33(2-3), 61–83. https://doi.org/10.1017/S0140525X0999152X

[22] Crowell, C., Mosley, D., Falconer, J., Faloughi, R., Singh, A., Stevens-Watkins, D., & Cokley, K. (2017). Black lives matter: a call to action for counseling psychology leaders. The Counseling Psychologist, 45(6), 873–901. https://doi.org/10.1177/0011000017733048




Previous
Previous

Mối Liên Hệ Giữa Ruột Và Não: Hệ Miễn Dịch và Chuột Vô Trùng (phần 2)

Next
Next

Sức khỏe Tâm lý của Sinh viên Đại học (Phần 2)