Sự Kiện

Nơi cập nhật các sự kiện mới nhất của InPsychOut

Các Sự Kiện Trước

20.11 - 12.12.2021

Chuỗi 16 sự kiện mang tên CHUYỆN được tổ chức với sự tài trợ của Young Southeast Asian Leaders Initiative Seeds for the Future 2021.

Xem lại toàn bộ chuỗi sự kiện tại đây

  • Tầm quan trọng của việc chăm sóc bản thân thực sự chưa được nhìn nhận đúng đắn trong cộng đồng. Đến với sự kiện "Chuyện Mình - Chăm Sóc Bản Thân Và Những Người Xung Quanh " để được lắng nghe những chia sẻ của Tiến sĩ Hoa Võ về chủ đề vô cùng gần gũi này. Tiến sĩ Hoa Võ sẽ nói về định nghĩa của việc chăm sóc bản thân, đưa ra một số hướng dẫn về việc chăm sóc bản thân trong một khoảng thời gian nhất định, cũng như giải thích lí do vì sao chăm sóc người khác chính là sự chăm sóc bản thân tốt nhất.

    Xem lại tại đây

  • Việc có thể nhận diện được những vấn đề sức khỏe tinh thần thường gặp là một điều quan trọng trong việc thấu hiểu và chăm sóc bản thân. Những kiến thức về chủ đề này sẽ giúp bạn có một sự hiểu biết nhất định về những gì đang xảy ra bên trong bạn, từ đó có những giải pháp kịp thời để có thể chuẩn bị bản thân một cách tốt nhất. Tiến sĩ Tâm lý Nguyễn Thị Ánh Nguyệt sẽ có bài chia sẻ kỹ hơn về chủ đề này trong sự kiện "Chuyện Mình - Nhận Diện Những Vấn Đề Sức Khỏe Tinh Thần Thường Gặp & Các Yếu Tố Ảnh Hưởng" của InPsychOut. Cụ thể hơn, TS Nguyễn Thị Ánh Nguyệt sẽ định nghĩa thế nào là sức khỏe tinh thần, thế nào là một người có đời sống tinh thần lành mạnh, cách nhận biết một số những vấn đề sức khỏe tâm lý thường gặp và các yếu tố ảnh hưởng. Bên cạnh đó, TS cũng sẽ chia sẻ một số gợi ý để chăm sóc sức khỏe tinh thần của bản thân.

    Xem lại tại đây

  • Mỗi chúng ta dù bao nhiêu tuổi thì sâu thẳm bên trong vẫn tồn tại một "đứa trẻ", một phần trong sáng, ngây ngô, dễ tổn thương và sống thật với cảm xúc. Chăm sóc "Đứa trẻ bên trong" là một phần thiết yếu của việc kết nối với các cảm xúc chân thực nhất của chúng ta, để có thể thấu hiểu những nhu cầu thiết yếu nhất cũng như chữa lành những tổn thương đã trải qua. Đến với sự kiện "Chuyện Mình - Chăm Sóc "Đứa Trẻ Bên Trong" (Hướng Dẫn Thiền Quán Và Thiền Động: Quy Trình Hợp Nhất Cả Mảnh Tâm Hồn, Chữa Lành Cơ Thể Và Nội Tâm)" của InPsychOut để cùng lắng nghe những chia sẻ của chị Chu Thủy về chủ đề này.

  • Thời gian gần đây, các khái niệm về trầm cảm và rối loạn lo âu đã được phổ biến rộng rãi hơn ở Việt Nam. Điều này khiến cho việc nhận thức về sức khỏe tâm lý được cởi mở hơn cũng như giảm thiểu những kỳ thị không đáng có đối với các rối loạn tâm lý. Tiếp tục với chủ đề hai rối loạn tâm lý này, Bác sĩ Tâm thần Vũ Sơn Tùng sẽ chia sẻ những góc nhìn mới, giới thiệu về những biến thể ít phổ biến hơn cũng như cách nhận biết và cách phòng tránh hai rối loạn này để các bạn có thể chăm sóc bản thân một cách tốt hơn.

    Xem lại tại đây

  • Không phải bạn có 300 xung đột khác nhau, mà bạn có 1 xung đột diễn ra 300 kiểu khác nhau. Dù là kiểu gì thì những xung đột này đều bắt đầu và kết thúc một cách tồi tệ giống nhau. Cảm xúc tiêu cực, cay đắng, buồn rầu chất chứa qua thời gian khiến bạn cảm thấy như bị kẹt trong một vòng lẩn quẩn với người mình thương mà không giải quyết được vấn đề gì.

    Sự kiện “Chuyện Nhà - Chu Kỳ Đau Buồn Và Chu Kỳ Bình An Trong Các Mối Quan Hệ” sẽ giúp bạn hiểu hơn về chu kỳ xung đột cốt lõi trong các mối quan hệ, từ đó thực hành những biện pháp cải thiện những cuộc xung đột và tăng cường cảm xúc tích cực cho bản thân và người thương.

    Xem lại taị đây

  • Trong bối cảnh đại dịch COVID-19 chuẩn bị bước sang năm thứ ba, những hệ quả của nó vẫn tiếp tục đè nặng lên sức khỏe tâm thần của rất nhiều trẻ em. Dịch bệnh làm gián đoạn các thói quen sinh hoạt, học tập, vui chơi giải trí của trẻ, cũng như gây nên nhiều bất an, lo lắng, sợ hãi về tình trạng kinh tế và sức khỏe cho nhiều gia đình. Đặc biệt đối với trẻ em, việc phải chứng kiến người thân lâm bệnh hoặc qua đời có thể dẫn đến nguy cơ có rối loạn stress sau sang chấn với những triệu chứng như gặp ác mộng, khó tập trung, v.v.

    Trong 90 phút của sự kiện “Chuyện Nhà - Rối Loạn Stress Sau Sang Chấn Ở Trẻ Và Giải Pháp Ứng Phó”, diễn giả PGS TS Trần Thành Nam sẽ chia sẻ những đặc điểm của tình trạng trẻ em có rối loạn stress sau sang chấn hậu COVID, cũng như trao đổi về các hành động thiết thực nhằm chăm sóc và bảo vệ sức khỏe tâm thần cho trẻ đang cần được hỗ trợ.

  • Cảm giác không được tôn trọng, giận dữ, bất lực, thậm chí “chỉ muốn chết” là những suy nghĩ và cảm xúc chân thực của những đứa trẻ lớn lên trong một môi trường gia đình độc hại. Nếu bạn thuộc số đó, có thể bạn sẽ thường xuyên cảm thấy bị bố mẹ tấn công, dè bỉu, đe dọa, mỉa mai, hoặc đau buồn vì bố mẹ không cố gắng thấu hiểu, cảm thông hay quan tâm bạn đúng mực. Như vậy, thực tế ai đúng ai sai? Sự bất hạnh của con cái có phải đều do bố mẹ? Trong sự kiện “Chuyện Nhà - Lớn Lên Trong Gia Đình Độc Hại Và Bí Quyết Để Lớn Ra Khỏi Đó!”, diễn giả Phương Hoài Nga sẽ làm sáng tỏ các tác động của một môi trường gia đình không lành mạnh đến sức khỏe tinh thần, đồng thời chia sẻ phương pháp hữu ích để chữa lành và hồi phục từ những thương tổn tâm lý thời thơ ấu.

    Xem lại tại đây

  • Tình trạng bắt nạt ở lứa tuổi học sinh không còn xa lạ trong xã hội hiện nay. Bắt nạt có thể diễn ra ở nhiều hình thức khác nhau như bắt nạt bằng hành động, bắt nạt bằng lời nói, hay bắt nạt qua mạng. Ở giai đoạn tuổi này, trẻ em và thanh thiếu niên có thể cảm thấy khó chia sẻ với gia đình và im lặng hoàn toàn về những trải nghiệm ở trường học, đặc biệt là những trải nghiệm tiêu cực. Vậy, phụ huynh nên làm gì để tiếp cận và quan tâm con, nhận biết các dấu hiệu rằng con mình đang bị bắt nạt, cũng như hỗ trợ, giúp đỡ con trẻ? Hãy đến với sự kiện "Chuyện Nhà - Bắt Nạt: Cha Mẹ Có Thể Làm Gì?" để lắng nghe Tiến sĩ Trần Văn Công chia sẻ về vấn đề này nhé!

  • Theo sau những mất mát là nỗi đau buồn, thương tiếc, một vùng trời cảm xúc phức tạp khó tả của mỗi người. Những mất mát ấy có thể là những điều nhỏ bé, nhưng cũng có khi là một cú sốc khiến cơ thể bạn như muốn ngừng hoạt động, ví dụ như khi mất đi một người thân cận. Hãy cùng InPsychOut trò chuyện với những diễn giả của chương trình về quá trình mất mát và nhớ thương và hành trình chữa lành từ chính trải nghiệm thật trong cuộc sống của họ.

  • Trong tâm bão mất phương hướng, đôi khi điều bạn cần nhất là một tấm bản đồ. Việc gọi tên được những cảm xúc đang đè nặng lấy mình là một trong những bước quan trọng nhất trong hành trình chữa lành của mỗi người. Bởi lẽ, nếu bạn không biết mình đang trải qua những gì, thì bạn nên đối mặt với nó như thế nào đây? Đến với buổi trò chuyện này, bạn sẽ được lắng nghe những diễn giả của InPsychOut tâm sự về hành trình tìm thấy tên gọi cho những trải nghiệm của mình, cũng như những chia sẻ về việc chẩn đoán và trị liệu tâm lý.

  • Thất bại hay thành công là những khái niệm do xã hội định đoạt cho mỗi cá nhân. Nếu bạn thường xuyên phải nhận những lời phê bình, trách mắng và luôn cảm thấy mình thiếu hoàn hảo, liệu cách bạn nhìn thất bại có khác đi? Nỗi sợ thất bại thường được mô tả cùng sự trì hoãn và chủ nghĩa cầu toàn, nhưng ranh giới của chúng với những tác hại nặng nề lên tâm lý là rất mong manh. Cùng InPsychOut tìm hiểu nguyên nhân và những cách vượt qua nỗi sợ này nhé.

    Xem lại tại đây

  • Định kiến về nam tính không chỉ ràng buộc đàn ông phải ăn nói, hành xử theo khuôn khổ nhất định của xã hội, mà còn khiến họ trở nên mặc cảm, cô độc trong quá trình tìm kiếm sự giúp đỡ, nhất là về mặt sức khỏe tâm lý. Trong khi cả thế giới đang chung tay định nghĩa lại vai trò của giới tính và tính dục, hãy cũng InPsychOut trò chuyện với những diễn giả nam tại Việt Nam để hiểu hơn về những cảm nghĩ và cách nhìn nhận của họ về vấn đề này.

    Xem lại tại đây

  • Đây là chương đầu tiên mở đầu cho chuỗi các buổi chia sẻ của các khách mời đang học tập và làm việc trong lĩnh vực Tâm lý học. Ở sự kiện này, hãy cùng IPO giải đáp các ngộ nhận thường gặp về ngành Tâm lý và những nhà thực hành Tâm lý ở Việt Nam. Đối với những bạn sinh viên đang theo học ngành Tâm lý học, hay những bạn học sinh có ý định theo đuổi ngành học này, đây là cơ hội tuyệt vời để có cái nhìn sâu sắc hơn về những khó khăn và cơ hội thực tế của ngành Tâm lý học ở hiện tại và tương lai.

    Xem lại tại đây

  • Tiếp nối các câu Chuyện Nghề, trong buổi sự kiện "Hỗ Trợ Tâm Lý Cho Người Yếu Thế - Làm Việc Trong NGO", chúng mình sẽ được lắng nghe những chia sẻ của chị Đinh Thị Minh Châu về cơ duyên đã đưa chị đến công việc hiện tại cũng như những kinh nghiệm của chị trong một tổ chức phi chính phủ. Trong đó, chị sẽ chia sẻ những trải nghiệm đã để lại ấn tượng sâu sắc trong chặng đường chị đồng hành cùng Blue Dragon's Children Foundation cũng như công tác hỗ trợ sức khoẻ tâm lý cho người yếu thế. Qua những chia sẻ của chị, InPsychOut mong rằng có thể giới thiệu đến các bạn đang có ý định làm việc trong các tổ chức phi chính phủ nói chung và các tổ chức hỗ trợ sức khoẻ tâm lý nói riêng một góc nhìn rất khác.

    Xem lại tại đây

  • Đúng như tên gọi, sự kiện Lại Đây Nghe 1: Người Học Tâm Lý Kể Chuyện Học là nơi những bạn trẻ chọn theo đuổi con đường Tâm lý học ngồi xuống để trò chuyện và bàn luận về niềm đam mê đối với lĩnh vực này, cũng như tất tần tật những thông tin về ngành học mà mình đã chọn. Nếu bạn đang băn khoăn không biết có nên thi vào ngành Tâm lý học, hay thắc mắc về sự khác biệt giữa những nhánh khác nhau của ngành học này, hay đơn giản chỉ muốn lắng nghe về một ngày bình thường của một sinh viên Tâm lý, đừng bỏ lỡ sự kiện này nhé!

    Xem lại tại đây

  • Là chương cuối cùng của Chuyện, sự kiện này là cơ hội để gặp gỡ các nhà tham vấn tâm lý và những chuyên gia hoạt động trong lĩnh vực này - những người đang tạo ra những thay đổi tích cực trong cộng đồng thông qua việc thực hành nghề hỗ trợ sức khỏe tâm lý. Cùng lắng nghe câu chuyện của họ và khám phá hành trình của họ khi xác lập tên tuổi của mình trong lĩnh vực mà họ đã chọn. Liệu niềm đam mê với tâm lý học của họ có thể thúc đẩy cho bạn khám phá tiềm năng của ngành học này?

    Xem lại tại đây