Sức khỏe Tâm lý của Sinh viên Đại học (Phần 2)

Trong phần một, chúng ta đã cùng tìm hiểu khái niệm sinh viên đại học qua lăng kính một số học thuyết phát triển về độ tuổi mới trưởng thành. Trong phần này, mình sẽ giới thiệu những khó khăn tâm lý thường gặp của sinh viên và gợi ý một số hướng phát triển hệ thống hỗ trợ sức khỏe tâm lý cho sinh viên, dựa trên những tựa sách mới nhất về chủ đề này.

IPO.1.png

Vấn đề về tập thể, văn hóa và các mối quan hệ

Khi nhìn vào những điều được liệt kê dưới đây, mình muốn mời bạn dừng lại một chút và ngẫm nghĩ về chính trải nghiệm của bạn hay của một ai khác về những chủ đề này khi bạn hoặc họ ở độ tuổi 18-24:

  • Phân biệt đối xử

  • Mặc cảm ngoại hình

  • Vấn đề với gia đình hay các mối quan hệ thân mật

  • Hoạt động tình dục

  • Định hướng xu hướng tính dục

  • Quyết định tham gia các hoạt động tập thể

  • Đau buồn và mất mát

Trên đây chỉ là một số trong vô vàn những chủ đề mà người tuổi mới trưởng thành thường hay gặp khó khăn trong quá trình tìm kiếm câu trả lời và định hướng cho bản thân. Ví dụ trong chủ đề hoạt động tình dục, nghiên cứu trên 320 sinh viên từ một trường đại học công lập của Thái Lan cho thấy 68% sinh viên đã quan hệ tình dục, nhưng chỉ có 34% từng bàn luận về các bệnh lây nhiễm qua đường tình dục [1]. Điều này cho thấy, quyết định quan hệ tình dục của sinh viên trong nghiên cứu chưa được cân nhắc kỹ càng. Ngoài việc chưa am hiểu về tình dục an toàn, xung quanh quyết định này còn có thể tồn tại những vấn đề khác như bạo lực tình dục, chưa biết cách thẳng thắn từ chối và đặt ra giới hạn, áp lực từ bạn bè về việc phải sớm quan hệ tình dục lần đầu tiên, v.v. Những câu hỏi quan trọng sinh viên phải tự trả lời trong quá trình hình thành bản thân này rất dễ dàng dẫn đến lo lắng và căng thẳng [2], nếu không có sự hỗ trợ sớm, những vấn đề này có thể kéo dài và gây ra những ảnh hưởng không nhỏ đến học tập và đời sống của sinh viên. 

Những vấn đề về sức khỏe tâm lý 

Ngoài các vấn đề thường gặp nêu trên, đôi khi sinh viên đại học còn có thể gặp phải những rối loạn tâm lý. Những rối loạn này thường được chẩn đoán dựa trên DSM-5 (Cẩm nang chẩn đoán và thống kê các rối loạn tâm thần) và ICD 10 (Phân loại bệnh quốc tế, sửa đổi lần thứ mười). Tuy nhiên, chỉ những chuyên gia tư vấn/tham vấn tâm lý được đào tạo ít nhất là hệ thạc sĩ tư vấn tâm lý và có chứng chỉ hành nghề, mới có thể chẩn đoán một số rối loạn phổ biến cho sinh viên như:

  • Rối loạn trầm cảm (depressive disorders)

  • Rối loạn lo âu (anxiety disorders)

  • Rối loạn thích nghi (adjustment disorders)

  • Rối loạn ăn uống (feeding and eating disorders)

  • Rối loạn liên quan đến chất gây nghiện (substance-related and addictive disorders)

  • Tự gây thương tích (nonsuicidal self injury)

  • Rối loạn hành vi tự sát (suicidal behavior disorders)

Trong số những rối loạn tâm lý trên, bốn rối loạn phổ biến nhất của sinh viên tại Mỹ là: rối loạn trầm cảm, ăn uống, sử dụng rượu bia và các rối loạn liên quan đến sự tấn công/bạo lực tình dục. Có đến 65% sinh viên nữ năm nhất tại Mỹ đối mặt với triệu chứng rối loạn ăn uống [3]. Khoảng 25% tổng số sinh viên tìm kiếm trợ giúp từ phòng tư vấn tâm lý có chẩn đoán rối loạn trầm cảm [4]. Gần 20% sinh viên Mỹ uống rượu quá độ, và vấn đề này trực tiếp liên quan đến tấn công và bạo lực tình dục mà rất nhiều sinh viên đa phần thuộc phái nữ từng gặp phải trong quá trình đại học [5]. Mình liệt kê những con số này để nói lên sự phổ biến của các vấn đề tâm lý trong sinh viên mà giới hạn bài viết này chưa thể đi sâu vào chi tiết. Nhà tham vấn tâm lý chuyên làm việc với sinh viên đại học có thể tham khảo tựa sách College student mental health counseling: A developmental approach xuất bản năm 2014 để hiểu rõ hơn về cách phòng ngừa, công cụ đánh giá, kế hoạch điều trị chuyên dành cho sinh viên, đồng thời thường xuyên cập nhật và trau dồi kiến thức chẩn đoán khoa học theo Cẩm nang chẩn đoán và thống kê các rối loạn tâm thần (hiện nay là DSM-5).

Một số định hướng cho giáo dục đại học nhằm hỗ trợ sức khỏe tâm lý cho sinh viên

Trong một trong những tựa sách mới nhất xuất bản năm 2020 viết về tư vấn tâm lý đại học, tác giả Derrick Paladino và các cộng sự đề xuất những mô hình hỗ trợ sức khỏe tâm lý cho sinh viên như sau [6]:

IPO.2.png

1. Giáo dục và phòng ngừa (education and prevention)

Những vấn đề về tập thể, văn hóa, và các mối quan hệ, tuy đa dạng và đặt ra vô vàn câu hỏi cho sinh viên, nhưng lại hoàn toàn có thể tiếp cận sớm trong công tác phòng ngừa, nhằm giảm khả năng phát triển thành các rối loạn tâm lý lâm sàng nghiêm trọng hơn. Thực tế, đây là ưu tiên hàng đầu cho các mô hình hỗ trợ sự phát triển thành công cho sinh viên (student development và student success) và là nhiệm vụ thiết yếu của trường đại học [7]. Khi những vấn đề phổ biến này phát triển thành các triệu chứng rối loạn tâm lý, sinh viên có thể gặp khó khăn trong việc nhận ra tính trầm trọng của các triệu chứng và trong việc tìm kiếm sự giúp đỡ kịp thời. Cụ thể, nghiên cứu của Hương Nguyễn và Chi Nguyễn khảo sát trên 350 sinh viên đại học Việt Nam cho thấy chỉ 32% sinh viên nhận diện được các triệu chứng trầm cảm cơ bản [8]. Điều này cho thấy thấy, trường đại học cần chủ động tạo ra những không gian giáo dục, phòng ngừa an toàn, vô định kiến để sinh viên có thể tin tưởng tham gia và thoải mái tìm hiểu về những khó khăn này. Một ví dụ cho cách tiếp cận này là trang Facebook Wellbeing - RMIT Vietnam được đại học RMIT Việt Nam sử dụng nhằm truyền tải những thông tin về sức khỏe tâm lý cho sinh viên. RMIT cũng thường xuyên tổ chức các buổi workshop để giới thiệu và tạo không gian cho sinh viên thảo luận về các vấn đề như [9]: 

  • Quấy rối tình dục (sexual harassment) 

  • Bắt nạt/đe dọa trực tuyến (bullying/cyberbullying)

  • Uống rượu bia và sử dụng các chất kích thích (drug and alcohol consumption) 

  • Trách nhiệm cùng xây dựng cộng đồng an toàn (safer community responsibilities) 

  • Cách quản lý và giải quyết sự tức giận/xung đột (anger/conflict management and resolving)

Một số gợi ý khác về phương pháp giáo dục, phòng ngừa mà trường Loyola Marymount University (nơi mình đang theo học) hiện đang áp dụng gồm [10]:

  • Đào tạo một nhóm sinh viên có khả năng tổ chức, truyền đạt thông tin sức khỏe tâm lý cho đồng môn và sử dụng ngôn ngữ của sinh viên để có thể tiếp cận gần gũi hơn với những vấn đề khó diễn đạt

  • Đẩy mạnh truyền thông và xóa bỏ định kiến về các rối loạn tâm lý và việc tìm kiếm sự trợ giúp của sinh viên

  • Đưa một số bộ môn giáo dục tâm lý/kỹ năng cơ bản vào chương trình giới thiệu chung cho tân sinh viên 

2. Can thiệp tâm lý (psychological intervention)

Trong một vài năm gần đây, các văn phòng tư vấn tâm lý mở ra rầm rộ tại các trường đại học Việt Nam với hy vọng đáp ứng dịch vụ tư vấn và can thiệp tâm lý cho sinh viên. Không chỉ các trường đại học quốc tế và bán công như RMIT, Fulbright, Hoa Sen, Tôn Đức Thắng, mà cả các trường công lập như ĐH Ngoại ngữ - ĐHQGHN, ĐH KHXH&NV - ĐHQG-HCM, ĐH Kinh tế Tài chính, v.v. cũng lập ra những phòng tư vấn riêng. Tuy nhiên, chúng ta cần hiểu rằng một chuyên gia tham vấn tâm lý hoặc can thiệp khủng hoảng trực tiếp thực sự cần được đào tạo chuyên nghiệp khoảng 5 năm là ít nhất. Sinh viên không chỉ “cần người lắng nghe, chia sẻ nỗi niềm”, mà từng câu chữ, lời nói, thậm chí vài giây im lặng, hay chỉ một hơi thở, cái gật đầu của nhà tham vấn tâm lý đều đã phải qua đào tạo và rèn luyện bài bản vì chúng có tác động trực tiếp và mạnh mẽ đến mối quan hệ vô cùng nhạy cảm giữa nhà tham vấn và người được tham vấn. 

Bài toán kiểm soát chất lượng của các nhà tham vấn tâm lý tại Việt Nam còn khá nan giản do chưa có những hiệp hội tư vấn tâm lý và giám sát chất lượng mang tầm quốc gia và quốc tế. ĐH Hoa Sen và nhóm Sài Gòn PsycHub hiện đang khá tích cực trong việc công khai chứng chỉ, chất lượng đào tạo của các nhà tham vấn tâm lý của nhóm [11]. Năm 2015, trường ĐH KHXH&NV - ĐHQG-HCM thiết kế và tổ chức đào tạo chương trình cử nhân tư vấn tâm lý tương đối giống với chương trình thạc sĩ tư vấn tâm lý tại Mỹ, hứa hẹn sẽ góp phần cải thiện được sự khan hiếm nguồn nhân lực chất lượng trong ngành nghề này [12]. Một điểm cần lưu ý rằng, dù có bằng cấp tiến sĩ tâm lý học nhưng không được đào tạo và thực tập kỹ năng tham vấn (counseling skills) thì các “chuyên gia tham vấn” này sẽ không khác gì những nhà nghiên cứu toán học đi dạy toán mà không được đào tạo kỹ năng sư phạm.

Một số gợi ý khác cho phương pháp can thiệp tâm lý mình quan sát được từ một số trường đại học của bang California gồm có:

  • Giảm tối đa chi phí tham vấn, tư vấn tâm lý cho sinh viên, để khuyến khích sinh viên tìm kiếm sự giúp đỡ sớm nhất ngay từ lúc bắt đầu gặp khó khăn với các vấn đề sức khỏe tâm lý

  • Kết hợp với các bệnh viện, cơ sở y tế lân cận để cung cấp dịch vụ can thiệp khủng hoảng miễn phí cho sinh viên

  • Tổ chức các nhóm hỗ trợ kín và tư vấn theo nhóm, dĩ nhiên với điều kiện là chuyên viên tư vấn phải được đào tạo riêng về tham vấn và hỗ trợ trị liệu tâm lý nhóm (group therapy and facilitation)

  • Sử dụng TAO (Therapy Assistance Online), một nền tảng hỗ trợ trực tuyến, nơi sinh viên có thể tự tìm kiếm các nguồn tự trợ giúp (self-help), các biện pháp can thiệp rối loạn lo âu, trầm cảm, và các công cụ để rèn luyện chánh niệm (mindfulness), tăng cường sức khỏe toàn diện (wellness)

  • Giới thiệu các đường dây nóng ngăn ngừa tự sát để sinh viên luôn có một kế hoạch an toàn (safety plan) cho mình và người thân cận trong giây phút một mình đối mặt với khủng hoảng

Xét đến khả năng và hoàn cảnh hiện tại của giáo dục đại học Việt Nam, hai phương pháp tiếp cận trên nên là ưu tiên số một. Tiếp đến, về phương pháp điều trị tâm lý (treatment) và quản lý sau điều trị (after treatment) trong môi trường đại học, có thể áp dụng những mô hình trị liệu tâm lý đã và đang được sử dụng phổ biến trong tư vấn tâm lý học đường (school counseling) như: tư vấn tập trung vào cá nhân con người (person-centered counseling), liệu pháp thực tế (reality therapy), phương pháp tiếp cận hành vi nhận thức (cognitive behavioral approaches), tư vấn ngắn gọn tập trung vào giải pháp (solution-focused brief counseling), liệu pháp tường thuật (narrative therapy) và các phương pháp trị liệu sáng tạo như nghệ thuật và âm nhạc (creative counseling approaches) [13].

Kết luận

Qua hai phần của bài viết về sự phát triển và sức khỏe tâm lý của sinh viên này, mình hy vọng bạn đọc có được cái nhìn tổng quan về những thử thách sinh viên thường phải đối mặt trong quá trình học đại học và gợi mở một số phương pháp hỗ trợ sinh viên mà các trường đại học có thể áp dụng. Bản thân mình rất quan tâm tới độ tuổi này và luôn hy vọng nhận được nhiều ý kiến, câu hỏi về những khúc mắc các bạn sinh viên cần trợ giúp, cũng như tiếp tục nghiên cứu về đề tài tư vấn tâm lý cho sinh viên dưới góc nhìn của một nền giáo dục toàn diện



Cuối cùng, xin mượn lời Hiệu trưởng trường đại học Fulbright Việt Nam, “Chúng tôi theo đuổi truyền thống giáo dục khai phóng của Mỹ nhưng chúng tôi là một cơ sở giáo dục Việt Nam có gốc rễ từ xã hội này. Chúng tôi không chỉ muốn trở thành một bản sao của người Mỹ”[14] để nhấn mạnh rằng, công cuộc phát triển nền giáo dục đại học tại Việt Nam, dưới sự dẫn dắt của những người trẻ và những công trình nghiên cứu tâm huyết, sẽ hoàn toàn có thể tạo ra một hướng đi riêng đầy sáng tạo cho Việt Nam. Để làm được điều này, mình hy vọng Việt Nam sẽ có nhiều hơn những sự hợp tác, nghiên cứu định tính từ các trung tâm/văn phòng tư vấn tâm lý và hỗ trợ sinh viên để có thể tạo tiền đề dữ liệu và gợi mở những câu hỏi nghiên cứu tiếp theo.



Biên tập: Hương Lê

Minh hoạ: La Quỳnh



Danh sách tham khảo

[1] Ratanasiripong P, Rodriguez A. Promoting wellness for Thai college students. Journal of College Student Development [Internet]. 2011 Mar [cited 2021 Mar 6];52(2):217–23. Available from: doi.org/10.1353/csd.2011.0028 

[2] Degges-White S, Borzumato-Gainey C. College student mental health counseling: a developmental approach. New York, NY: Springer Publishing Company; 2014. 237 p.

[3] Gladding ST. Counseling: A comprehensive profession. Pearson Education; 2018. 373p.

[4] Gladding ST. 373p.

[5] Gladding ST. 374 p.

[6] Paladino DA, Gonzalez LM, Watson JC. College counseling and student development: theory, practice, and campus collaboration. American Counseling Association; 2020.

[7] Higher Education Mental Health Alliance. About HEMHA. [cited 2021 Feb 25]. Available from: https://hemha.org/about-hemha?fbclid=IwAR2xoQWpqBfo8-YgmYc6Ym2Ht1grAjM5Xxnvmq57sw2Ndex-zAv3UGYhgi8 

[8] Nguyen CTQ, Nguyen HT. Mhealth literacy: knowledge of depression among undergraduate students in Hanoi, Vietnam. International Journal of Mental Health Systems. 2018 [cited 2021 Mar 6]; 12(1). Available from:  https://doi.org/10.1186/s13033-018-0195-1

[9] RMIT Vietnam Student Life HN. Emerging issues [Facebook]. 2020 Dec 14 [cited 2021 Feb 25]. Available from: https://www.facebook.com/WellbeingRMITVietnam 

[10] Loyola Marymount University. Wellness [Internet]. Los Angeles, CA [cited 2021 Mar 7]. Available from: https://studentaffairs.lmu.edu/wellness/ 

[11] Saigon Psychub. Đội ngũ nhân sự. [cited 2021 Feb 25]. Available from: http://psychub.vn/gioi-thieu/doi-ngu-nhan-su/ 

[12] Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn. Chương trình giáo dục đại học khoa tâm lý học khóa 2019-2023. [cited 2021 Feb 25]. Available from: https://tamly.hcmussh.edu.vn/Resources/Docs/SubDomain/tamly/[TLH-%C4%90T]%20CT%C4%90T%20Tam%20ly%20hoc%202019.pdf 

[13] Crawford C. Popular counseling theories used by school counselors. In Studer JR, Diambra  JF (Eds.). A guide to practicum and internship for school counselors-in-training. New York, NY: Routledge/Taylor & Francis Group; 2010. 31–45 p. 

[14]  Marklein MB. Expanding the Fulbright Legacy in Vietnam. Change: The Magazine of Higher Learning. 2018 [cited 2021 Mar 6] 50(1):63–70. https://doi.org/10.1080/00091383.2018.1413909

Thuỳ Nguyễn

Thạc sĩ Định hướng Nghề nghiệp và Tham vấn Tâm lý (MA in Guidance and Counseling) tại Mỹ

Previous
Previous

Healing Justice: Chữa Lành Vết Thương, Giành Lại Công Lý

Next
Next

Quá Trình Phát triển Của Sinh Viên Đại Học - Phần 1