Tổng Quan Về Hành Vi Tự Hại Ở Trẻ Vị Thành Niên

Các hành vi tự hại ở trẻ vị thành niên đang gây ra sự chú ý và quan tâm ngày càng tăng trên toàn thế giới.. Cá nhân thường bắt đầu thực hiện hành vi tự hại vào giai đoạn đầu tuổi vị thành niên, từ 12 đến 14 tuổi thường liên quan đến việc cắt hoặc khắc lên da [1]. Bên cạnh đó, nghiên cứu cũng đã chỉ ra hành vi tự hại cũng có thể bắt đầu khi trẻ dưới 12 tuổi hoặc trên 14 tuổi [1,2] và họ có thể duy trì hành vi tự hại cho đến tuổi trưởng thành [3].

Một số nghiên cứu đã báo cáo hành vi tự hại có thể xuất hiện trong một loạt các rối loạn, chẳng hạn như rối loạn căng thẳng sau chấn thương, rối loạn phân ly, rối loạn hành vi, rối loạn ám ảnh cưỡng chế, rối loạn bùng nổ gián đoạn, rối loạn lo âu, rối loạn khí sắc, rối loạn sử dụng chất kích thích, rối loạn ăn uống và rối loạn nhân cách ranh giới. Tuy nhiên không phải tất cả các nghiên cứu đều đưa ra bằng chứng xác nhận mối liên quan giữa hành vi tự hại và rối loạn tâm thần [1-5].

1.      Hành vi tự hại là gì?

Hành vi tự hại (non-suicidal self-injury) là hiện tượng tự gây thương tích cho bản thân, ám chỉ một hành vi hủy hoại trực tiếp và có chủ ý của một cá nhân với chính bản thân mình. Tuy nhiên, hành vi này không đồng nghĩa với việc họ có ý định tự tử/ tự sát. Hành vi tự hại có thể thay đổi từ mức độ nhẹ (ví dụ như tần suất thấp và tổn hại nhẹ như là trầy xước), trung bình (ví dụ như tần suất thường xuyên và tổn hại hơn, có thể cần chăm sóc y tế) đến nặng (ví dụ như tần suất dày đặc hơn, chấn thương nặng và suy yếu) [1,3,6].

2.      Mối liên hệ giữa hành vi tự hại và hành vi tự tử/ tự sát

Nghiên cứu cho thấy rằng hành vi tự hại là có thể yếu tố dự báo mạnh mẽ về những nỗ lực tự sát trong tương lai của một cá nhân [7,8]. Tuy những người cố gắng thực hiện hành vi tự sát có điểm số cao hơn trong các thang đo về lo âu, trầm cảm và các ý tưởng tự tử so với những người thực hiện những hành vi tự hại [6,7]. Nghiên cứu nhận thấy nếu hành vi tự hại được thực hiện một cách thường xuyên và lâu dài, có thể dẫn tới nỗ lực tự sát ở cá nhân [9]. Điều này cho thấy, mặc dù hành vi tự hại có thể không trực tiếp dẫn đến nỗ lực tự sát, nhưng cũng không loại trừ khả năng hành vi tự hại có thể trở thành nguy cơ cho hành vi tự tử trong tương lai [7-9].

Sự khác biệt rõ ràng giữa hành vi tự hại và hành vi tự sát là trong khi hành vi tự hại có thể được sử dụng như một cách thức không phù hợp để họ đối phó với vấn đề gặp phải như căng thẳng tâm lý, nhằm điều chỉnh cảm xúc. Hành vi tự sát thể hiện mong muốn kết thúc cuộc sống của một người [5],[10].

3.      Tiêu chí chẩn đoán theo DSM-5

Theo Hiệp hội Tâm thần Hoa Kỳ [11], liệt kê hành vi tự hại là một chẩn đoán riêng biệt, trong khi các phiên bản trước của Diagnostic and Statistical Manual of Mental Disorders (Cẩm nang Chẩn đoán và Thống kê Rối loạn Tâm thần của Hiệp hội Tâm thần học Hoa Kỳ - viết tắt là DSM) chỉ bao gồm hành vi tự hại như một triệu chứng của rối loạn nhân cách ranh giới chứ không phải là một chẩn đoán riêng biệt [12]. Quy định giữa các tiêu chí về hành vi tự tử và hành vi tự hại là rất quan trọng trong việc chẩn đoán phân loại rối loạn để có liệu trình can thiệp phù hợp.

Theo DSM-V, để đáp ứng các tiêu chí cho chẩn đoán hành vi tự hại, một người phải cố ý tự gây thương tích cho bề mặt cơ thể từ 5 ngày trở lên mà không có ý định tự tử/ tự sát trong năm qua [3,11].

 Hành vi tự hại phải gắn liền với một trong các tiêu chí sau: [3,11]

  • Cá nhân có hành vi tự hại kỳ vọng: được giải thoát khỏi cảm xúc tiêu cực, giải quyết vấn đề cá nhân, tạo ra các cảm xúc tích cực.

  • Hành vi tự làm tổn thương gắn với một trong các tình huống:

    • cá nhân trải qua các cảm xúc tiêu cực trước khi có hành vi;

    • cá nhân chuẩn bị cho hành vi cẩn thận trước khi hành vi diễn ra;

    • cá nhân nghĩ nhiều tới hành vi này ngay cả khi nó không diễn ra.

  • Điều quan trọng đối với hành vi đáp ứng các tiêu chí cho chẩn đoán của hành vi tự hại là hành vi không được xã hội chấp nhận.

  • Hành vi tự hại thường dẫn đến đau khổ đáng kể cho cuộc sống của cá nhân đó. Hành vi hoặc hậu quả của nó có thể gây căng thẳng đáng kể với cuộc sống thường nhật của cá nhân.

  • Ngoài ra, hành vi tự hại không diễn ra trong giai đoạn loạn thần, mê sảng, say chất, hoặc cai nghiện chất, hành vi không thể được giải thích bởi các tình trạng bệnh lý khác.

4.      Phân loại các biểu hiện hành vi tự hại

Các hành vi gián tiếp: Việc uống nhiều rượu, ăn thức ăn nhiều chất béo, hút thuốc lá,..những hành vi này thường không được thực hiện với mục đích gây tổn hại cho bản thân, mà thay vào đó được thực hiện vì chúng mang lại niềm vui, sự thích thú tạm thời và hậu quả gây ra là tác dụng phụ gián tiếp và ngoài ý muốn. Những hành vi như vậy thường không được gọi là tự gây thương tích hoặc tự làm hại bản thân, mà là hành vi gián tiếp tự gây tổn hại cho bản thân, tự đánh bại bản thân hoặc hành vi không lành mạnh [6]. Ngoài ra, văn hóa, dân tộc, bối cảnh sinh sống có thể tác động đến việc lựa chọn hình thức thực hiện này, chẳng hạn như hành vi tự gây thương tích có chủ ý sẽ được che giấu bằng cách thực hiện các hình thức được văn hóa họ sống chấp nhận (ví dụ: xăm hình, đeo khuyên..) [1,2].

Các hành vi trực tiếp: Cắt da/ rạch tay là loại phổ biến nhất trong các hành vi tự hại. Ngoài ra, các hình thức khác bao gồm chà xát, cắn, đốt, cào, đập hoặc đánh vào các bộ phận cơ thể và ngăn chặn việc chữa lành vết thương [4].

5.      Tại sao cá nhân lại thực hiện hành vi tự hại?

Các yếu tố giải thích cho sự hình thành của các hành vi tự hại có thể được chia thành hai loại chính: cá nhânmôi trường [1,6]. Một vài yếu tố cụ thể sẽ được nói đến dưới đây:

a)      Các yếu tố cá nhân:
Giải tỏa căng thẳng/ cảm xúc tiêu cực/ sự khó chịu:
Tuổi thành niên là một giai đoạn phát triển dễ bị tổn thương khi cá nhân đối mặt với nhiều thay đổi lớn trong cuộc sống (ví dụ: họ phải tập quen với cách sống tự lập, tự chủ, tự quyết định những sự việc liên quan đến mình, những thách thức trong quá trình học tập, căng thẳng điểm số hay những tình huống bất ngờ đòi hỏi họ phải có kỹ năng giải quyết vấn đề khi họ chưa đủ năng lực cũng như kinh nghiệm để xoay sở...).Vì vậy, trải qua những thay đổi xảy ra có thể dẫn đến nhiều căng thẳng cho cá nhân, ví dụ họ đang dần chuyển từ sự phụ thuộc vào cha mẹ sang sự độc lập tương đối, điều này đòi hỏi nhiều khả năng đối phó với các vấn đề trong cuộc sống. Thời điểm chuyển đổi này được đánh dấu bằng sự thay đổi đáng kể trong việc tự đảm đương trách nhiệm cao và quyết định tự lựa chọn có thể dẫn đến cả sự thỏa mãn cũng như căng thẳng. Vì thế, căng thẳng có thể sẽ xảy ra khi các nhu cầu về tinh thần, cảm xúc và / hoặc thể chất vượt quá khả năng điều tiết của cơ thể [3].

Trước khi thực hiện hành vi tự hại là một loạt sự gia tăng cảm giác như tức giận, căng thẳng, lo lắng, sợ hãi, phiền muộn và cảm giác “đau khổ” nói chung hoặc cảm giác đau đớn, ràng buộc mà người đó cảm thấy họ không thể thoát khỏi hoặc kiểm soát được [11]. Thực hiện hành vi hại có thể được sử dụng như một cách để giải phóng tạm thời những cảm xúc đau buồn này. Tuy nhiên, bất chấp cảm giác giải tỏa ngắn hạn này, hành vi này sẽ dẫn đến những hậu quả tiêu cực lâu dài hơn [6, 11,12].

Khả năng kiểm soát: Một số nghiên cứu mô tả cá nhân thực hiện hành vi tự hại như một cơ chế đối phó (có thể gọi là phương tiện để họ kiểm soát vấn đề), giúp họ giải quyết vấn đề giữa các cá nhân hay để giảm bớt những khó khăn trong nội tâm; vết thương làm mất tập trung khỏi các tình huống thực tế đang đau đớn về cảm xúc, nỗi đau thể chất sẽ tạm thời thay thế cho nỗi đau tinh thần tại thời điểm đó của họ [1]. Ngoài ra, thói quen và sự lặp lại hành vi tự hại này có thể được coi là rối loạn kiểm soát xung động (Impulse Control Disorders): hội chứng tự cắt xén lặp đi lặp lại [1].

Tự trừng phạt bản thân: Cá nhân thực hiện hành vi tự hại như một cách để tự trừng phạt bản thân có thể làm thu hút sự chú ý và khiến người khác cảm thấy tội lỗi. Ngoài ra, người sử dụng hành vi tự hại của mình theo động lực này có thể nhằm mục đích ràng buộc mối quan hệ gắn bó với một cá nhân nào đó [11].

Để “cảm nhận” điều gì đó: Một yếu tố khác có thể đóng góp vào hành vi tự hại đó là để khơi gợi cảm xúc ''để cảm nhận điều gì đó bởi vì thanh thiếu niên đang cảm thấy tê liệt hoặc trống rỗng''. Những cá nhân này muốn cảm thấy điều gì đó, ngay cả khi cảm giác đó là đau đớn. Việc thực hiện hành vi tự hại để cảm nhận những cảm giác tích cực chẳng hạn như sự hài lòng, niềm vui hay sự phấn khích. Nghiên cứu giả thuyết rằng thực hiện hành vi tự hại sẽ dẫn đến giải phóng opiate nội sinh (tham gia vào các cơ chế giảm đau) để phản ứng với tổn thương mô, tạo ra cảm giác hưng phấn [4].Khả năng khơi gợi những cảm giác này có xu hướng củng cố hoặc thúc đẩy hành vi tự hại. Nhìn thấy máu trong khi thực hiện hành vi tự hại có thể là một khía cạnh củng cố của hành vi này vì người ta báo cáo rằng nhìn thấy máu giúp thanh thiếu niên cảm thấy chân thực và tập trung vào vết thương thể chất hơn là vết thương tinh thần [3].

Tìm kiếm sự giúp đỡ: Theo thông tin đã được cập nhật từ các nghiên cứu, hành vi tự hại đề cập đến hành vi trong đó các cá nhân khiến người khác tin rằng họ có ý định chết vì hành vi của mình khi họ thực sự không có ý định làm như vậy. Mục đích của hành vi này có thể là để giải tỏa với sự căng thẳng và / hoặc để tìm kiếm sự giúp đỡ từ người khác [6].

b)     Các yếu tố môi trường:
Ngược đãi/ lạm dụng thời thơ ấu:
Hầu hết thanh thiếu niên sẽ có đầy đủ cơ chế đối phó để xử lý các thay đổi trong cuộc sống thay đổi của họ và có thể chuyển tiếp qua giai đoạn phát triển này một cách lành mạnh và tích cực. Tuy nhiên, nhiều yếu tố bên ngoài (ví dụ: trải nghiệm thời thơ ấu bất lợi, cách thực hành nuôi dạy con kém của người chăm sóc và ảnh hưởng tiêu cực từ bạn bè,...) và các yếu tố bên trong (ví dụ: rối loạn điều hòa cảm xúc và tâm lý căng thẳng) có thể khiến thanh thiếu niên có nguy cơ thực hiện hành vi tự hại. Ví dụ thanh thiếu niên trải qua những trải nghiệm thời thơ ấu bất lợi có nhiều nguy cơ phát triển biến dạng nhận thức có thể dẫn đến việc thực hiện các hành vi tự hại [2],[3]. Nghịch cảnh thơ ấu nghiêm trọng có liên quan đến rối loạn tâm thần, dẫn đến các hành vi tự hại nghiêm trọng hoặc thường xuyên hơn [3].

Nhiều nghiên cứu tập trung vào trải nghiệm sang chấn thời thơ ấu cho thấy rằng các hành vi ngược đãi thời thơ ấu là một yếu tố rủi ro của hành vi tự hại ở thanh thiếu niên và sinh viên đại học [3,5]. Đặc biệt, trong số đó, việc bị lạm dụng cho thấy một mối liên hệ chặt chẽ với sự phát triển của hành vi tự hại . Ngoài ra, các nhà nghiên cứu cũng chỉ ra vai trò của mối quan hệ với cha mẹ và người chăm sóc trong nguyên nhân và sự phát triển của các hành vi tự hại. Ví dụ nghiên cứu cho thấy sự gắn bó không an toàn với cha mẹ là những yếu tố rủi ro về thực hiện hành vi tự hại ở cả phụ nữ và nam giới. Tuy nhiên, hành vi tự hại ở nam giới được dự đoán chính xác hơn bởi sự xa cách thời thơ ấu với cha [1].

Trốn thoát khỏi các ký ức gây sang chấn: Tiền sử bị lạm dụng/ ngược đãi thời thơ ấu và trải nghiệm cuộc sống căng thẳng có thể là những yếu tố rủi ro của tình trạng dễ bị tổn thương ở một cá nhân. Do đó, việc tránh né, muốn xóa bỏ các ký ức được khơi dậy có thể là mục tiêu khiến họ thực hiện hành vi tự hại [1]. Ngoài ra, cha mẹ có bệnh tâm thần và các rối loạn tâm lý, tiền sử gia đình có người thực hiện hành vi tự tử, gia đình tan vỡ, trải nghiệm mất mát, bất hòa trong gia đình… cũng có thể là các yếu tố rủi ro khiến họ thực hiện hành vi tự hại [2].

Môi trường giáo dục không lành mạnh/ không thuận lợi cho sự phát triển cá nhân: Không được đi học, không hài lòng với việc học hoặc gặp khó khăn trong học tập, bị bạn bè cô lập, bắt nạt,…có thể dẫn đến việc thanh thiếu niên không có nhiều cơ hội hòa nhập với mọi người xung quanh [2]. Người thực hiện hành vi tự hại có thể sử dụng hành vi này như một cách thức để bạn bè đồng trang lứa cảm thấy tội lỗi khi bắt nạt và bạo lực với họ (ví dụ như: bạo lực học đường hoặc các nhiệm vụ mà họ bắt cá nhân này tuân theo…) [5].

Thanh thiếu niên thực hiện hành vi tự hại có nhiều khả năng thực hiện những hành vi rủi ro khác như lạm dụng chất kích thích, hành vi tình dục nguy cơ và thói quen ăn uống không hợp lý [1].  Những người trưởng thành có tiền sử thực hiện hành vi tự hại đã bày tỏ thái độ tiêu cực đối với cơ thể và mức độ chăm sóc cơ thể thấp hơn [1]. Cá nhân thực hiện hành vi tự hại có thể bị tổn thương thể chất lâu dài và có nguy cơ tử vong cao hơn do tự tử/ tự sát [11-13]. Bên cạnh đó, một nghiên cứu lớn cũng chỉ ra rằng nam giới và phụ nữ điều chỉnh cảm xúc của họ theo những cách khác nhau [12].

Bên cạnh việc nữ giới cũng thường có xu hướng thực hiện hành vi tự hại hơn nam giới, sự khác biệt giới còn được nhìn thấy trong các phương pháp được cá nhân sử dụng. Trong đó, phương thức tự cắt phổ biến ở nữ giới [2] và các phương thức tự đánh đập và tự làm bỏng là phổ biến nhất ở nam giới [2,12]. Ngoài ra, nam giới có nhiều khả năng thực hiện hành vi tự hại vì lý do xã hội và nữ giới thực hiện hành vi này phần lớn để giảm bớt trạng thái cảm xúc tiêu cực và tự trừng phạt bản thân [1]. Hơn nữa, có ý kiến ​​cho rằng sự khác biệt giới sẽ tồn tại hoặc thể hiện rõ rệt hơn ở trẻ nhỏ hơn [12-14]. Vì vậy, sự khác biệt giới cũng có thể tác động đến phương thức cá nhân sử dụng cũng như các động lực hình thành hành vi tự hại ở mỗi cá nhân sẽ dẫn đến nguy cơ tự tử về sau cao hơn hay thấp hơn [5,11]. Nguy cơ tự tử gia tăng này bắt nguồn từ thói quen cảm nhận cảm giác đau đớn theo thời gian, giảm cảm nhận đau đớn và giảm sợ hãi đối với các rào cản tự tử vì sợ đau [3,5].

Dấu hiệu nhận biết hành vi tự hại

Những hành vi tự hại nếu không được phát hiện và ngăn chặn kịp thời có thể để lại hậu quả nghiêm trọng không chỉ về thể chất mà còn về tinh thần, thậm chí là tính mạng của cá nhân người thực hiện hành vi tự hại. Việc xác định các dấu hiệu là điều cần thiết để cá nhân có thể nhận được những sự giúp đỡ phù hợp và kịp thời. Sau đây là một số dấu hiệu tham khảo [2,5,10]:

  • Xuất hiện nhiều dấu hiệu tự hại trên cơ thể (thường xuyên có vết cắt, vết bỏng, vết bầm tím hoặc sẹo ở cánh tay, đùi trong.....).

  • Che giấu các vật dụng tiềm ẩn gây nguy hiểm (trữ các vật sắc nhọn hoặc dụng cụ cắt trong người mà không có lý do rõ ràng như lưỡi dao lam, kim tiêm, mảnh thủy tinh, hộp quẹt,..).

  • Thường mặc các trang phục kín đáo với mục đích che kín cơ thể (ví dụ: hay ăn mặc không phù hợp với thời tiết tức là hay mặc áo tay dài, quần dài, cổ áo cao,…ngay cả trong thời tiết nóng bức). Ngoài ra, trên quần áo họ mặc thường thấm các vết máu.

  • Thường hay cản trở việc tự chữa lành của vết thương.

  • Suy nghĩ/ cảm xúc tiêu cực xuất hiện nhiều (chẳng hạn như khí sắc trầm hoặc hay lo âu) và suy ngẫm lặp đi lặp lại về hành vi tự hại….

  • Tránh né hoặc miễn cưỡng tham gia các hoạt động có thể làm lộ vết thương cơ thể.

  • Bào chữa về chấn thương của mình khi vô tình để lộ và người khác hỏi về nguyên nhân của vết thương.

  • Thay đổi cân nặng cơ thể nhanh chóng (tăng cân/ sụt cân nghiêm trọng).

  • Thường xuyên lạm dụng rượu, thuốc và chất kích thích.

  • Có thể có thái độ cáu gắt, khó chịu khi bị đụng chạm vào cơ thể.

  • Hạn chế hoặc gặp khó khăn trong các kỹ năng xã hội và tạo mối quan hệ với mọi người.

Muốn được ở một mình hoặc tự cô lập bản thân…

Lời Kết

Hãy nhớ rằng, không phải lúc nào tất cả những hành vi hay các yếu tố rủi ro kể trên đều có thể dẫn đến việc cá nhân thực hiện hành vi tự hại. Bản chất, dấu hiệu, và ý nghĩa của việc tự hại có thể khác nhau rất nhiều ở mỗi người. Vì vậy, việc tìm hiểu về “tự hại” giúp chúng ta có góc nhìn khách quan hơn để cảm thông và hỗ trợ vấn đề kịp thời.


Biên tập: Hương Lê | Thiết kế: El Ei

Nguồn tham khảo:
[1] Cipriano A, Cella S, Cotrufo P. Nonsuicidal self-injury: A systematic review. Frontiers in psychology. 2017 Nov 8;8:1946.

[2] Alison Wood. Self-harm in adolescents. Advances in psychiatric treatment (2009), vol. 15, 434–441.

[3]  Gail Hornor, RNC, DNP, CPNP. Nonsuicidal Self-Injury. Journal of Pediatric Health Care. 2016. Volume 30. Number 3.

[4] Klonsky ED: The functions of deliberate self-injury: A review of the evidence. Clin Psychol Rev 2007, 27:226-239.

[5] John Peterson, MD, Stacey Freedenthal, PhD, Christopher Sheldon, PhD, and Randy Andersen, LCSW. Nonsuicidal Self injury in Adolescents. Psychiatry (Edgmont). 2008 Nov; 5(11): 20–26. 

[6] Nock MK: Self-injury. Ann Rev Clin Psychol 2010, 6:15.1-15.25.

[7] Andover MS, Gibb BE: Non-suicidal self-injury, attempted suicide, and suicidal intent among psychiatric inpatients. Psychiatry Res 2010, 178:101-105.

[8] Muehlenkamp JJ, Kerr PK: Untangling the self-harm web: How nonsuicidal self-injury and suicide attempts differ. Prev Res 2010, 17:8-10.

[9] Whitlock J, Muehlenkamp JJ, Purington A, Eckenrode J, et al: Non-suicidal self-injury as a gateway to suicide in young adults., Manuscript under review.

[10] Janis Whitlock, Matthew Selekman. Non-suicidal self-injury (NSSI) across the lifespan. 2013 Jan.

[11] American Psychiatric Association. (2013). Diagnostic and statistical manual of mental disorders (5th ed.). https://doi-org.ezproxy.frederick.edu/10.1176/appi.books.9780890425596

[12]American Psychiatric Association (APA) (1994). Diagnostic and statistical manual of mental disorders (4th ed.) (DSM-IV), Washington DC: American Psychiatric Association.

[13]Aine M. Butler and Kevin Malone. Attempted suicide v. non-suicidal self-injury: behaviour, syndrome or diagnosis?. The British Journal of Psychiatry 2013. 202, 324–325.

https://www.cambridge.org/core/services/aop-cambridge-core/content/view/454E3A8A8F012C493E22AF4F550A44F7/S0007125000274357a.pdf/attempted-suicide-v-non-suicidal-self-injury-behaviour-syndrome-or-diagnosis.pdf

[14]  Konrad Bresin. Gender differences in the prevalence of nonsuicidal self-injury: A meta-analysis. 2010.

[15] Klonsky, E. D., & Lewis, S. P. (2014). Assessment of nonsuicidal self-injury. In M. K. Nock (Ed.), The Oxford handbook of suicide and self-injury (pp. 337–351). Oxford University Press. 

[16] Janis Whitlock, Matthew Selekman. Non-suicidal self-injury (NSSI) across the lifespan. 2013 Jan.

Previous
Previous

Ảnh Hưởng Của COVID-19 Đến Cảm Giác Liên Kết Với Những Người Xung Quanh

Next
Next

Làm Sao Để Biết Vết Thương Đã Lành?