Ảnh Hưởng Của COVID-19 Đến Cảm Giác Liên Kết Với Những Người Xung Quanh

Đại dịch COVID-19 hạn chế khả năng lên kế hoạch, giao tiếp với những người xung quanh và làm việc của mỗi chúng ta, từ đó giới hạn những nhu cầu cơ bản về tâm lý của con người. Thuyết tự chủ (Self-determination theory - SDT) đề xuất rằng các nhu cầu tâm lý cơ bản là điều kiện cần để con người có được sự tự chủ, xây dựng sự liên kết và đủ khả năng giúp bản thân phát triển và trưởng thành. Từ khi việc giao tiếp cơ thể bị nghiêm cấm trên diện rộng trong thời gian phong tỏa của đại dịch COVID-19, sự liên kết giữa người và người chịu ảnh hưởng đáng kể [1]. Sự liên kết (relatedness) được định nghĩa là sự kết nối giữa con người và con người [2], một yếu tố vô cùng cần thiết giúp ta trải nghiệm cảm giác thuộc về một tập thể và cảm giác gắn kết với những người xung quanh. Mỗi người sẽ có những cách thức đa dạng và khác biệt trong việc xây dựng mối quan hệ, ảnh hưởng một phần nào đó bởi tính cách của họ. Tính cách con người được định nghĩa như một khung mẫu trong cách mỗi con người đáp ứng các nhu cầu tâm lý cơ bản của mình. Phương thức đo lường tính cách con người nổi bật nhất là mô hình Big Five – bao gồm 5 miền đặc điểm tính cách chung như sau: tính hướng ngoại (extraversion), tính dễ chịu (agreeableness), sự nhạy cảm với các cảm xúc tiêu cực (neuroticism*), sự có tâm (conscientiousness) và cuối cùng là tính cởi mở (openness). 

*Trong các khái niệm này, khái niệm neurocitism có lẽ vẫn còn xa lạ với các bạn đọc. Vì vậy, chúng mình xin giải thích thêm một chút về khái niệm này. Neuroticism (tính từ: neurotic) là một đặc điểm tính cách, thường chỉ khuynh hướng dễ trải qua những cảm xúc tiêu cực của một người, bao gồm sự lo lắng, tức giận, bất ổn về mặt cảm xúc. 

Trong những miền tính cách này, tính hướng ngoại, dễ chịu và khuynh hướng nhạy cảm với cảm xúc tiêu cực có những tác động rõ rệt tới sự liên kết giữa các cá thể vì chúng phản ánh cách con người hình thành, củng cổ hoặc làm gián đoạn các mối quan hệ. Vì tính dễ chịu yêu cầu thái độ hợp tác và tin tưởng người khác và tính hướng ngoại thể hiện được giao tiếp với người khác [4] nên cả hai miền tính này đều dễ hình thành một mối quan hệ và thắt chặt sợi dây liên kết giữa người và người hơn [5]. Trái đó, khuynh hướng nhạy cảm với cảm xúc tiêu cực thường được liên hệ với cách xử lý áp lực và cảm xúc tiêu cực không lành mạnh [4], điều gây nên những trở ngại trong việc duy trì mối quan hệ. [5]. Vì vậy, khuynh hướng nhạy cảm với các cảm xúc tiêu cực có thể gây ảnh hưởng tiêu cực tới sự liên kết giữa các cá nhân, còn tính dễ chịu và hướng ngoại ảnh hưởng tích cực đến việc thỏa mãn nhu cầu kết nối với người khác.

Khuynh hướng nhạy cảm với cảm xúc tiêu cực thường có mối tương quan tiêu cực đến sự liên kết giữa người và người, cụ thể là trong việc hình thành mối quan hệ với người khác. Ví dụ, một nghiên cứu chỉ ra rằng sinh viên có khuynh hướng nhạy cảm với cảm xúc tiêu cực thường đặt mục tiêu khi học đại học là có thể áp dụng các phương pháp điều tiết các trạng thái cảm xúc, như không lo lắng quá mực hay giảm stress, vì càng ngày họ càng khó kiểm soát được cảm xúc của mình. Vì việc kìm nén cảm xúc tiêu cực thường tiêu tốn rất nhiều năng lượng của người có khuynh hướng nhạy cảm với cảm xúc tiêu cực nên việc giao tiếp với họ thường gây mệt mỏi và khó duy trì. Cũng chính vì người có khuynh hướng nhạy cảm với cảm xúc tiêu cực thường gặp nhiều khó khăn trong việc hình thành các mối quan hệ nên đặc tính này có thể có mối tương quan tiêu cực với sự liên kết.  

Ngược lại, tính hướng ngoại có thể ảnh hưởng tích cực đến mức độ kết nối giữa các cá nhân vì bản chất của đặc điểm tính cách này thiên về việc giao tiếp với mọi người. Cụ thể, một nghiên cứu đã cho thấy rằng tính hướng ngoại có thể được dùng để dự báo thành tích tốt trong môn tiếng Anh ở sinh viên Trung Quốc vì môn học này đòi hỏi kỹ năng giao tiếp và kỹ năng nói khi thuyết trình [8]. Quan trọng hơn, một nghiên cứu khác tìm hiểu về những mối quan hệ của phụ nữ ở độ tuổi trung niên với những người thân của họ cho thấy mức độ hướng ngoại cao có thể được dùng để dự đoán mức độ phụ thuộc của họ vào những người xung quanh, cũng chính là những người họ tìm đến để được hỗ trợ về mặt cảm xúc [9]. Chính vì vậy, tính hướng ngoại rất quan trọng trong việc xây dựng mối liên hệ với những người xung quanh, thể hiện mối tương quan tích cực giữa tính hướng ngoại và sự liên kết người-người. 

Tương tự, tính dễ chịu có mối liên hệ tích cực tới sự kết nối giữa con người bởi vì khuynh hướng hợp tác với những người xung quanh. Một nghiên cứu chỉ ra rằng đặc điểm này có mối tương quan tích cực với khuynh hướng hợp tác của sinh viên với các bạn đồng môn. Tính dễ chịu giúp thúc đẩy mối quan hệ tương trợ giữa với các bạn học khác, từ đó giúp họ tiếp tục học tập và duy trì sự chăm chú đối với khóa học [10]. Kể cả khi những cá nhân sở hữu tính cách này đối diện với cảm giác bức bối trong các mối quan hệ, họ vẫn duy trì một thái độ hòa nhã và ân cần, và sẵn sàng nhìn sự việc từ góc nhìn của những người bạn của mình[11]. Vì vậy, tính dễ chịu có thể được liên hệ một cách tích cực đến sự kết nối người-người dựa trên việc người có tính dễ chịu thường có khuynh hướng hợp tác trong các mối quan hệ.

Dẫu vậy, vì tương tác giữa các cá nhân bị giới hạn một cách nghiêm ngặt trong giai đoạn giãn cách xã hội giữa đại dịch COVID-19 nên mối quan hệ giữa sự hướng ngoại, sự dễ chịu, sự nhạy cảm với các cảm xúc tiêu cực, và sự kết nối người-người đã bị gián đoán. Điều đáng chú ý nhất đó là tính hướng ngoại và dễ chịu có ít ảnh hưởng tới tâm trạng và động lực của con người hơn do lượng tương tác xã hội bị giảm sút khi giãn cách [12], [13]. Nghiêm trọng hơn, một nghiên cứu khác tập trung vào ảnh hưởng của cách ly xã hội đối với những người tham gia đang sống giãn cách đã cho thấy rằng sự bất ổn về mặt cảm xúc có ảnh hưởng tiêu cực tới cách họ đối phó với sự cô đơn [14]. Vì những nghiên cứu trên không chú trọng cụ thể vào mối quan hệ trực tiếp giữa các miền tính cách này với sự liên kết nên ta cần gấp rút nghiên cứu thêm về những mối liên hệ này trong đại dịch COVID-19.

Đại dịch COVD-19 có tiềm năng tăng cường mối liên hệ tích cực giữa sự liên kết với cả tính hướng ngoại lẫn tính dễ chịu, và củng cố mối liên hệ tiêu cực với sự nhạy cảm với các cảm xúc tiêu cực. Cả tính hướng ngoại và dễ chịu đều biểu lộ những yếu tố hành vi, bao gồm giao tiếp và xây dựng mối quan hệ tương trợ [13], từ đó khuyến khích sức khỏe tinh thần trong đại dịch [1]. Ngược lại, vì đại dịch dẫn đến những tình huống mới mẻ và khó lường, từ đó khiến người nhạy cảm với cảm xúc tiêu cực khó thích ứng được, nên họ thiên về việc ít kết nối với người khác để giải quyết những bức bối của mình hơn [12]. Họ có thể chịu bất lợi nghiêm trọng trong việc tiếp cận hỗ trợ xã hội vì họ mang theo mình những lo ngại về phản ứng tiêu cực của người khác đối với những khó khăn trong việc ổn định cảm xúc khi nói chuyện trực tiếp. Do đó, đại dịch COVID có khả năng tạo thêm nhiều khó khăn trong việc thỏa mãn nhu cầu được kết nối của người nhạy cảm, nhưng lại củng cố các mối quan hệ của người hướng ngoại và dễ gần. 
Những nghiên cứu trong tương lai có thể tìm hiểu sự tương tác giữa tính cách của các sinh viên đại học với hoàn cảnh đại dịch COVID-19. Mối liên hệ giữa tính cách của các cá nhân và cảm giác liên kết của họ chỉ phản ánh một phần cuộc sống của họ trong thời kỳ đại dịch. Cụ thể, một nghiên cứu cho rằng những sinh viên có lòng tự trọng cao cho rằng họ có khả năng thích ứng với đại dịch cao hơn. Khả năng thích ứng thường ảnh hưởng tới  cách một người bảo vệ sức khỏe, hạnh phúc và các mối quan hệ xã hội trong các hoàn cảnh khó khăn [15]. Vì vậy, các nghiên cứu có thể chọn nghiên cứu các biến đại diện một cách toàn diện về tích cách và ảnh hưởng của chúng lên các chiến lược thích ứng của sinh viên nhằm hiểu hơn về trải nghiệm của họ với đại dịch COVID-19.

Kết luận

Mối liên hệ giữa tính liên kết và các đặc điểm tính cách trong mô hình tính cách Big Five, cụ thể là tính hướng ngoại, dễ chịu và sự nhạy cảm với các cảm xúc tiêu cực cho thấy những khía cạnh thú vị trong sự kết nối giữa người với người. Ta có thể đề xuất rằng những liên kết này có thể được củng cố qua một số các yếu tố xã hội, như đại dịch COVID-19. Nhìn chung, tính hướng ngoại, tính dễ chịu và sự nhạy cảm với cảm xúc tiêu cực không chỉ giúp ta hiểu được kết nối giữa người với người mà còn phản ánh sức khỏe tinh thần và các hoàn cảnh xã hội của con người.


Biên tập: Thuỳ Anh | Dịch: Chính Nguyễn | Thiết kế: MUOI

Nguồn tham khảo:
[1] Cantarero K, van Tilburg WA, Smoktunowicz E. Affirming basic psychological needs promotes mental well-being during the COVID-19 outbreak. Social Psychological and Personality Science. 2021 Jul;12(5):821-8..

[2] Sheldon KM, Hilpert JC. The balanced measure of psychological needs (BMPN) scale: An alternative domain general measure of need satisfaction. Motivation and Emotion. 2012 Dec;36(4):439-51..

[3] McAdams DP, Pals JL. A new Big Five: fundamental principles for an integrative science of personality. American psychologist. 2006 Apr;61(3):204.

[4] Soto CJ, John OP. The next Big Five Inventory (BFI-2): Developing and assessing a hierarchical model with 15 facets to enhance bandwidth, fidelity, and predictive power. Journal of personality and social psychology. 2017 Jul;113(1):117.

[5] Roberts BW, Kuncel NR, Shiner R, Caspi A, Goldberg LR. The power of personality: The comparative validity of personality traits, socioeconomic status, and cognitive ability for predicting important life outcomes. Perspectives on Psychological science. 2007 Dec;2(4):313-45.

[6] Reisz Z, Boudreaux MJ, Ozer DJ. Personality traits and the prediction of personal goals. Personality and Individual Differences. 2013 Oct 1;55(6):699-704.

[7] Ionescu D, Iacob C. Self-authenticity, Optimism, and Neuroticism in relation to Basic Psychological Needs. Romanian Journal of Psychology. 2019 Jan 1;21(1).

[8] Cao C, Meng Q. Exploring personality traits as predictors of English achievement and global competence among Chinese university students: English learning motivation as the moderator. Learning and Individual Differences. 2020 Jan 1.

[9] Henriques-Calado J, Duarte-Silva ME, Campos RC, Sacoto C, Keong AM, Junqueira D. Predicting relatedness and self-definition depressive experiences in aging women based on personality traits: A preliminary study. Bulletin of the Menninger Clinic. 2013 Sep;77(3):269-88.

[10] Sulea C, Van Beek I, Sarbescu P, Virga D, Schaufeli WB. Engagement, boredom, and burnout among students: Basic need satisfaction matters more than personality traits. Learning and Individual Differences. 2015 Aug 1;42:132-8.

[11] Chen Y, Li R, Zhang P, Liu X. WeChat engagement styles: Measuring the two processes of relatedness need, moderated by personality differences. Current Psychology. 2019 Nov 7:1-1.

[12] Staller N, Großmann N, Eckes A, Wilde M, Müller FH, Randler C. Academic self-regulation, chronotype and personality in university students during the remote learning phase due to COVID-19. InFrontiers in Education 2021 Jun 30 (Vol. 6, p. 238). Frontiers.

[13] Anglim J, Horwood S, Smillie LD, Marrero RJ, Wood JK. Predicting psychological and subjective well-being from personality: A meta-analysis. Psychological Bulletin. 2020 Apr;146(4):279.

[14] Michinov E, Michinov N. Stay at home! When personality profiles influence mental health and creativity during the COVID-19 lockdown. Current Psychology. 2021 May 29:1-2.

[15] Besser A, Flett GL, Nepon T, Zeigler-Hill V. Personality, cognition, and adaptability to the covid-19 pandemic: associations with loneliness, distress, and positive and negative mood states. International Journal of Mental Health and Addiction. 2020 Nov 18:1-25.

Nam Nguyễn

Học sinh năm nhất chuyên nghành tâm lý và xã hội học tại trường đại học Melbourne, Úc.

Previous
Previous

"Nên" Và "Không Nên" Trong Mối Quan Hệ Với Người Có Rối Loạn Tâm Lý

Next
Next

Tổng Quan Về Hành Vi Tự Hại Ở Trẻ Vị Thành Niên