Làm Sao Để Biết Vết Thương Đã Lành?

Có thể nhiều người nghĩ  rằng một khi mình đã quên đi chuyện buồn gì đó, thì nghĩa rằng ta đã lành lặn từ tổn thương ấy. Nhưng theo cách hiểu của mình, việc tạm lãng quên thường ám chỉ rằng ta chưa thể đối mặt với tổn thương mà nhét nó vào một chiếc hộp nào đó và cất sâu thật sâu trong hộc tủ của ý thức. 

Đó là một trong những lí do mà khi gặp những trường hợp mang tính “kéo cò súng” (triggering - tạm dịch là làm gợi nhớ lại chuyện cũ và thường gây phản ứng mạnh), chúng ta thường có xu hướng phản xạ ngay lập tức, và thường là theo chiều hướng kéo mọi thứ lao xuống vực.
Qua nhiều câu chuyện, mình nghĩ rằng dù luôn cố gắng làm việc với bản thân mỗi ngày, vẫn có những tổn thương cứ nằm đó, hoặc đúng hơn là ẩn quá sâu khiến mình chưa thể bóc tách hết được. Lúc ổn định thì không sao, nhưng khi thấm mệt thì mình có xu hướng bấm nút “qua bài” đối với những tổn thương này và cứ thế, chúng nằm ở trong vùng vô thức mà chưa được giải quyết. Rồi khi gặp những tình huống khiến những suy nghĩ, cảm xúc đó trồi lên bề mặt, chúng ta chẳng biết xoay sở, xử lý thế nào rồi cứ cuồng quay và loay hoay, khiến những chiếc hộp vô thức rơi ra và bật mở. Và thường thì, thay vì thực sự nhận thức được những tổn thương ấy, những phản ứng này; thay vì đồng ý, nói “có” để chúng được hiện nguyên hình, để đôi bên nói chuyện cho ra nhẽ, thì chúng ta lại nói “không” với sự hiện diện của bóng tối được tạo thành bởi những tổn thương trong quá khứ, cố nhét lại vào chiếc hộp ấy, cất đi, một lần nữa.

Và vòng lặp bắt đầu.
Ai cũng có những chiếc hộp cất trong góc xó này. Đối với mình, một người biết tới khái niệm chữa lành và luôn cố gắng học hỏi, tìm hiểu thêm để xoay chuyển bản thân - thì những chiếc hộp này còn bị phủ bụi nhiều hơn nữa.
Những chiếc hộp của mình xoay quanh gap year (năm nghỉ) giữa lớp 12 và Đại học, những mối quan hệ tình cảm độc hại từ cả phía mình lẫn phía người xung quanh, hay những tội lỗi, mặc cảm về hoàn cảnh tốt hơn của bản thân so với người khác (Vietcetera có bài viết về Wealth Guilt ở đây).
Nghe thì thấy mỗi sự việc không liên quan đến nhau, nhưng suy cho cùng chúng đều “hợp lực” tạo thành chiếc hộp khó nhằn nhất: Sự tan vỡ về hình ảnh của bản thân. Nghĩa là, những điều mình từng tin vào - không còn đáng tin nữa. Những điều mình từng hiểu - không còn hợp lí nữa. Những định nghĩa “tôi là…” - không còn ý nghĩa nữa.

Sau những ngày tháng vật lộn (những) chiếc hộp đó - vừa có sự thấu cảm cho hoàn cảnh của bản thân và quyết định tự cho mình cơ hội để trở nên tốt hơn, nhưng cũng có cả sự chống đấu, gạt bỏ và mệt mỏi vì “cố quá thì quá cố” - mình nhận ra rằng: Sự lãng quên thì khác với chữa lành.

Ranh giới giữa sự bận rộn tích cực và cố gắng chôn sống nội tâm dưới mớ hỗn độn của thế giới bên ngoài là vô cùng mong manh. Và suy cho cùng thì, có những điều sẽ luôn ở đó mãi, luôn khiến ta nghĩ về dù có bận quên đi. Chẳng qua là bạn có chấp nhận được việc nỗi nhớ đó, tổn thương đó, lời nói đó, sự kiện đó là một phần của bạn hay không mà thôi. 

Bởi căn bản thế này, khi bị thương rồi thì điều thuận tự nhiên nhất là chăm sóc vết thương và cho thời gian làm điều nó làm - trôi đi. Nghĩa là, có được sự cân bằng giữa việc “chú ý” và “để mặc”. Khác với lãng quên, chữa lành đòi hỏi ta phải có tình yêu cho chính mình. Lãng quên chỉ đơn giản là ép bản thân phải chuyển sự chú ý, hoặc là buộc lòng không được để tâm tới một-việc-gì-đó. Nhưng chữa lành buộc ta phải nhìn mặt đối mặt với vết thương đó bằng những cảm xúc và suy nghĩ chân thực nhất. Quan trọng hơn nữa, là nghe xem lòng mình muốn làm gì tiếp theo.

Đối với mình, những tổn thương rõ nét nhất thường mình từ chuyện tình cảm. Mỗi lần chia tay, mình cảm thấy thế giới chao nghiêng vô cùng, đồng nghĩa rằng mình mất rất nhiều nỗ lực về mặt thể chất lẫn tâm lý cũng như thời gian để cân bằng lại. Cái khoảnh khắc mà sự đau đớn kết thúc, trong trường hợp của mình là nhận ra bản thân không còn tình cảm dành cho đối phương nữa, theo một cách tự nhiên nhất, mình thực sự giải phóng mình ra khỏi mối quan hệ. Nghe thì có đường bước, nhưng thường thì khá mơ hồ và ráo hoảnh. Mình cũng chưa bao giờ thực sự nhớ lại và hệ thống những ngày tháng đó để xem liệu mình có bước qua 5 giai đoạn của nỗi buồn (Từ chối - Giận dữ - Thương lượng - Suy thoái - Chấp nhận). Mình chỉ cảm thấy cảm ơn bản thân vì đã dành thời gian khóc lên khóc xuống, viết những điều giờ đọc lại chỉ biết nhăn răng cười, và cho phép lòng mình được hỗn loạn nhất có thể để rồi cũng tự mình sắp xếp lại mọi điều. Năng lượng mà bạn dùng để chữa lành sau mỗi tổn thương, dù ít hay nhiều, cũng là một sự cố gắng vô kể và mình hy vọng bạn hiểu bạn đã làm tốt thế nào. 

Khoảnh khắc mình nghĩ mình đã lành, là khi mình không bị xáo trộn, giật mình, đứng tim hay khó thở, hay bối rối không biết phải làm gì khi nghĩ về tổn thương đó nữa. Nó không chỉ là sự chấp nhận, mà còn là sự thừa nhận bản thân mình cũng chỉ chừng đấy yếu đuối và chừng này mạnh mẽ, hiểu thấu rằng chuyện đã xảy ra thì không cách nào quay lại và sửa đổi được nữa, chi bằng cứ đi tiếp và tin vào hành trình phía trước. Cuối cùng và hơn hết, là sự cảm thông lẫn khả năng tha thứ cho đối phương, rồi cả bản thân mình.

Biên tập: Hương Lê | Thiết kế: La Quỳnh

Previous
Previous

Tổng Quan Về Hành Vi Tự Hại Ở Trẻ Vị Thành Niên

Next
Next

Sự An Ủi Của Tarot