Quá Trình Phụ Huynh Hoá – Thay Đổi Từ Cha Mẹ Là Chìa Khóa Chữa Lành

Để hiểu thêm định nghĩa, nguyên nhân và hậu quả của quá trình phụ huynh hoá, mời xem tại phần 1 của bài viết: “Những đứa trẻ bị phụ huynh hoá: Họ là ai?”. Phần hai của bài viết sẽ gợi mở gợi mở về quá trình chữa lành cho những đứa trẻ này. 

1. Những góc nhìn của cha mẹ

 “Tuổi thơ bị đánh mất” là cảnh ngộ chung của những đứa trẻ bị phụ huynh hoá, và những tổn thương tinh thần là điều không thể phủ nhận. Việc nhận diện sớm quá trình phụ huynh hóa sẽ làm giảm những tác động của quá trình này tới trẻ [1]. Tuy nhiên, việc này không dễ dàng có thể đạt được.

 Nếu nhìn từ góc nhìn của cha mẹ, chúng ta có thể nhận diện quá trình này với ba trường hợp:

  • Trường hợp 1- Không nhìn nhận được quá trình phụ huynh hoá đang xảy ra: Trong nhiều trường hợp, vì trẻ có những ứng xử rất người lớn, nghe lời, có trách nhiệm nên rất khó để nhận thấy hiện tượng đổi vai trong gia đình, kể cả bởi nhà chuyên môn, giáo viên, cán bộ bảo trợ xã hội và cả cha mẹ. [1]

  • Trường hợp 2 - Nhìn nhận được những biểu hiện của quá trình, nhưng không đánh giá được mức độ của quá trình này: Ở trong những gia đình này, việc đổi vai mà trẻ đang thực hiện được cha mẹ nhận thức, tuy nhiên việc trẻ thực hiện những công việc và trách nhiệm giúp đỡ cho cha mẹ được hiểu như trẻ tự nguyện và biết yêu thương, quan tâm tới cha mẹ. Hoặc có thể được nhìn nhận như việc làm đương nhiên của con cái khi gia đình có những bất ổn, thì con trẻ cũng như người lớn, phải đóng góp sức mình vào việc cân bằng gia đình [2]. Vấn đề đặt ra ở những gia đình này đó là cha mẹ không nhận thức được mức độ của việc đổi vai.

  • Trường hợp 3 - Nhìn nhận được quá trình phụ huynh hoá đang diễn ra, hiểu về mức độ của nó nhưng không thể thay đổi:  Trong nhiều trường hợp, quá trình này là một điều không thể tránh khỏi vì quá trình này thường xảy ra với những gia đình rối loạn chức năng như gia đình ly hôn, gia đình có người ốm; gia đình có người nghiện rượu [3]. Hay những sự kiện không lường trước được như gia đình có người qua đời, ly hôn, thất nghiệp gây hạn chế nguồn lực của cha mẹ để chăm sóc cho gia đình bị hạn chế và cha mẹ không thể thực hiện được hết các nhiệm vụ chăm sóc của mình, họ bắt buộc phải san sẻ những nhiệm vụ ấy cho những thành viên khác để duy trì cuộc sống cho cả gia đình.

Quá trình phụ huynh hoá xảy ra với trẻ không phụ thuộc vào việc cha mẹ có nhìn nhận được sự hiện diện của nó hay không. Hay nói cách khác, dù cha mẹ thuộc  trường hợp nào trong ba trường hợp kể trên, thì những đứa trẻ bị phụ huynh hoá, trong gia đình đó có khả năng cao vẫn sẽ trải qua những tổn thương tâm lý, và quá trình này vẫn có thể để lại những hậu quả lâu dài. [4]

Tuy nhiên, nghiên cứu cho thấy trẻ có điểm số phụ huynh hoá thấp hơn và ít gặp những vấn đề tâm lý khi trẻ biết rằng cha mẹ của mình có vấn đề về sức khoẻ và cha mẹ hiểu rằng trẻ phải đảm nhiệm những nhiệm vụ thay cho cha mẹ [5]. Điều này có nghĩa là với những đứa trẻ có cha mẹ ở trường hợp số 3 sẽ đối mặt với ít hậu quả của quá trình phụ huynh hoá hơn trẻ ở hai trường hợp còn lại. Từ đó, cha mẹ có thể thấy được tầm quan trọng của việc đánh giá đúng biểu hiện và mức độ của quá trình này để tránh “đi bên lề” vấn đề của con.

2. Đánh giá về biểu hiện mức độ của quá trình phụ huynh hoá

Để gợi mở cho quá trình chữa lành, Jurkovic đưa ra nhận định việc đánh giá đúng quá trình phụ huynh hoá đang xảy ra với trẻ là điểm quan trọng của việc chữa lành [1].

-  Nhìn nhận về mặt hành vi biểu hiện: Những biểu hiện hành vi của quá trình phụ huynh hoá của trẻ có thể bao gồm: nghe lời quá mức, trưởng thành trước tuổi, theo đuổi chủ nghĩa hoàn hảo,  cách ly với xã hội, can thiệp quá mức vào vấn đề của bạn bè, nỗi buồn thường xuyên, hay kêu ca, thường xuyên mệt mỏi, lo lắng về những vấn đề của người thân một cách quá mức.

- Nhìn nhận về mức độ và sự phù hợp của các nhiệm vụ mà trẻ phải đảm đương
Có 1 số câu hỏi có thể được đặt ra để cha, mẹ xác định và làm rõ quá trình này:

  • Trẻ đang giúp cha mẹ những nhiệm vụ nào? Những nhiệm vụ có được đánh giá là phù hợp với độ tuổi của trẻ hay không, nếu không đánh giá những vấn đề gia đình có thể đang gặp phải?

  • Trẻ có đang sống theo kỳ vọng của cha mẹ?

  • Trẻ có thể nói về cảm xúc của trẻ với cha, mẹ và tìm kiếm sự giúp đỡ không?

  • Trẻ hiểu về cảm xúc của bạn tới mức nào?

  • Khi cha mẹ buồn, trẻ có đóng vai xoa dịu cha mẹ hay không?         

Ngoài ra, một số mô hình gia đình thường xuất hiện quá trình phụ huynh hoá bao gồm:·  Những gia đình cha mẹ ly hôn: Bằng chứng cho thấy những đứa trẻ sống trong gia đình có cha mẹ ly hôn có biểu hiện xu hướng trải qua quá trình phụ huynh hoá hơn những gia đình chưa trải qua ly hôn [6]

  • Những gia đình có thành viên nghiện rượu [3, 7]

  • Gia đình có cha mẹ nghiện công việc [7]

  • Cha mẹ lạm dụng chất kích thích [8]

  • Những gia đình có vấn đề tài chính [1,9]

  • Gia đình có thành viên có vấn đề về sức khỏe (thể chất hoặc tâm lý), không thể tự chăm sóc mình, ví dụ như cha, mẹ, anh chị em hoặc ông bà, cô dì nếu chia sẻ không gian sống cùng trẻ và trẻ phải đảm nhiệm việc chăm sóc những thành viên này [1]

  • Những gia đình rối loạn chức năng khác [1] 

Cuối cùng, quá trình phụ huynh hoá cũng cần được nhìn nhận trong tương quan với bối cảnh xã hội, đặc biệt những đặc trưng của văn hoá của nhóm, của xã hội mà gia đình đang thuộc về. [1]

2 (4).png

3. Gợi mở 

Đôi khi sự khác biệt của việc “cho con tự lập” và “con đang đổi vai” có thể rất khó để phân biệt, hơn nữa có rất nhiều hoàn cảnh gia đình khiến quá trình này bắt buộc xảy ra, không thể tránh khỏi. Việc cha mẹ không thể nhìn nhận hoặc kiểm soát được quá trình này chắc chắn không phải là do lỗi của cha mẹ. Tuy nhiên, cha mẹ nên tìm kiếm sự giúp đỡ từ những chuyên gia để được hỗ trợ và nhận được lời khuyên, nâng đỡ tinh thần và tìm ra cách giải quyết những nút thắt có thể đang có trong gia đình mình. 

Đây là đoạn trao đổi của người mẹ và cô con gái được chẩn đoán là đang trải qua quá trình phụ huynh hoá (đứa trẻ bị phụ huynh hoá), sau phiên làm việc với chuyên gia: [1]

[Người mẹ] Chúng ta chưa phải là một mô hình gia đình phù hợp, nhưng gia đình chúng ta có thể trở thành nơi tất cả thành viên nhận được chăm sóc. 

[Con gái] Giờ mẹ hãy tự chăm sóc bản thân mình và chăm sóc con mẹ nhé. 

Có được sự thấu cảm, đồng hành của cha mẹ là chiếc chìa khóa quan trọng để khởi động quá trình chữa lành cho những đứa trẻ bị phụ huynh hoá. Và chắc chắn rằng, cha mẹ sẽ không một mình trong quá trình này. 

Biên tập: Hương Lê | Thiết kế: La Quỳnh

Nguồn tham khảo:
[1] Jurkovic, G. J. Lost childhoods: The plight of the parentified child. New York: Routledge; 2014. 

[2] Chase ND, Deming MP, Wells MC. Parentification, parental alcoholism, and academic status among young adults. Am J Fam Ther. 1998;26(2):105–14.

[3] Rana R, Das A. Parentification: a review paper. Int J Ind Psychol [Internet]. 2021 [cited 2021 Sep 23];Review(1). Available from:https://ijip.in/articles/parentification-a-review-paper

[4] Schier K, Herke M, Nickel R, Egle UT, Hardt J. Long-term sequelae of emotional parentification: A cross-validation study using sequences of regressions. J Child Fam Stud. 2015;24(5):1307–21.

[5] Jankowski PJ, Hooper LM, Sandage SJ, Hannah NJ. Parentification and mental health symptoms: mediator effects of perceived unfairness and differentiation of self: Parentification and mental health symptoms. J Fam Ther. 2013;35(1):43–65

[6] Jurkovic GJ, Thirkield A, Morrell R. Parentification of adult children of divorce: A multidimensional analysis. J Youth Adolesc. 2001;30(2):245–57.

[7] Carroll JJ, Robinson BE. Depression and parentification among adults as related to parental workaholism and alcoholism. Fam J Alex Va. 2000;8(4):360–7

[8] Tedgård E, Råstam M, Wirtberg I. An upbringing with substance-abusing parents: Experiences of parentification and dysfunctional communication. Nordisk Alkohol Nark. 2019;36(3):223–47.

[9]Jelastopulu E, Anna Tzoumerka K. The effects of economic crisis on the phenomenon of parentification. Univers J Psychol. 2013;1(3):145–51

Diệu Anh

“Mình là Diệu Anh, hiện đang làm việc tại một tổ chức phi chính phủ tại Hà Nội. Tâm lý học là chuyên ngành thứ hai của mình. Mình quyết định theo đuổi ngành học này vì sau quá trình gắn bó với các dự án phát triển vì cộng đồng và làm việc với các nhóm đối tượng dễ bị tổn thương và yếu thế khác nhau, mình nhận ra rằng để tạo ra những thay đổi bền vững cho bất kỳ một cộng đồng nào, một bước rất cần thiết tuy nhiên thường bị bỏ qua đó là chuẩn bị tâm lý cho những người trong cuộc. Mình đặc biệt quan tâm tới chủ đề về gia đình rối loạn chức năng; hỗ trợ tâm lý cho nhóm yếu thế và không đủ điều kiện tiếp cận nguồn lực. Được đồng hành cùng IPO và đóng góp những bài viết là một điều trải nghiệm rất ý nghĩa với mình”

Previous
Previous

Cách Viết Nhật Ký Mang Lại Lợi Ích Cho Sức Khỏe

Next
Next

Trị Liệu Tâm Lý Cho Người Có Rối Loạn Nhân cách Ranh Giới