Tự “Chẩn Đoán”

Với sự phát triển của công nghệ ngày nay, chắc hẳn bạn cũng đã có vài lần lên mạng tra cứu về triệu chứng tâm lý mà bạn đang cảm nhận. Tuy việc tra cứu trên mạng có thể giúp bạn nhận diện và tìm hiểu thêm về các rối loạn tâm thần, đôi khi nó lại có hại nhiều hơn là lợi. 

Tự Chẩn Đoán?

Nếu chỉ có mình mới biết chính mình và triệu chứng của mình rõ nhất, thì tại sao chúng ta không thể tự chẩn đoán bằng thông tin trên mạng? Điều này là vì rối loạn tâm thần rất phức tạp và khác nhau đối với mỗi cá nhân, kể cả những nhà trị liệu chuyên nghiệp cũng cần thời gian để cẩn thân đưa ra một chẩn đoán chính xác. Vì vậy, việc chỉ dựa vào những lời mô tả chung chung trên các trang mạng, chúng ta sẽ không thể đưa ra một kết luận chính xác. Đó là chúng ta còn chưa nhắc tới việc những trang mạng này có thể là những nguồn tin không đáng tin cậy. 

Bạn có biết là một triệu chứng có thể liên quan đến nhiều rối loạn cùng một lúc? Ví dụ, ⅔ số người có rối loạn lo âu cũng có rối loạn kép là rối loạn trầm cảm [1] vì cả hai rối loạn này có một vài triệu chứng khá giống nhau. Dựa vào những thông tin trên mạng, bạn có thể nghĩ rằng thay vì một loại rối loạn, những triệu chứng của mình là do ảnh hưởng của nhiều rối loạn khác nhau cùng lúc. Ví dụ, nếu bạn có triệu chứng tâm trạng trầm cảm kéo dài, dễ mất tập trung, và thiếu ngủ, bạn có thể nghĩ rằng bạn có rối loạn trầm cảm nặng, ADHD, và rối loạn giấc ngủ. Tuy nhiên, rối loạn trầm cảm cũng có thể gây ra cả ba triệu chứng trên. Vì thế, việc liên tục tìm kiếm trên mạng về triệu chứng của mình có thể làm cho vấn đề trở nên tồi tệ hơn bằng cách khiến bạn lo lắng nhiều hơn mức cần thiết (hay còn gọi là hội chứng Cyberchondria) [2]. Bạn có thể sẽ cố gắng điều trị rối loạn mà bạn có thể không mắc phải, hoặc gặp khó khăn trong việc chấp nhận chẩn đoán chuyên nghiệp. 

Vậy còn việc đăng những câu hỏi của bạn lên các diễn đàn thì sao? Việc biết được rằng ngoài kia cũng có những người như mình sẽ giúp bạn bớt cô đơn và cảm thấy khá hơn. Tuy nhiên, việc hoàn toàn nghe theo sự hướng dẫn và lời khuyên của người khác có thể sẽ đem lại những sự hoài nghi và hoang mang cho bạn do mỗi người sẽ có trải qua những triệu chứng khác nhau. Ví dụ, rối loạn trầm cảm có thể khiến bạn mất ngủ nhưng người khác sẽ có thể ngủ cả ngày, cũng như nó có thể khiến bạn ăn nhiều nhưng người khác kém ăn đi. Đây là lý do đôi khi chúng ta có thể thấy thông tin mâu thuẫn về một loại rối loạn. Ngay cả khi người trả lời câu hỏi của bạn là chuyên gia, họ cũng không thể hiểu được toàn bộ những gì bạn đang trải qua chỉ qua một vài câu bạn chia sẻ trên mạng, nhất là khi bạn đang cố không bao gồm quá nhiều thông tin cá nhân. Ngoài ra, cách dùng từ ngữ trên mạng hiện nay cũng có dễ ngay hiểu lầm. Một trong những ví dụ của việc này có thể thấy qua cách sử dụng "trầm cảm".

Trầm cảm và trầm cảm

Từ “trầm cảm” có thể được tìm thấy trên những trang mạng về rối loạn tâm lý và cũng được cư dân mạng dùng khá là phổ biến để nói tới loại rối loạn (Major Depressive Disorder) và tâm trạng buồn (depression), nhưng đối với các nhà trị liệu thì việc phân biệt định nghĩa của hai từ này rất quan trọng. Ví dụ, chúng ta ai đều cũng đã từng cảm thấy tâm trạng trầm cảm vì đây là một trạng thái tinh thần bình thường, nhưng riêng nó không thể được dùng để chẩn đoán lâm sàng là một rối loạn. Điều này cũng giống như việc tâm trạng của bạn có thể thay đổi liên tục vì những chuyện xảy ra xung quanh bạn trong một ngày, nhưng việc đó không có nghĩa là bạn có rối loạn tâm trạng (Mood Disorder). Sự khác biệt lớn ở đây là sự nghiêm trọng và độ dai dẳng của triệu chứng. 

Điều trị tâm lý là quá trình gặp gỡ với nhà điều trị để giải quyết các hành vi, niềm tin, cảm xúc có vấn đề, và các vấn đề về mối quan hệ. Trong buổi trị liệu, với thời gian trung bình là một tiếng, nhà điều trị sẽ lắng nghe những gì bạn nói và giúp với bạn phát triển một kế hoạch để đối phó với những thách thức và cải thiện chất lượng cuộc sống của bạn. Bạn cũng có thể tìm đến nhà trị liệu nếu bạn gặp khó khăn gì đáng kể về tin thần hay mối quan hệ, vì nó không chỉ để dành cho những người có rối loạn tâm lý. Liệu pháp có thể mang lại lợi ích khi theo đuổi bất kỳ mục tiêu nào, bất kể nó là gì. 

Trong buổi trị liệu, bạn đang ở trong một môi trường mà nhà trị liệu có thể xây dựng mối quan hệ và lòng tin để giúp bạn vượt qua vấn đề của mình. Thế nên, ngược lại với việc chia sẻ thông tin trên mạng, nếu bạn có thể chia sẻ với nhà trị liệu một cách chân thân và chi tiết nhất thì quá trình trị liệu cũng sẽ tốt hơn. Đây là lý do buổi đầu tiên thường chủ yếu là để nhà điều trị và thân chủ làm quen và xây dựng niềm tin. Những buổi điều trị sau đó mới dành để đi đến trọng tâm và tìm cách giải quyết vấn đề của thân chủ. 

Có rất nhiều tiêu chí cần được đáp ứng để chẩn đoán một loại rối loạn, nhưng một trong những tiêu chuẩn quan trọng nhất đó là trạng thái hay hành vi đó gây khó khăn, đau khổ, hay ảnh hưởng đáng kể tới cuộc sống hàng ngày của thân chủ [3]. Ví dụ, đôi khi có những suy nghĩ về cái chết là một điều khá bình thường và lành mạnh, nhất là khi chúng ta đang rất căng thẳng hay buồn. Nhưng, khi những suy nghĩ này cứ quanh quẩn trong đầu, khiến chúng ta lo lắng tột độ hay có ý tưởng tự tử bị động (passive suicide ideation) thì chúng đã trở thành một việc đáng lo ngại [4]. Tuy nhiên, nhà trị liệu chỉ có thể thông báo với cơ quan y tế khi họ chắc rằng thân chủ của họ có ý tưởng tự tử chủ động (active suicide ideation). Điều này có nghĩa là thân chủ đã có ý định và kế hoạch để thực hiện và cần được giúp đỡ ngay lập tức thế nên đây là một trong những trường hợp ngoại lệ [4]. Ngoài ra, nhà trị liệu cũng có thể thông báo nếu như thân chủ của họ có nguy cơ cao sẽ làm hại đến người khác. 

Bạn có thể đọc thêm các bài viết về trầm cảm tại đây: https://www.inpsychout.com/ipo-blog?tag=tr%E1%BA%A7m%20c%E1%BA%A3m

Kết

Nếu bạn tự đi đến kết luận về tình trạng bạn đang gặp phải, có thể sẽ tìm cách tự chữa trị cho chính mình thông qua chế độ ăn uống, thuốc không kê đơn hoặc các phương pháp khác. Tất cả những điều này có khả năng làm phức tạp thêm tình trạng thực sự của bạn vì có thể bạn chỉ đang tập trung giải quyết một triệu chứng cụ thể. Đây có thể do bạn không biết hay do không muốn chấp nhận nên đã bỏ qua lý do gốc gây ra các triệu chứng. Việc lên mạng tra cứu về triệu chứng của bạn nên chỉ để nghiên cứu cơ bản và hiểu biết hơn về tình trạng của chính mình và giúp nhà trị liệu cùng bạn thu thập và phân tích thông tin một cách chính xác hơn, đẩy nhanh quá trình tổng thể và cho phép bệnh nhân nhận được các phương pháp điều trị cần thiết sớm hơn.


Biên Tập: Hương Lê | Thiết Kế: Quỳnh Theresa Đỗ

Tham Khảo

[1] Horwitz AV. How an age of anxiety became an age of depression. Milbank Q. 2010 Mar;88(1):112-38. doi: 10.1111/j.1468-0009.2010.00591.x. PMID: 20377760; PMCID: PMC2888013.

[2] Starcevic V, Berle D. Cyberchondria: towards a better understanding of excessive health-related Internet use. Expert Rev Neurother. 2013 Feb;13(2):205-13. doi: 10.1586/ern.12.162. PMID: 23368807.

[3] American Psychiatric Association (APA). Diagnostic and Statistical Manual of Mental Disorders. 5th ed. 2013. Washington, DC: APA. p 20.

[4] Harmer B, Lee S, Duong TVH, Saadabadi A. Suicidal Ideation. 2022 May 18. In: StatPearls [Internet]. Treasure Island (FL): StatPearls Publishing; 2022 Jan–. PMID: 33351435.

Previous
Previous

Bạn Có Đang Cô Đơn?

Next
Next

Giấc Ngủ và Sức Khỏe Tâm Thần (phần 3): Rối loạn giấc ngủ