Review Sách The Body Keeps the Score - Bessel van der Kolk

2.jpg

Đâu đó khoảng đầu năm nay, mình đã khá xấu hổ khi nhận ra rằng, lúc đó, với gần 4 năm dùi mài kinh sử môn Tâm lý, mình lại gần như không biết gì về sang chấn. Đương nhiên, mình có tiếp xúc với chủ đề này khi học tổng quan về các rối loạn tâm lý. Nhưng để có thể tự tin bàn luận hay giải thích cho những người xung quanh thì mình thật sự chưa dám. Sau đó, mình có tìm được quyển The Body keeps The Score được viết bởi Bác sĩ Bessel van der Kolk. Quá trình đọc sách đã đem lại cho mình nhiều hơn mong đợi: ngoài những kiến thức mà mình tìm kiếm, còn là những công cụ giúp đỡ bản thân và cơ hội để chiêm nghiệm và thấu hiểu hơn về những người xung quanh, vì biết đâu chính họ cũng đã từng có những trải nghiệm không mấy êm ả. Vì vậy, mình mong bài viết này sẽ đưa nhiều bạn đến với quyển sách này hơn, để rồi chính họ cũng sẽ tiếp tục lan tỏa những kiến thức và kinh nghiệm đáng trân trọng này đến những người xung quanh. 

Tên đầy đủ của tác phẩm là The Body keeps The Score: Brain, Body and Mind in the Healing of Trauma (tạm dịch: Những Sang chấn Lưu cữu - Não bộ, Cơ thể và Tâm trí trong Quá trình Chữa lành). “The body keeps the score” dịch nghĩa đen là “cơ thể giữ tỷ số”, rất gượng gạo, nhưng ý tác giả muốn nói đến ở đây là tất cả những dư âm của sang chấn đều được giữ lại trên chính cơ thể của những người đã trải qua sang chấn, kể cả rất lâu sau khi những vết sẹo trên da thịt và những ký ức về chúng đã phai mờ. Dù tác giả đã viết rất chi tiết và đầy đủ về cả ba phương diện được nhắc đến trong tên sách, nhưng phần mình ấn tượng nhất chính là những ảnh hưởng của sang chấn lên cơ thể. Chúng ta luôn nghĩ tới những tổn hại, thậm chí những ám ảnh, về mặt tinh thần đối với một cá nhân về lâu dài khi nói đến sang chấn tâm lý. Nhưng còn thể chất? Có lẽ nhiều người đã biết rằng căng thẳng, hay stress, có ảnh hưởng xấu lên cơ thể. Đối với căng thẳng kéo dài, đặc biệt dưới tác động của sang chấn, những ảnh hưởng này lại càng nghiêm trọng hơn: kể cả khi não bộ đã ghi nhận rằng nguy hiểm đã qua đi, cơ thể vẫn tiếp tục hoạt động ngoài giờ, liên tục gò ép để chuẩn bị cho một nguy cơ không bao giờ trở lại. Ngoài ra, não bộ sang chấn hoạt động theo từng mảng rời rạc, không liên kết được với nhau, dẫn đến những hệ quả như mất cảm giác hay mất liên lạc với các bộ phận cơ thể. Đây cũng chính là lý do khiến nhiều người không thể cảm nhận hay sống trọn vẹn trong hiện tại.

Vậy chúng ta cần làm gì? Nửa sau của quyển sách gần như được dành hết để diễn giải cụ thể tất cả những thứ bạn có thể làm để tự giúp bản thân thoát khỏi vòng xoáy tác động của sang chấn cũng như một số phương pháp trị liệu mà một chuyên gia tâm lý - tâm thần có thể áp dụng với bạn. Việc biết thêm cơ chế hoạt động và hiệu quả của các phương thức trị liệu rất thú vị nhưng mình lại có hứng thú hơn với những công cụ, những hoạt động mình có thể tự làm để sức khỏe tâm lý của chính mình khá lên. Mình đã không ngờ rằng chỉ riêng những việc nhỏ nhặt như thay đổi cách thở hay bình tâm quan sát những sợi dây liên kết giữa những suy nghĩ và những cảm nhận của bản thân lại quan trọng đến vậy đối với việc giữ cân bằng về mặt tinh thần. Đây không chỉ là những kỹ năng quan trọng đối với người từng gặp sang chấn mà mình nghĩ rằng nó có thể được áp dụng cho bất kỳ ai, bởi ai trong chúng ta chưa từng trải qua những đau thương, những nỗi khổ, những tâm sự vẫn chưa thể giải quyết? Ai trong chúng ta không trong quá trình tìm kiếm, chữa lành và phát triển bản thân?

Ngoài những chủ đề xoay quanh sang chấn, tác giả van der Kolk cũng nhắc đến một vấn đề mà mình tin là những ai quan tâm đến Tâm lý lâm sàng đều cảm thấy hứng thú. Là một bác sĩ tâm thần chuyên về sang chấn, ông đã bắt đầu làm việc với những bệnh nhân sang chấn từ trước khi chẩn đoán Rối loạn căng thẳng hậu sang chấn (PTSD) được đưa vào DSM-III (Diagnostic and Statistical Manual of Mental Disorder, tạm dịch: Tài liệu Chẩn đoán và Thống kê các Rối loạn Tâm lý) cho đến tận bây giờ, qua những nỗ lực đấu tranh không thành công của ông và cộng sự để đưa một chẩn đoán rối loạn mới về sang chấn dành riêng cho các nạn nhân bị bạo hành thời thơ ấu vào DSM-5. Có lẽ không ai hiểu rõ bằng ông những thiếu sót của việc dựa dẫm hoàn toàn vào một quyển tài liệu mang tính trắng đen với những danh sách triệu chứng, hơn là gốc rễ vấn đề, để đánh giá trạng thái tinh thần của một cá nhân với những xúc cảm, suy nghĩ và hành vi chồng chéo phức tạp. Ngoài việc chỉ ra những vấn đề cần phải khắc phục ở DSM-5, ông cũng khuyến cáo những bác sĩ, những chuyên gia tâm lý cần có một cái nhìn tổng thể hơn về một cá nhân, thay vì xem họ như một bộ máy có thể sửa chữa bằng thuốc, để có thể thật sự giúp họ vượt qua những khó khăn, những đau khổ mà họ đã trải qua. 

3.jpg

Một lưu ý nhỏ là quyển sách này chứa rất, rất nhiều thông tin về mặt sinh học của sang chấn. Tác giả dành hẳn bốn chương sách chỉ để nói về cấu trúc não bộ liên quan đến sang chấn và miêu tả những nghiên cứu khoa học thần kinh đã dẫn đến những bước đột phá trong việc chẩn đoán và trị liệu sang chấn. Mặc dù đây là một điểm cộng rất lớn, vì mình luôn nghĩ rằng việc biết cặn kẽ về một vấn đề sẽ giúp bạn tóm lược và nhớ nó dễ dàng hơn, nhưng đối với những bạn không quen đọc những tài liệu nặng về sinh học thì có thể sẽ thấy hơi ngợp và khó theo dõi. Mình nghĩ sử dụng một chiếc sổ tay để ghi chú hay vẽ lại những sơ đồ tóm tắt ở trong sách sẽ hỗ trợ bạn rất nhiều trong việc đọc và ghi nhớ những thông tin cần thiết để hiểu mạch viết. 

The Body Keeps the Score gần đây đã được xuất bản tiếng Việt bởi Nhà xuất bản Thế Giới với tiêu đề “Sang chấn tâm lý: Hiểu để chữa lành”. Tuy nhiên, mình khá phân vân không biết có nên đề cử bản dịch của quyển sách này hay không. Một mặt, phần lớn những thông tin đáng đọc của bản gốc vẫn được giữ trọn, đặc biệt là những công cụ hoặc nguồn trợ giúp bạn có thể tìm đến để tự giúp bản thân hoặc sử dụng để hỗ trợ quá trình chữa lành của mình ở những chương cuối. Đây bao gồm những lời khuyên về cách chọn chuyên gia tâm lý phù hợp hay những bài tập bạn có thể tự thực hiện để làm quen lại với chính cơ thể của mình. 

Nhưng trên một phương diện khác, có những phần sách được dịch không đúng theo ý bản gốc. Đáng chú ý nhất là một câu ở Chương 9 - What’s love gotta do with it? (dịch: Tình yêu thương liên quan gì đến sang chấn?). Câu này nguyên văn được để là “She told him that she’d subsequently had bariatric surgery but that after she’d lost ninety-six pounds she’d become suicidal”. Mình sẽ tạm dịch câu này là “Cô ấy nói rằng sau khi bỏ trị liệu thì cô tìm đến phẫu thuật thu nhỏ dạ dày, nhưng sau khi giảm được 96 lbs (~44kg), cô bắt đầu có ý định tự sát”. Câu này được dịch ở bản Việt thành “Cô ấy nói sau đó mình đã giải phẫu thu nhỏ dạ dày, nhưng sau khi giảm được 44kg, cô ấy lại thích tự sát”. Đành rằng đây là một việc khó tránh khỏi khi biên dịch sách, nhưng những lỗi dịch mình nói đến ở đây có thể thay đổi cách nhìn nhận của người đọc từ nội dung quyển sách nói riêng đến kiến thức về các rối loạn tâm lý nói chung.

Với sách truyện bình thường, mình sẽ bỏ qua những lỗi dịch như thế này. Tuy nhiên, chúng ta cần nhớ rằng đây là một câu chuyện có thật, về một bệnh nhân có thật từng trải qua sang chấn, và được đưa vào một quyển sách phổ cập thông tin về sang chấn với tư cách là một case-study (tạm dịch: nghiên cứu trường hợp). Cách mô tả này sẽ dễ gây nên những hiểu lầm về tính chất của sang chấn tâm lý và những ảnh hưởng của chúng lên phổ hành vi của một cá nhân: liệu nó có dẫn đến chuyện người đọc nhầm tưởng rằng những người từng trải qua sang chấn, hay rộng hơn là những người có rối loạn tâm lý, đều thích tự sát? Ngoài ra, mình không nghĩ rằng có ai thật sự xem tự sát như một thú vui cả, nên việc sử dụng từ “thích” ở đây có thể được xem là một cách chọn từ có phần sai lệch. Mình rất hy vọng những phần dịch thuật đòi hỏi sự khéo léo như thế này sẽ được thực hiện một cách chỉn chu hơn ở những lần tái bản sau, vì đây là một tài liệu với những thông tin và công cụ rất quý giá mà mình mong có thể chia sẻ để đến được với nhiều bạn trẻ Việt hơn. 

Vượt qua giới hạn của một quyển self-help thông thường, The Body keeps The Score thực sự rất hữu dụng - bao gồm cả những lý thuyết về sang chấn và cả những lời khuyên hay cùng với những cách thực tế để áp dụng chúng vào đời sống thường ngày. Nếu bạn có chút thời gian, mình thật sự mong bạn sẽ tìm đọc quyển sách này, nếu không vì mong muốn có thêm sự đồng cảm với những người xung quanh thì cũng vì khoảng thời gian lắng đọng bạn sẽ sử dụng để chiêm nghiệm về những điều đã qua trong cuộc sống. Đương nhiên, nó không kỳ diệu đến mức giải quyết được hết tất cả những tổn thương bạn đã phải chịu đựng, nhưng mình đảm bảo nó sẽ có ích trong quá trình đối diện với chúng. Ít nhất nó sẽ giúp bạn dừng lại một nhịp trong guồng sống hối hả để xem lại những thương tích trong tâm hồn, xoa dịu vết thương rồi vững vàng bước tiếp. 

Biên tập: Thoa Đinh

Thiết kế: El Ei

Thùy Anh K. Nguyễn

Cử nhân Tâm lý học
Đại Học St Andrews, Scotland

Previous
Previous

Tự Chủ Có Thể Giúp Bạn Trong Các Nhiệm Vụ Hằng Ngày

Next
Next

Tác Phẩm Nổi Bật Của Tháng 9 | Ngân