Nuôi Dưỡng Và Cân Bằng Khả Năng Đồng Cảm (phần 2)

Phần 2: Thiếu đồng cảm: những hậu quả và cách khắc phục

hero-image.png

Tiếp nối phần 1 giới thiệu về khái niệm và ý nghĩa của sự đồng cảm, ở phần 2 của series này, InPsychOut muốn nói về những hậu quả nếu một cá nhân thiếu đi sự đồng cảm đối với người khác, hoặc các sự kiện xảy ra xung quanh họ. Bên cạnh đó, chúng mình cũng chia sẻ những bí quyết để nuôi dưỡng và cải thiện khả năng này nhằm ứng dụng trong thực tế cuộc sống hàng ngày và trong môi trường công việc. 


Hậu Quả Khi Thiếu Khả Năng Đồng Cảm

Sẽ như thế nào khi thiếu đi sự đồng cảm? Không đơn giản là không hiểu, bạn còn không thể cảm nhận được cảm giác của những người khác. Có một số biểu hiện cơ bản có thể thấy ở những người thiếu khả năng đồng cảm như sau. 

1.Thành kiến trong ​​nhận thức - Cognitive Bias 

Thành kiến về mặt nhận thức là một thành kiến về mặt nhận thức đi ngược với chuẩn mực và tính hợp lý trong phán đoán [1]. Các cá nhân tạo ra "thực tại chủ quan" của riêng họ từ nhận thức của họ về, thay vì các thông tin mang yếu tố khách quan, sẽ dẫn đến sự méo mó trong nhận thức, phán đoán không chính xác, giải thích phi logic, hay rộng hơn được gọi là sự phi lý trí.  

Một người mang thành kiến nhận thức hiếm khi nhìn thấy thế giới nằm ngoài quan điểm của riêng họ, họ thường đổ lỗi cho các yếu tố bên ngoài khi mọi thứ không theo ý mình và họ cho rằng mọi người đều có chung niềm tin hoặc quan điểm. Điều này dẫn đến khả năng phán đoán kém và khó có thể nhìn được tất cả các yếu tố dẫn đến một tình huống hoặc nhìn một sự việc từ góc độ của người khác.

2. Phi nhân hóa - Dehumanization

Phi nhân hoá là sự phủ nhận tính người đầy đủ của người khác và sự đối xử tàn ác, thể hiện sự thờ ơ trước những đau khổ mà người khác chịu đựng [2].  

Đây là hành vi gắn cho nạn nhân của những định kiến ​​và bạo lực cái nhãn kém nhân bản hơn (tức là kém văn minh hơn hoặc ít tri giác hơn) so với người bình thường. Nhiều người có xu hướng suy nghĩ này không thể công nhận rằng  việc những người có các tín ngưỡng, truyền thống, văn hóa, v.v khác với họ cũng  có thể có đời sống nội tâm giống như họ. . Điều này khiến một số người có xu hướng chấp nhận hoặc thậm chí tham gia vào những hành vi mà họ biết là sai đối với người khác, đơn giản là vì "Những người đó không phải là con người như chúng ta". 

Mức độ ảnh hưởng cao nhất của hành vi phi nhân hoá chính là sử dụng nó như một kỹ thuật kích động tội ác diệt chủng [3]. Nó cũng được sử dụng để biện minh cho chiến tranh, chế độ nô lệ, tịch thu tài sản, từ chối quyền bầu cử và các quyền khác, và để tấn công kẻ thù hoặc đối thủ chính trị. 

3. Đổ lỗi cho nạn nhân - Victim Blaming 

Đổ lỗi cho nạn nhân là hành vi xem nạn nhân của một tội ác hoặc bất kỳ hành vi sai trái nào có lỗi hoàn toàn hoặc phải chịu trách nhiệm một phần đối với những tội ác gây ra cho họ [4]. “Một trong những yếu tố lớn nhất thúc đẩy việc đổ lỗi cho nạn nhân là thứ được gọi là giả thuyết về thế giới công bằng [just-world theory]” - Sherry Hamby, giáo sư tâm lý học tại The University of the South, và là biên tập viên sáng lập của tạp chí APA’s Psychology of Violence cho biết. Giả thuyết này cho rằng mọi người xứng đáng với những gì xảy ra với họ bởi vì thế giới là một nơi công bằng, và do đó, thay vì đồng cảm với những thử thách và đau khổ mà họ đã trải qua, nạn nhân của các tội ác thường bị tra vấn rằng họ có thể đã làm gì khác để ngăn chặn những điều tồi tệ xảy ra cho họ.

Đây là một định kiến ​​trải dài xuyên suốt lịch sử và hiện tại vẫn còn tồn đọng, đặc biệt là đối với nạn nhân của bạo lực gia đình và tội phạm tình dục, chẳng hạn như xu hướng đổ lỗi cho nạn nhân bị hiếp dâm nhiều hơn nạn nhân bị cướp nếu nạn nhân và thủ phạm biết nhau trước khi gây án [5].  


Nghệ Thuật Nuôi Dưỡng Và Cân Bằng Sự Đồng Cảm

1.png

Để tránh rơi vào cái bẫy của sự thiên lệch nhận thức, tư duy phi nhân tính và hay hành vi đổ lỗi cho nạn nhân, bạn có thể phát triển, nuôi dưỡng và học cách cân bằng khả năng đồng cảm của mình.

Một số người cho rằng có những hành vi đồng cảm, chẳng hạn như biết cách đặt mình vào vị trí của người khác hoặc có thể hiểu và phản ứng với cảm giác và cảm xúc của người khác, góp phần không nhỏ tạo nên Trí tuệ cảm xúc (EQ) cao. 

Các nghiên cứu cho thấy, bên cạnh việc gia tăng hành vi tử tế và hữu ích và làm cho thế giới trở thành một nơi tốt đẹp hơn để sống, sự đồng cảm góp phần vào các mối quan hệ và thành công trong sự nghiệp của chúng ta [6]. 

Mẹo phát triển kỹ năng đồng cảm

Đối với người mới tập nâng cao khả năng đồng cảm, bạn có thể xem xét một số gợi ý sau:

  • Luôn cởi mở với tất cả các khía cạnh của cuộc trò chuyện: luyện tập cách lắng nghe hiệu quả và cố gắng không đưa ra ý kiến, ngoại trừ khi được hỏi

  • Để ý khi ai đó không phản ứng giống như bạn và tự vấn xem liệu bạn có thể hiểu được quan điểm của họ hay không.

  • Quan sát và thể hiện thái độ quan tâm đến cảm xúc của người khác. Suy ngẫm và viết về những cảm xúc mà người có thể trải qua trong những tình huống nhất định. 

  • Khi bạn xác định một từ hoặc cụm từ mô tả cảm xúc mà người khác đang thể hiện, hãy cố gắng suy ngẫm về trải nghiệm của bạn với những cảm xúc tương tự. Học cách gọi tên những cảm xúc của mình. Dù không phải ai cũng trải qua những cảm xúc giống hệt nhau trong một tình huống cụ thể, nhưng rất có thể người kia cũng có cảm xúc tương tự.

Nuôi dưỡng sự đồng cảm của bạn trong các mối quan hệ

3.png

Đôi khi, chúng ta bị cuốn vào những bận rộn trong cuộc sống của mình và quên đi việc thực hành sự đồng cảm với người khác. Một số phương pháp bạn có thể sử dụng để giúp nuôi dưỡng sự đồng cảm trong bạn và củng cố các mối quan hệ của bạn:

  • Hãy học cách tự nhận thức về bản thân. Bạn càng cởi mở với cảm xúc của chính mình, bạn càng dễ dàng thấu hiểu cảm xúc và cảm xúc của người khác.

  • Quan sát ngôn ngữ cơ thể. Thông thường, chúng ta có thể nói rất nhiều điều bằng cách xem ngôn ngữ cơ thể hoặc tín hiệu không lời của người khác. Để ý các nét mặt, chuyển động tay, cử chỉ và giọng nói.

  • Rèn luyện khả năng lắng nghe. Để trở nên đồng cảm, bạn phải thực sự nghe những gì người kia nói với bạn. Hãy để đối phương có cơ hội chia sẻ mà không bị gián đoạn.

  • Tránh tỏ ra phán xét và hoài nghi. Mặc dù lắng nghe là chìa khóa để phát triển sự đồng cảm, điều quan trọng hơn nữa là không phán xét những gì người đó đang nói với bạn. Đừng vội đưa ra lời khuyên hoặc đề xuất họ nên làm gì. Nếu bạn nghĩ về việc giải quyết, bạn không thực sự tìm hiểu họ đang trải qua những gì. Chỉ cần bạn bên cạnh họ trong khi họ chia sẻ cũng là một cách tiếp cận tốt vì bạn đang tạo ra không gian an toàn để họ biết mình không đơn độc trong cuộc chiến cảm xúc. 

  • Phản chiếu suy nghĩ của họ. Nếu ai đó đang chia sẻ những điều bạn cảm thấy khó thấu hiểu, hãy diễn giải và trình bày lại những cảm xúc và lời nói của họ, để họ 'nghe thấy' suy nghĩ của chính mình và khuyến khích họ tiếp tục nói.

  • Hãy gạt quan điểm và giá trị của riêng bạn sang một bên. Điều này sẽ giúp bạn hoàn toàn tập trung vào nhu cầu chia sẻ của người khác.

Cân bằng sự đồng cảm của bạn tại nơi làm việc

Mặt trái, hay giới hạn, của sự đồng cảm xảy ra khi bạn thường xuyên đặt cảm xúc và quan điểm của người khác lên trên quan điểm của mình. Bạn có thể trải qua cảm giác trống rỗng hoặc tự tạo khoảng cách, thậm chí phát triển chứng lo âu hoặc trầm cảm mức độ thấp [7]. Thật mệt mỏi khi bạn cứ đặt mình vào vị trí của người khác và bạn tự đặt gánh nặng lên mình - điều này làm cạn kiệt nguồn lực tinh thần và ảnh hưởng đến sức khỏe tinh thần của chính bạn.

Điều này không chỉ đúng đối với giao tiếp xã hội mà còn đặc biệt quan trọng trong công việc: bạn càng có nhiều nghĩa vụ, tinh thần trách nhiệm, và sự đồng cảm với tất cả những người bạn làm việc cùng và các bên liên quan, bạn sẽ càng cảm thấy tệ hơn nếu bạn luôn nỗ lực để hiểu và đặt mình vào vị trí của người khác. Đôi khi ý định tốt của bạn lại phản tác dụng, vì quá đồng cảm có thể khiến bạn phải trả giá bằng tiến độ công việc.

Bạn có thể giới hạn lại sự đồng cảm thái quá đó bằng cách sử dụng các kỹ thuật sau:

  • Thúc đẩy tinh thần đồng đội bằng cách chia nhỏ công việc: Đồng cảm tại nơi làm việc có nghĩa là hiểu rằng không một người nào có thể làm công việc của họ mà không có sự trợ giúp kịp thời trong công việc - điều này cũng áp dụng cho cả bạn đấy. Liên hệ với đồng nghiệp và thậm chí cả người quản lý của bạn và cho họ biết tình huống khó khăn, hoặc khi bạn thấy quá sức, tận dụng định nghĩa “mục tiêu chung” như sự hài lòng của khách hàng, danh tiếng của công ty… để bạn không phải gánh toàn bộ trách nhiệm công việc trên vai.

  • Đặt thêm câu hỏi: Việc đặt câu hỏi đúng cách rất quan trọng vì nó cho thấy bạn quan tâm đến quan điểm của người khác. Cho dù đó là đồng nghiệp của bạn, người quản lý của bạn hay nhân viên của bạn, hãy dành thời gian để hỏi xem họ đang như thế nào, cảm nhận của họ về khối lượng công việc của họ ra sao, hay họ nghĩ gì về một dự án sắp tới, hoặc những trở ngại mà họ đang gặp phải. Bằng cách này, bạn không chỉ nhận thức được các tình trạng hiện tại của họ để đưa ra sự giúp đỡ và hỗ trợ, bạn có thể bắt đầu lên kế hoạch trước để tránh rắc rối có thể xảy ra và giảm bớt căng thẳng.

  • Đặt ranh giới lành mạnh: do khả năng đồng cảm tự nhiên của bạn, bạn có thể cảm thấy khó để nói “không”. Điều này có thể dẫn đến các vấn đề khi bạn cam kết quá mức và khiến bản thân cạn kiệt cảm xúc. Kiểm soát lượng thời gian bạn dành ra để lắng nghe những căng thẳng của người khác, hoặc cố gắng giúp đỡ để giải quyết các vấn đề nằm ngoài tầm kiểm soát của bạn và học cách nói 'không'. Đặt ra giới hạn và kỳ vọng rõ ràng với mọi người sẽ giúp họ hiểu đâu là ranh giới không nên vượt qua. Điều này giúp bạn không phải gánh vác quá nhiều từ những vấn đề liên quan đến công việc, mà quên mất những khía cạnh khác trong cuộc sống cũng quan trọng không kém - gia đình, người yêu, bạn bè thân thiết. 

Khả năng thể hiện sự đồng cảm rất quan trọng vì nhờ đó, chúng ta hiểu trạng thái cảm xúc của người khác, và có thể xử lý tình huống, giúp đỡ họ một cách phù hợp. Học cách đồng cảm và đặt nó đúng chỗ, không những giúp bạn xây dựng và duy trì các mối quan hệ bền vững và lành mạnh, mà còn khiến hiệu quả công việc tốt hơn và đạt được thành công lớn hơn trong cuộc sống nói chung. InPsychOut hy vọng loạt bài này đem đến những thông tin hữu ích cho bạn!

Biên tập: Thuỳ Anh

Minh hoạ: Froggy

Nguồn:

[1] Segal, Elizabeth A., Karen E. Gerdes, Cynthia A. Lietz, M. Alex Wagaman, and Jennifer M. Geiger. 2012 Assessing empathy. Columbia University Press, 2017.

[2] Zaki, Jamil, and Kevin N. Ochsner. "The neuroscience of empathy: progress, pitfalls and promise." Nature neuroscience 15, no. 5 (2012): 675-680. 

[3] Barrett, L. F., Lewis, M., and Haviland-Jones, J. M. . Handbook of Emotions. New York, NY: Guilford Publications, 2016.

[4] Premack, David, and Guy Woodruff. "Does the chimpanzee have a theory of mind?." Behavioral and brain sciences 1, no. 4 (1978): 515-526.

[5] Davis, Mark H. Empathy: A social psychological approach. Routledge, 2018. 

[6] Melchers, M., Montag, C., Reuter, M. et al. How heritable is empathy? Differential effects of measurement and subcomponents. Motiv Emot 40, 720–730 (2016). https://doi.org/10.1007/s11031-016-9573-7 

[7] Chambers Dictionary of Etymology, Barnhart RK (editor) 4th Edition, Chambers Harrap Publishers Ltd, New York, 2002.

[8] Debes, Remy. "From Einfühlung to empathy." Sympathy: A history (2015): 286-322. 

[9] Haselton, Martie G., Daniel Nettle, and Damian R. Murray. "The evolution of cognitive bias." The handbook of evolutionary psychology (2015): 1-20. 

Previous
Previous

Kỳ Thị Ảnh Hưởng Như Thế Nào Đến Những Ai Đang Trải Qua Rối Loạn Tâm Lý tại Việt Nam?

Next
Next

Nuôi Dưỡng Và Cân Bằng Khả Năng Đồng Cảm (phần 1)