Kỳ Thị Ảnh Hưởng Như Thế Nào Đến Những Ai Đang Trải Qua Rối Loạn Tâm Lý tại Việt Nam?

image2.png

“Rối loạn tâm lý xảy ra khi suy nghĩ chán nản và áp lực khiến não bộ của chúng ta không được bình thường, và chúng được gây ra bởi những vấn đề gia đình.”

Đấy là những suy nghĩ về rối loạn tâm lý được gói gọn trong một câu trả lời ngắn của người thân mình khi được hỏi: “Định nghĩa về rối loạn tâm lý của bạn là gì?”. Câu trả lời này có một phần nào đó đúng theo một khía cạnh nhất định, tuy nhiên, nó không phải là một định nghĩa hoàn chỉnh về các rối loạn tâm lý.  Ở Việt Nam, rối loạn tâm lý thường không thu hút được nhiều sự chú ý do cho đến nay, các chính sách và hoạt động của các cơ quan nhà nước, đặc biệt là Bộ Y Tế vẫn chỉ tập trung chủ yếu vào các  rối loạn truyền nhiễm [3]. Sự thiếu thốn về nguồn lực để có thể nâng cao sự hiểu biết của cộng đồng đồng nghĩa với mức độ lan truyền  của sự kỳ thị sẽ có những ảnh hưởng tiêu cực đến những người đang phải trải qua các rối loạn tâm lý.

Sự hiểu biết về rối loạn tâm lý của người Việt Nam thường chỉ dừng lại ở việc nhận thức được những nguy cơ rủi ro gây ra bởi căng thẳng  trong cuộc sống. Một nghiên cứu so sánh sự hiểu biết về rối loạn tâm lý và các dịch vụ hỗ trợ giữa sinh viên Việt Nam và sinh viên Mỹ tìm ra được rằng sinh viên Việt Nam có sự kỳ thị cao hơn đối với những người có rối loạn tâm lý [1]. Nghiên cứu này cũng cho thấy do sự lo sợ về việc gây ra bạo lực, nguy hiểm của của những người có rối loạn tâm lý mạn tính , sinh viên Việt Nam có xu hướng cô lập họ khỏi cộng đồng cao hơn so với sinh viên Mỹ. Sinh viên Việt Nam cũng đồng thời tin rằng áp lực và cú sốc tinh thần từ thách thức trong cuộc sống  gây ra rối loạn tâm lý trong khi đó sinh viên Mỹ chú ý hơn vào việc mất cân bằng về các loại hóa chất dẫn truyền thần kinh là nguyên nhân chính gây ra rối loạn tâm lý. Nghiên cứu cũng cho thấy rằng mặc dù các sinh viên Việt Nam tham gia nghiên cứu  có hiểu một phần nào đó về các yếu tố dẫn đến rối loạn tâm lý , sự kỳ thị của họ với những người có  những rối loạn này rất là cao.

Người Việt Nam cũng nhận thức được rằng sự xuất hiện của rối loạn tâm lý là một sự kết hợp giữa những yếu tố bên trong lẫn bên ngoài, thế nhưng gia đình luôn có vai trò trọng tâm trong việc trị liệu cho họ [2]. Một nghiên cứu nhóm tập trung tìm hiểu sâu hơn về kiến thức  của người Việt về sức khỏe tinh thần chỉ ra rằng trầm cảm và tâm thần phân liệt là những rối loạn dễ nhận biết nhất đối với những người tham gia. Họ cho rằng trầm cảm được gây ra bởi những vấn đề trong gia đình, suy nghĩ và học tập không điều độ trong khi đó họ liên tưởng tâm thần phân liệt tới gen, công việc và tình yêu. Bên cạnh đó, họ coi những hành vi gây rối trật tự xã hội như cười hưng phấn và đi lang thang là những triệu chứng vô cùng nghiêm trọng của rối loạn tâm lý. Trong quan điểm của họ, những hành vi này cần phải có sự trợ giúp từ các cơ sở chuyên về sức khỏe tinh thần, thế nhưng sự chăm sóc gia đình là đủ đối với những rối loạn tâm lý khác . Sự tin tưởng vào vai trò của gia đình là nguyên nhân cũng như liệu pháp trị liệu rối loạn tâm lý phản ánh tầm quan trọng của nó trong vốn hiểu biết còn nhiều giới hạn của người Việt về những rối loạn tâm lý.

image1.png


Việc kỳ thị người có rối loạn tâm lý không chỉ khiến cho họ không có được sự hỗ trợ đầy đủ, mà nó còn cho thấy sự thiếu sót trong những hiểu  biết về vấn đề này. Tác hại của việc kỳ thị đã được thấy rõ  trong những trường hợp trẻ em với rối loạn phổ tự kỷ (Autism Spectrum Disorder - ASD) không được tiếp cận với những dịch vụ hỗ trợ phù hợp  [3]. Sự kỳ thị ASD được thấy trong những do dự của các phương tiện truyền thông chính thống trong việc ghi nhận ASD là rối loạn phổ tự kỷ thay vì "bệnh" tự kỷ. Việc tiếp tục sử dụng từ “bệnh” sẽ khiến cho những hành vi trung tính thường thấy ở trẻ em tự kỷ như nói và vẫy tay liên tục bị miêu tả sai là không bình thường và gây rối trật tự. Vì thế, các trường học và dịch vụ chăm sóc y tế sẽ không thể đưa ra những sự hỗ trợ phù hợp, dẫn đến việc cha mẹ của nhiều  trẻ tự kỷ phải tìm đến nhau để tìm ra những các trị liệu và giáo dục tại nhà thích hợp. .

 Người có những vấn đề tâm lý phức tạp có lẽ đã quá quen thuộc với việc phải đối mặt với những sự kì thị trong cuộc sống, đặc biệt là trong  các mối quan hệ, trên mạng xã hội, công việc, hay kể các dịch vụ chăm sóc y tế. Báo cáo thường niên năm 2020 tại  Úc cho thấy trong số những người từng trải qua rối loạn tâm lý, hơn 70% gặp khó khăn trong việc xây dựng và giữ gìn các mối quan hệ do sự phân biệt đối xử và kỳ thị [4]. Hơn thế nữa, họ cũng gặp nhiều thử thách hơn trong lúc tìm việc, hỗ trợ sức khỏe và tinh thần và tham gia huấn luyện và giáo dục bởi vì sự kỳ thị và phân biệt đối xử rối loạn tâm lý của họ. Những người tham gia nhấn mạnh tầm quan trọng của việc giáo dục về những vấn đề sức khỏe tinh thần phức tạp, sự tôn trọng của người khác đối với họ, và sự chấp nhận trong các dịch vụ hỗ trợ là những cách thức để giảm kỳ thị. Bản báo cáo mang những điểm tương đồng với tình trạng của những người  đang sống chung với các rối loạn tâm lý tại Việt Nam khi mà  cuộc hành trình để giành được sự cảm thông của xã hội và việc sử dụng các dịch vụ hỗ trợ còn đang rất chông gai

Tuy vậy, việc kỳ thị của người Việt có thể được dần giảm bớt qua các cuộc vận động xoá bỏ kỳ thị. Một ví dụ điển hình của phong trào này là dự án Tâm An của cộng đồng người nhập cư Việt Nam tại Mỹ [5]. Bằng việc  đưa ra những thông tin hữu ích về rối loạn tâm lý bằng tiếng việt, dự án đã làm tăng nhận thức về rối loạn tâm lý cũng như  việc  sẵn sàng tìm kiếm những sự trợ giúp phù hợp trong cộng đồng. Sự hiệu quả của dự án phụ thuộc vào nhiều yếu tố, như tính thường xuyên và phù hợp văn hóa, kết nối với thành viên trong cộng đồng để thông điệp mang rộng ra các phương tiện truyền thông (vd. Mạng xã hội, radio). Cho dù những lợi ích  tích cực của Tâm An vẫn chưa rộng rãi, dự án có thể trở thành một mô hình tương lai để giảm bớt  sự kỳ thị tại Việt Nam. 

Ảnh: Diễn đàn sức mạnh gia đình của dự án Tâm An.

Ảnh: Diễn đàn sức mạnh gia đình của dự án Tâm An.

Mặc dù hiện nay người Việt Nam đã có những hiểu biết sâu sắc hơn về những rối loạn tâm lý, những  kỳ thị vẫn còn tồn đọng trong xã hội và ẩn sâu vào nỗi bất an về việc  vấn đề này có thể gây rối loạn  trật tự xã hội. Nếu không có những  nguồn lực đủ kiến thức để đóng góp vào việc nâng cao nhận thức về các rối loạn tâm lý cho cộng đồng, sự kỳ thị sẽ còn tiếp tục và gây ra những ảnh hưởng tiêu cực đối với những ai đang đấu tranh với những rối loạn này. Với những hoạt động chống lại kỳ thị, tập trung vào những khía cạnh tích cực của sự phục hồi tâm lý, hi vọng rằng sẽ có nhiều hơn những sự cảm thông với họ. Nếu những cá nhân đã từng có thể kỳ thị và phân biệt đối xử đối với  những người có rối loạn tâm lý, những cá nhân đó cũng có thể chào đón và giúp đỡ họ quá trình trị liệu và hồi phục.

      

Biên tập: Tiên Trần & Hương Lê

Minh hoạ: Quỳnh Theresa Đỗ

Tài liệu tham khảo: 

[1] Kamimura, Akiko, Ha N. Trinh, Mitch Johansen, Jazmine Hurley, Mu Pye, Kai Sin, and Hanh Nguyen. "Perceptions of mental health and mental health services among college students in Vietnam and the United States." Asian journal of psychiatry 37 (2018): 15-19.

[2] Van der Ham, Lia, Pamela Wright, Thang Vo Van, Vuong DK Doan, and Jacqueline EW Broerse. "Perceptions of mental health and help-seeking behavior in an urban community in Vietnam: an explorative study." Community mental health journal 47, no. 5 (2011): 574-582.

[3] Ha, Vu Song, Andrea Whittaker, Maxine Whittaker, and Sylvia Rodger. "Living with autism spectrum disorder in Hanoi, Vietnam." Social Science & Medicine 120 (2014): 278-285.

[4] Groot, Christopher, Imogen Rehm Cal Andrews Beth Hobern Rikki Morgan Hannah Green Lisa Sweeney and Michelle Blanchard. “National Stigma Report Card: Report Summary.” 2020. 

[5] Han, Meekyung, Lien Cao, and Karen Anton. "Exploring the role of ethnic media and the community readiness to combat stigma attached to mental illness among Vietnamese immigrants: The pilot project Tam An (Inner Peace in Vietnamese)." Community mental health journal 51, no. 1 (2015): 63-70.

Nam Nguyễn

Học sinh năm nhất chuyên nghành tâm lý và xã hội học tại trường đại học Melbourne, Úc.

Previous
Previous

Tác Phẩm Nổi Bật Của Tháng 12 | MUOI

Next
Next

Nuôi Dưỡng Và Cân Bằng Khả Năng Đồng Cảm (phần 2)