Những Quan Niệm Sai và “Red Flags” Về Trị Liệu Tâm Lý

Chắc hẳn bạn cũng đã thấy khá nhiều cảnh phim khi thân chủ nằm trên một cái ghế dài và kể về vấn đề của mình cho nhà trị liệu. Những cảnh này có thể làm nhiều người hiểu lầm rằng trị liệu tâm lý chẳng khác gì việc bạn chia sẻ lo lắng của mình với bạn bè hoặc người thân. Từ đó khiến cho một vài người nghĩ rằng việc tìm đến nhà trị liệu là không cần thiết. 

Những Quan Niệm Sai

Khác với người không có bằng cấp và chứng chỉ chuyên môn, nhà trị liệu có kiến ​​thức và kinh nghiệm để nhận ra các triệu chứng và chủ đề thường lập lại trong vấn đề của thân chủ để giúp bạn có một cái nhìn khác và có thể giải quyết vấn đề của mình. Hơn nữa, bạn bè hoặc gia đình của bạn có thể sẽ chỉ cố hỗ trợ bạn bằng cách đưa ra quan điểm và cách giải quyết của họ. Trong khi đó nhà trị liệu sẽ không cố là một người bạn hay bất cứ ai thân thiết của thân chủ để có cách nhìn nhận vấn đề khách quan nhất. Điều này giúp họ phát hiện chi tiết mà bạn bỏ lỡ vì bạn có thể không nhận ra hoặc không nghĩ là quan trọng. Vì thế, cho dù bạn có một người bạn là nhà trị liệu, bạn cũng không nên tìm đến họ với tư cách là một thân chủ vì họ có thể sẽ bị ảnh hưởng bởi cách nhìn của họ với tư cách là bạn của bạn thay vì là một nhà trị liệu tâm lý, và điều đó có thể khiến cho họ không thể hoàn thành việc trị liệu một cách tốt nhất.

Nhà trị liệu cũng không phải là yếu tố duy nhất giúp tình trạng của bạn tốt lên vì điều đó phải là bạn. Khi tham gia trị liệu, đôi khi nhà trị liệu còn cho bạn “bài tập về nhà” để giúp đối phó với vấn đề của mình. Tuy nhiên, việc bạn có làm bài tập của mình hay lắng nghe theo lời khuyên chuyên môn của nhà điều trị không là quyết định của bạn. 

Red flags (những dấu hiệu đáng lo ngại) của trong trị liệu tâm lý? 

Vội vàng, thúc giục và không tạo ra một không gian thoải mái

Để có những buổi trị liệu hiệu quả, có những lúc bạn sẽ phải khơi gợi lại những cảm xúc hay tổn thương trong quá khứ, hoặc khám phá tuổi thơ của mình. Đây là một điều cần thiết nhưng cũng có thể sẽ rất khó khăn đối với nhiều người. Nếu bạn luôn cảm thấy dễ chịu sau tất cả mỗi buổi trị liệu thì có thể nhà trị liệu đang không giúp bạn khám phá hết các vấn đề của bạn. Tất nhiên, nếu bạn cảm thấy điều này không hợp lý hay chưa sẵn sàng để đối mặt với chúng, bạn nên cho nhà trị liệu biết và hỏi nhà trị liệu tại sao họ lại có những đề xuất này. Một nhà trị liệu tốt sẽ biết cách giao tiếp để tránh gây ra hiểu lầm và không tiếp tục thúc ép bạn làm những điều bạn chưa sẵn sàng hay thoải mái làm. Ngoài ra, họ sẽ dành thời gian để lắng nghe cảm nghĩ của bạn về tiến triển hoặc giải đáp bất kỳ thắc mắc hay lo âu của bạn về quá trình trị liệu. Một nhà trị liệu tốt sẽ đưa ra cho bạn các phương án can thiệp và giải thích lý do của chúng để bạn lựa chọn phương án phù hợp nhất với bản thân. Nói theo một cách khác, quá trình trị liệu tâm lý là sự hợp tác giữa bạn và nhà trị liệu và vì vậy, cần rất nhiều trao đổi và giao tiếp. 

Đưa ra ý kiến và cách giải quyết của họ

Một nhà trị liệu chưa tốt sẽ không lắng nghe, hứa suông (hoặc đưa ra những kỳ vọng không thực tế) về kết quả bạn sẽ đạt được, không chấp nhận chỉ trích về chính mình, đưa ra những chỉ trích về lựa chọn và lối sống của bạn, xem thường cảm giác hay câu hỏi của bạn và khiến bạn cảm thấy xấu hổ. Một nhà trị liệu tốt sẽ tò mò và có mong muốn hiểu kĩ về những vấn đề bạn chia sẻ, tuy nhiên, họ sẽ không đưa ra những phán quyết mà bạn phải làm theo hay cung cấp giải pháp nhất định cho bạn. Điều này là vì đây không phải trách nhiệm của họ cũng như họ chưa thể biết điều tốt nhất cho bạn là gì, đặc biệt chỉ trong một thời gian ngắn gặp gỡ ban đầu và chưa hiểu hết hoàn cảnh cụ thể của bạn. Công việc chính của họ là giúp bạn có thể đưa ra một cách giải thích hợp lý về vấn đề của mình, hướng dẫn bạn nhìn nhận vấn đề theo một góc nhìn khác, giúp bạn xác định mục tiêu của buổi trị liệu, và tìm cách giải quyết lành mạnh hay hiệu quả hơn. 


Vượt qua Ranh Giới Giữa Nhà Trị Liệu và Thân Chủ

Nhà trị liệu sẽ không thể vi phạm ranh giới giữa nhà trị liệu và thân chủ với bạn. Điều này có thể là qua việc nói chuyện quá thân mật hay động chạm vô cớ. Nhà trị liệu cũng không được chia sẻ quá nhiều thông tin cá nhân hay nhạy cảm của chính họ hay về một thân chủ khác. Điều này không những là vì bạn nên là điểm tập trung của buổi trị liệu, mà vì đây là dấu hiệu nhà trị liệu có thể sẽ tiết lộ chuyện của bạn cho những thân chủ khác. Nếu bạn không tin tưởng nhà trị liệu đủ để chia sẻ những điều khó nói thì việc trị liệu sẽ khó có thể tiến triển theo một chiều hướng tốt. Bạn cũng nên đề phòng khi nhà trị liệu đặt quá nhiều câu hỏi về những chủ đề không liên quan. Vì mối quan hệ trị liệu thường đòi hỏi nhiều sự tin tưởng và thời gian nên có vài trường hợp thân chủ nảy sinh tình cảm không phù hợp với nhà trị liệu của họ. Khi điều này xảy ra, bạn cũng nên coi trọng ranh giới của mối quan hệ trị liệu và nên biết rằng một nhà trị liệu tốt sẽ không bao giờ đáp lại tình cảm hay đưa ra những tín hiệu không phù hợp đối với bạn. Nếu bạn gặp phải điều này hay những điều trên thì bạn nên xem xét dừng trị liệu và tìm một nhà trị liệu khác.

Ngoài những lý do đã nhắc tới, đôi khi việc tìm đến một nhà trị liệu khác không phải là vì nhà trị liệu hiện tại của bạn không tốt mà đơn thuần là vì họ không hợp hay chưa thể khiến bạn hoàn toàn thoải mái và cởi mở. Đây có thể là do cách họ giải thích các vấn đề hoặc bạn không phù hợp với cách tiếp cận trị liệu của họ. Thế nên, việc thử một vài buổi với các vài nhà trị liệu khác nhau trước khi chọn gắn bó với một người nhất định là một điều bình thường vì nó sẽ giúp bạn tìm được nhà trị liệu có chuyên môn và cách trị liệu phù hợp nhất với bạn. 

Kết 

Bạn rất có thể sẽ không cảm thấy tốt hơn chỉ sau một buổi, hay một vài buổi sau đó. Nhưng khi tìm được một nhà trị liệu tốt, bạn nên kiên trì đi trị liệu và hợp tác với nhà trị liệu thì để có thể thấy được kết quả. Đôi khi chỉ là những suy nghĩ và hành vi không lành mạnh hay các triệu chứng rối loạn tâm lý của bạn sẽ tái phát, nhưng điều đó không có nghĩa là liệu pháp không hiệu quả hay bạn không đủ mạnh mẽ. Nó còn có thể có nghĩa bạn là con người và cần thêm thời gian để giải quyết vấn đề của mình, vì vậy đừng xấu hổ khi tìm đến nhà trị liệu của bạn để tìm sự giúp đỡ.


Biên tập: Hương Lê

Tiên Trần

InPsychOut writer

Next
Next

Bạn Có Đang Thật Sự Lắng Nghe?