Bạn Có Đang Thật Sự Lắng Nghe?

Lắng nghe là một kỹ năng cần thiết và hữu ích trong cuộc sống hàng ngày, đặc biệt trong việc xây dựng và duy trì các mối quan hệ có ý nghĩa và lành mạnh. Khi người thân hoặc bạn bè chúng ta trải qua những thời gian khó khăn, ai cũng muốn có thể giúp đỡ và phần nào đó giảm bớt gánh nặng trong cuộc sống hàng ngày cho họ. Việc có thể tạo ra một không gian thoải mái, an toàn để họ có thể chia sẻ những suy nghĩ, cảm xúc chắc chắn sẽ giúp họ cảm thấy nhẹ nhõm, thoải mái hơn để có thể tiếp tục đối đầu và vượt qua những khó khăn. Vậy làm thế nào để “lắng nghe"? Kể cả khi chúng ta nghĩ rằng mình có thể “lắng nghe” người khác, bạn có chắc rằng bạn làm theo cách mà đối phương cần không? 

1. Lắng nghe trong một tư thái thoải mái, không đánh giá

Việc luôn luôn thoải mái lắng nghe, không đánh giá là một việc không hề đơn giản. Chúng ta tự động đưa ra những nhận định, đánh giá về người khác dựa trên lời nói, hành động, cử chỉ và ngoại hình của họ. Điều này không hẳn đúng hay sai, tuy nhiên, nó chắc chắn có thể gây ảnh hưởng tới sự giúp đỡ của bạn đối với người khác, đặc biệt, nếu người đối diện có thể cảm nhận được rằng bạn đang “đánh giá” họ, họ sẽ dè chừng và trốn tránh việc chia sẻ với bạn. Vì vậy, hãy tạo cho người đối diện một cảm giác an toàn bằng cách đặt những suy nghĩ của mình sang một bên trước khi bắt đầu cuộc nói chuyện và cho họ biết rằng bạn đang ở đó vì họ và những cảm xúc của họ. 

2. Tránh đưa ra ý kiến riêng và lời khuyên

Chúng ta đều có những ý kiến và quan điểm riêng đối với những câu chuyện khác nhau. Tuy nhiên, cũng như nhiều khía cạnh khác trong cuộc sống, chúng ta thường có những cách giải quyết riêng đối với các vấn đề của mình. Vì vậy, khi người khác tìm tới chúng ta để chia sẻ, họ thường muốn tìm kiếm một không gian an toàn để có thể chia sẻ và trút bỏ những lo âu, khúc mắc trong lòng thay vì tìm kiếm lời khuyên và ý kiến riêng của người khác. Nếu bạn thật sự nghĩ rằng mình có những lời khuyên thật sự hữu ích đối với họ, bạn có thể hỏi đối phương trước xem họ có muốn nghe ý kiến, lời khuyên của bạn không. Ví dụ, bạn có thể hỏi đối phương: "Bạn có muốn nghe ý kiến của mình không?". Điều này tưởng nhỏ nhặt, nhưng chắc chắn rằng đối phương sẽ trân trọng bạn hơn nhiều đó. 

3. Tập trung vào việc “lắng nghe” thay vì “trò chuyện"

Khi nghe người khác chia sẻ câu chuyện của họ, chúng ta thường có xu hướng đặt ra những câu hỏi trong đầu hoặc suy nghĩ xem mình nên nói gì khi họ kết thúc. Tuy nhiên, những suy nghĩ này sẽ làm bạn xao lãng và không tập trung lắng nghe. Vì vậy, hãy tạm gác lại những suy nghĩ đó để có thể thật sự hiểu được những gì người đối diện đang chia sẻ. Họ sẽ trân trọng điều này hơn rất nhiều so với việc có một người liên tục đặt ra những bình luận và câu hỏi ngay sau khi họ kết lời. 

4. Tuyệt đối không ngắt lời 

Đôi lúc việc im lặng lắng nghe người đối diện có thể rất khó, đặc biệt khi bạn có những suy nghĩ khác hoặc không đồng tình với những hành động hay suy nghĩ đang được chia sẻ. Tuy nhiên, việc ngắt lời người đối diện có thể khiến họ cảm thấy bối rối, không được tôn trọng, và từ đó dè chừng hơn. Vì vậy, dù cho bạn muốn nói gì, hãy chờ tới lượt mình rồi bình tĩnh đưa ra ý kiến và những chia sẻ của mình. 

5. Dành cho họ 100% sự chú ý của bạn

Nếu đối phương đã sẵn sàng mở lòng chia sẻ với bạn, hãy dành cho họ 100% sự chú ý và tập trung của bạn. Đừng để mình bị phân tán bởi những việc xung quanh (ví dụ, điện thoại, những cuộc nói chuyện xung quanh hay chính những suy nghĩ của bản thân v.v.).

6. Cho họ thấy rằng bạn đang nghe và hiểu đúng ý họ

Hãy cho người đối diện biết bạn đang “lắng nghe" bằng việc đưa ra những cử chỉ, hành động ám chỉ điều đó. Ví dụ, bạn có thể gật đầu trong cuộc trò chuyện  để cho thấy rằng bạn đang lắng nghe hay nhắc lại những gì họ nói để bảo đảm rằng bạn đang hiểu đúng ý họ. Điều này sẽ cho đối phương thấy rằng bạn vẫn ở đó và đang tiếp tục quan tâm tới những gì họ nói. Ngoài ra, bạn cũng có thể đưa ra những nhận định giúp họ thấy bạn hiểu được phần nào đó trải nghiệm của họ, ví dụ như: “điều này chắc hẳn rất khó khăn với bạn", “mình rất tiếc là điều này đã xảy ra với bạn”, v.v. 

7. Chú ý tới những cử chỉ, thái độ “không lời" 

Đôi khi những hành động “không lời" cũng quan trọng không kém những gì được nói ra. Hãy quan sát thái độ, hành động, cử chỉ của người đối diện để bảo đảm rằng bạn đang tạo ra cho họ một cảm giác an toàn và thoải mái nhất. Ví dụ, nếu họ trốn tránh không nhìn bạn, hay có những hành động ám chỉ lo âu hay bối rối, có thể họ vẫn chưa hoàn toàn cảm thấy thoải mái, hoặc chưa thể nói hết những gì họ muốn nói. Trong những lúc này, bạn có thể trấn an họ, nhấn mạnh với họ rằng bạn ở bên cạnh họ, tôn trọng những cảm xúc, ý kiến của họ. Ngoài ra, bạn có thể nói với họ rằng, kể cả khi họ chưa sẵn sàng bây giờ, bạn vẫn luôn ở đó sẵn sàng lắng nghe khi họ cần.

VÀ HÃY NHỚ RẰNG .. để có thể lắng nghe một cách chân thành sẽ cần rất nhiều thời gian rèn luyện. Vì vậy, những gợi ý trên chỉ là điểm bắt đầu cho việc phát triển kỹ năng lắng nghe của bạn. Hãy bắt đầu từng bước ngay hôm nay và chúc bạn sẽ sớm trở thành một người đồng minh thực thụ của những người yêu thương xung quanh nhé.


Thiết Kế: Quỳnh Theresa Đỗ

T.S Hương Lê

Tiến Sĩ Tâm lý lâm sàng

Previous
Previous

Những Quan Niệm Sai và “Red Flags” Về Trị Liệu Tâm Lý

Next
Next

Bạn Có Đang Cô Đơn?