Lạc Quan, Căng Thẳng và Sức Khỏe Tinh Thần

Untitled_Artwork 12.png

Một nghiên cứu trên các bệnh nhân ung thư cho thấy rằng bi quan có thể dự đoán được khả năng hình thành những triệu chứng của rối loạn trầm cảm và lo âu sau ba tháng [1]. Kết quả của nghiên cứu phần nào nói lên rằng người bi quan mang những rủi ro hình thành các rối loạn tâm lý nhiều hơn so với người lạc quan. Một trong những nguyên nhân dẫn đến sự khác biệt trên đó là căng thẳng [1]. Để làm rõ hơn về vấn đề này, bài viết sẽ bàn đến vai trò của lạc quan và bi quan trong quá trình hình thành và thích nghi với căng thẳng ở con người. Qua đó phần nào lý giải việc tại sao người lạc quan thường có sức khoẻ tinh thần ổn định hơn so với người bi quan.  

1. Khái niệm về lạc quan và bi quan:

Lạc quan và bi quan (optimism and pessimism) được biết đến là những xu hướng tâm lý ở con người. Người lạc quan có xu hướng mong đợi những điều tốt đẹp sẽ xảy ra ở các khía cạnh trong cuộc sống như học tập và công việc. Ngược lạc, người bi quan có xu hướng mong đợi những thất bại hay những điều tiêu cực sẽ đến với bản thân [2]. 

Bên cạnh quan điểm cho rằng xu hướng lạc quan và bi quan được hình thành tự nhiên dựa trên tính cách hoặc thông qua di truyền trong gia đình, chúng còn có thể được phát triển thông qua quá trình học tập trải nghiệm của mỗi người [3]. Ý kiến này bắt nguồn từ những nghiên cứu của nhà tâm lý học Seligman. Theo Seligman, việc phải đối mặt với nhiều sự kiện xấu xảy ra trong quá khứ (mất việc, đổ vỡ trong hôn nhân,…) có thể khiến một số người dần cảm thấy bản thân không thể làm gì để thay đổi được tình hình chung. Điều này đã dẫn họ đến với tuyệt vọng và hình thành một lối suy nghĩ tiêu cực khi đối diện với những thất bại. Những người đã tiếp nhận tuyệt vọng thường coi thất bại là do lỗi của bản thân, sẽ còn tiếp diễn trong tương lai và sẽ ảnh hưởng đến những khía cạnh khác trong cuộc sống. Trong khi đó, những người đã nuôi hy vọng sẽ nhìn nhận thất bại theo hướng tích cực. Đối với họ, thất bại thường được xem là sự thiếu may mắn của bản thân, chỉ xảy ra ở thời điểm hiện tại và không có bất kỳ tác động xấu nào đến những mặt khác của cuộc sống [2][4]. 


Cách nhìn nhận về thất bại của một người có thể ảnh hưởng đến xu hướng mong đợi của họ. Người tiếp nhận hy vọng sẽ hình thành xu hướng lạc quan vì thất bại ở hiện tại đối với họ chỉ là tạm thời. Còn người tiếp nhận tuyệt vọng sẽ hình thành xu hướng bi quan vì thất bại đối với họ sẽ còn lặp lại trong tương lai [3]. 

2. Lạc quan, bi quan và căng thẳng:

Folkman và Lazarus đã đưa ra một học thuyết lý giải sự hình thành của căng thẳng (stress) và những hành vi mà chúng ta thực hiện để ứng phó với chúng (appraisal and coping theory). Theo góc nhìn của họ, căng thẳng là một trạng thái tâm lý được tạo ra do cách nhìn nhận của chúng ta với những áp lực từ môi trường bên ngoài [5]. Do đó, mỗi người trong chúng ta sẽ có những cảm nhận căng thẳng khác nhau kể cả khi bị đặt vào trong cùng một tình huống áp lực. 


Khi chúng ta đối diện với một tình huống có nguy cơ mang đến căng thẳng, một quy trình nhận định sẽ được diễn ra, bắt đầu bằng giai đoạn đánh giá tính nghiêm trọng của tình huống (primary appraisal). Ở giai đoạn này, chúng ta sẽ đánh giá tầm ảnh hưởng của tình huống gây căng thẳng dựa vào những yếu tố của bản thân và môi trường (mục tiêu của bản thân, niềm tin, bối cảnh,…) [6]. Ví dụ, một kỳ thi sẽ có sức ảnh hưởng lớn đến bạn nếu mục tiêu mà bạn đã đề ra là đạt kết quả tốt, nhưng bản thân bạn lại không có đủ sức khoẻ hay năng lực để thực hiện điều này. 

Một tình huống có sức ảnh hưởng lớn đồng nghĩa với việc chúng gây ra căng thẳng cho chúng ta. Có ba loại tình huống căng thẳng được biết đến như sau:

  1. Thử thách (Challenge): tình huống mang đến cơ hội phát triển.

  2. Mất mát (Loss): tình huống mang lại những mất mát ở thời điểm hiện tại.

  3. Nguy hại (Harm): tình huống sẽ mang đến những mất mát ở tương lai. [4][6]

Để giảm đi mức độ căng thẳng mà bản thân đang phải chịu đựng, chúng ta sẽ bước sang giai đoạn thứ hai là tìm kiếm các biện pháp thích nghi (secondary appraisal). Tương tự như ở giai đoạn thứ nhất, việc lựa chọn những biện pháp ở giai đoạn này cũng phụ thuộc vào cách đánh giá của chúng ta ở khả năng đáp ứng của bản thân và khả năng hỗ trợ của những nguồn lực bên ngoài [6]. Ví dụ, bạn nhận thấy bản thân có nhiều mối quan hệ tốt với thầy cô và bạn bè. Qua đó, bạn sẽ hướng đến việc tìm kiếm những sự hỗ trợ từ họ để giải toả bớt căng thẳng trước kì thị.

Lạc quan và bi quan là những yếu tố cá nhân, góp phần tác động đến cách nhận định của mỗi người. Người lạc quan thường sở hữu niềm tin mạnh mẽ ở bản thân và sự bền bỉ trong công việc. Do đó, họ thường nhìn nhận các tình huống căng thẳng như là thử thách để hoàn thiện bản thân và có xu hướng lựa chọn những biện pháp thích nghi mang tính giải quyết vấn đề của căng thẳng, điển hình là tìm kiếm sự hỗ trợ từ những người xung quanh [4]. Ngược lại, do dự và thiếu niềm tin ở bản thân là những đặc điểm thường thấy ở người bi quan. Điều này khiến những tình huống căng thẳng đối với họ thường mang tính chất mất mát hoặc nguy hại. Không những thế, họ còn ưu tiên những biện pháp thích nghi mang tính giải quyết cảm xúc của bản thân thay vì giải quyết vấn đề như là chạy trốn hoặc né tránh tình huống gây ra căng thẳng[4]. Kết quả một cuộc khảo sát trên các vận động viên cũng cho thấy điều tương tự: những vận động viên lạc quan có xu hướng tìm kiếm sự hỗ trợ, kiểm soát suy nghĩ của bản thân hay dành nhiều tâm huyết hơn khi gặp phải những áp lực trong tập luyện và thi đấu. Trong khi đó, những vận động viên bi quan lại có xu hướng thích nghi bằng việc chạy trốn hay từ bỏ thi đấu [7]. 

Việc sử dụng các biện pháp giải quyết cảm xúc như chạy trốn hay phủ nhận đặc biệt hiệu quả đối với những tình huống căng thẳng nằm ngoài tầm kiểm soát như mất mát người thân [8]. Tuy nhiên, các cơ chế này không thể giúp chúng ta xử lý được vấn đề cốt lõi của căng thẳng. Vì vậy, nếu các biện pháp thích ứng này bị lạm dụng ở những tình huống căng thẳng thuộc phạm vi chúng ta kiểm soát được, chúng có thể mang đến nhiều căng thẳng hơn về lâu dài. Điều này phần nào giải thích được vì sao người lạc quan thường cảm thấy hạnh phúc với đời sống của mình và mang ít những rủi ro trong việc hình thành và phát triển các rối loạn tâm lý hơn so với những người bi quan. 

Lời kết

Không thể phủ nhận rằng việc quá lạc quan với một vấn đề nào đó đôi khi khiến chúng ta trở nên thiếu thực tế và không biết buông bỏ những mục tiêu mà bản thân chắc chắn không đạt được [4]. Dù vậy, lạc quan vẫn là một yếu tố thiết yếu mang đến nhiều lợi ích cho sức khoẻ và đời sống của con người, đặc biệt thông qua bài viết này chúng ta đã được biết rằng lạc quan có thể ảnh hưởng đến cách nhìn nhận về những áp lực trong cuộc sống và cả việc lựa chọn các biện pháp ứng phó phù hợp để thích nghi. 

Vậy làm thế nào để bản thân trở nên lạc quan hơn? Theo suy nghĩ của mình, điều quan trọng nhất là hãy luôn tự nói với bản thân rằng bạn luôn có quyền lựa chọn trong mọi hành động của mình và tương lai của bạn vẫn luôn nằm trong tầm kiểm soát. Đôi khi, kết quả sẽ không được như bạn mong muốn nhưng cũng đừng vì thế mà quay sang tự trách bản thân. Hãy xen kẽ công việc cùng với các hoạt động mang đến cho bạn nguồn năng lượng tích cực như chơi thể thao, gặp gỡ bạn bè, hay giúp đỡ những người xung quanh. Chúng sẽ mang đến cho bạn một tinh thần thoải mái, qua đó giúp bạn suy nghĩ tích cực hơn khi gặp phải những khó khăn và tránh hình thành và củng cố xu hướng bi quan.


Biên tập: Anh Nguyễn & Thoa Đinh

Minh họa: MUOI


Tham khảo:

[1] Zenger M, Glaesmer H, Höckel M, Hinz A. Pessimism predicts anxiety, depression and quality of life in female cancer patients. Japanese Journal of Clinical Oncology. 2011 Jan 1;41(1):87-94.

[2] Boman P, Furlong MJ, Shochet I, Lilles E, Jones C. Optimism and the school context. Handbook of positive psychology in schools. 2009. 51-64

[3] Gillham J, Reivich K. Cultivating optimism in childhood and adolescence. The Annals of the American Academy of Political and Social Science. 2004 Jan;591(1):146-63.

[4] Maltby J, Day L, Macaskill A. Chapter 14: Optimism. Personality, Individual difference and Intelligence. 4th Harlow: Pearson publication. 2017. 434-457. 

[5] Leibowitz-Levy S. Goals affect and appraisal within the stressful transaction. 2008

[6] Baumeister R, Vohs K. Stress and coping. Encyclopedia of social psychology .Sage publication. 2007. 949-951.

[7] Nicholls AR, Polman RC, Levy AR, Backhouse SH. Mental toughness, optimism, pessimism, and coping among athletes. Personality and individual differences. 2008 Apr 1;44(5):1182-92.

[8] Krohne HW. Stress and coping theories. International Encyclopedia of the Social Behavioural Sciences. 2002;22:15163-70.

Minh Cao

Minh hiện đang là sinh viên năm nhất ngành Tâm lý học tại ĐH. Manchester Metropolitan (Manchester, Vương Quốc Anh).

Previous
Previous

Tác Phẩm Nổi Bật Của Tháng | Quỳnh La

Next
Next

Hỗ Trợ Trị Liệu Bằng Chất Thức Thần (Psychedelics) (phần 2): Âm Nhạc và Hiệu Quả Lâu Dài