Hỗ Trợ Trị Liệu Bằng Chất Thức Thần (Psychedelics) (phần 2): Âm Nhạc và Hiệu Quả Lâu Dài

Hero-Banner.png

Trong phần trước, chúng ta đã tìm hiểu về cách thức một buổi trị liệu với sự hỗ trợ của chất thức thần (psychedelics-assisted psychotherapy hay PAP) sẽ diễn ra như thế nào cũng như những lưu ý để đảm bảo an toàn và thành công cho buổi trị liệu đó. Trong phần này, chúng ta sẽ tìm hiểu về vai trò của âm nhạc và hiệu quả lâu dài của PAP.

Vai trò của âm nhạc trong PAP?

Âm nhạc được sử dụng lần đầu tiên trong những cuộc nghiên cứu PAP vào những năm 90 để hỗ trợ trải nghiệm của người tiếp nhận trị liệu mà không cần dùng lời nói và phương pháp này đã được tiếp tục được sử dụng cho tới bây giờ.[1] Trong một buổi PAP, người nhận trị liệu sẽ đeo kính che mắt và tai nghe để tránh mất tập trung, góp phần đảm bảo an toàn.[2] Đôi lúc, nhà trị liệu sẽ hỏi thăm người nhận trị liệu để thăm dò tình trạng tâm lý, trấn an hoặc hỗ trợ họ khi cần.[2] Thể loại nhạc được phát sẽ được điều chỉnh phù hợp với nhu cầu trị liệu của từng buổi và từng người nhận trị liệu.[1] Ví dụ, nhạc có nội dung về Cơ Đốc giáo không nên phát cho những người phi tôn giáo hoặc theo một tôn giáo khác.[1] Một vài thể loại âm nhạc dễ nghe gồm nhạc ambient, tân cổ điển, cổ điển đương đại, và âm nhạc truyền thống/dân tộc.[1] Sau buổi trị liệu, nhạc vẫn tiếp tục được mở để tính liên tục của buổi trị liệu hay nghiên cứu không có cảm giác bị ngắt quãng.[2] 

Nghiên cứu cho thấy rằng trong đa số trường hợp, âm nhạc giúp khơi gợi những trải nghiệm có ý nghĩa cá nhân bằng cách tăng cường cảm xúc và hình ảnh, hướng dẫn hoặc hỗ trợ trải nghiệm và cung cấp kết nối với hiện tại và tính liên tục.[1] Tuy nhiên, khi thể loại âm nhạc không phù hợp với cảm xúc và suy nghĩ của người nhận trị liệu, âm nhạc có thể khiến họ cảm thấy bản thân đang đi sai hướng và mất đi sự an toàn mà họ cảm nhận được lúc đầu.[1] Một số người đã giải thích vai trò của âm nhạc như ống dẫn cho trải nghiệm, rằng những gì họ cảm nhận được truyền tải thông qua âm nhạc thay vì tiếng Anh.[3] Điều này cho thấy lợi ích trị liệu có thể được phát huy không chỉ bởi thuốc mà còn bởi sự tương tác của nó với âm nhạc.

Hiệu quả lâu dài của PAP

PAP đã được cho thấy là có hiệu quả lâu dài khi trị liệu rối loạn lạm dụng chất.[4] Nghiên cứu cho thấy rằng tỷ lệ ngày uống rượu bia giảm ngay lập tức, và sự thay đổi này được duy trì ít nhất 36 tuần sau khi trị liệu sử dụng PAP.[4] Trong một nghiên cứu, cường độ và tần suất của các triệu chứng cai giảm cho khoảng 90% người tham gia.[5] Ngoài ra, họ cũng báo cáo nhiều tác động tích cực lâu dài khác bao gồm cảm thấy kết nối với mọi người xung quanh, vị tha hơn và những điều khiến họ quyết tâm bỏ hút thuốc.[5]

Nghiên cứu cũng cho thấy PAP có hiệu quả tích cực và lâu dài trong việc trị liệu trầm cảm.[6] Sau 6 tháng theo dõi, người nhận trị liệu có trải nghiệm ảo giác càng sâu sắc, thì mức độ trầm cảm càng giảm mạnh.[7, 8] Không những vậy, họ cũng được cho là cởi mở, lạc quan, hoà đồng (hướng ngoại hay extraversion), tận tâm hơn (conscientiousness), và ít có bất ổn về tâm lý (neuroticism), cũng như sự độc đoán (authoritarian).[9, 10, 11, 12] Khoảng 79% người nhận trị liệu báo cáo rằng họ hài lòng với cuộc sống của mình 2 tháng sau quá trình trị liệu và 64% sau 14 tháng.[13] Điều này cho thấy rằng hiệu quả của PAP có vẻ khá lâu dài, thế nhưng, hiệu quả lâu dài của PAP cần được nghiên cứu sâu hơn để xác định những yếu tố giúp tăng sự hài lòng của cuộc sống. Một điều đáng nhắc đến là theo một vài nghiên cứu, triệu chứng trầm cảm của một số người tham gia tái phát và mức độ trầm cảm có thể tăng trở lại theo thời gian (mặc dù mức độ vẫn thấp hơn so với trước khi trị liệu).[14] Điều này cũng được phát hiện ở những người nhận trị liệu cho rối loạn lo âu, một rối loạn có cơ chế thần kinh khá giống với trầm cảm.[14, 15]

Lý do lựa chọn và sự an toàn của PAP

Đọc tới đây chắc bạn cũng đang thắc mắc PAP khác gì so với những phương thức trị liệu rối loạn tâm lý khác và việc sử dụng chất thức thần an toàn tới đâu. Điều khác biệt chính giữa PAP và các hình thức trị liệu tâm lý khác (và liệu pháp hóa dược thông thường) nằm ở khả năng tạo điều kiện nhanh chóng cho sự nhìn nhận cảm xúc một cách sâu sắc và có ý nghĩa.[1] Hơn nữa, PAP là một lựa chọn trị liệu mới cho những người đã thử những loại trị liệu phổ biến khác nhưng vẫn không có tác dụng (treatment-resistant).[12, 14]

Về sự an toàn thì, khác với vài loại hóa dược phẩm được sử dụng để trị liệu rối loạn tâm lý và trừ ketamin ra, chất thức thần không dẫn tới nghiện hoặc lệ thuộc và chúng rất hiếm khi có tác dụng phụ tiêu cực lâu dài.[16, 17] Hơn nữa, việc sử dụng chất thức thần trong bối cảnh của buổi trị liệu được kiểm soát rất chặt chẽ để tạo ra một môi trường thích hợp và an toàn cho người nhận trị liệu. Vì thế, nó sẽ khác xa so với trải nghiệm của một người tự sử dụng chất một cách trái phép. Ví dụ, khi có quá nhiều yếu tố (liều lượng, chất cần tránh sử dụng chung, môi trường, người tương tác cùng, etc.) không được kiểm soát, người dùng chất có thể sẽ có một trải nghiệm ảo giác tồi tệ (bad-trip) và có thể dẫn tới chấn thương tâm lý nghiêm trọng.[18] Có rất nhiều người nhận trị liệu đã báo cáo rằng yếu tố quan trọng nhất để có một buổi trị liệu hiệu quả là sự tin tưởng liệu pháp và nhà trị liệu. Một điều rất quan trọng nữa mà họ nhắc tới là hai buổi chuẩn bị trước khi dùng chất thức thần và buổi trị liệu tâm lý sau đó, đặc biệt, nếu không có sự chuẩn bị tâm lý kỹ càng và giám sát của nhà trị liệu, có lẽ họ sẽ không dám giới thiệu phương pháp trị liệu này cho người khác. 

Kết

Một lưu ý rất quan trọng là trải nghiệm ảo giác (tốt hay tồi tệ) không phải là một dạng trị liệu rối loạn tâm lý. Trải nghiệm này cùng với âm nhạc, chỉ đóng vai trò hỗ trợ hoàn toàn đúng với cái tên PAP. Hai yếu tố đó chỉ đơn thuần là một phương tiện để người nhận trị liệu có thể hình dung suy nghĩ, trải nghiệm, và cảm xúc của chính mình một cách sâu sắc và tự do hơn, là yếu tố giúp buổi trị liệu tâm lý có hiệu quả hơn. Trải nghiệm ảo giác chắc chắn không phải là thứ mà ai cũng đã từng trải qua và vì thế, khó mà hiểu được giá trị của chúng trong trị liệu. Đó là lý do trong phần ba, chúng ta sẽ tìm hiểu sâu hơn về những báo cáo và miêu tả về những trải nghiệm đó từ những người đã tiếp nhận trị liệu PAP.

*Lưu ý: Bài viết chỉ mang mục đích cung cấp thông tin. Ở Việt Nam, việc sử dụng, tàng trữ, buôn bán các chất kích thích là bất hợp pháp. InPsychOut cũng không khuyến khích việc sử dụng chất thức thần hay bất kỳ loại thuốc nào khi không có sự tư vấn, chỉ định và giám sát của bác sĩ.

Biên tập: Trân Trần & Thoa Đinh

Minh họa: Froggy

Tham khảo

[1] Kaelen M, Giribaldi B, Raine J, Evans L, Timmerman C, Rodriguez N, Roseman L, Feilding A, Nutt D, Carhart-Harris R. The hidden therapist: evidence for a central role of music in psychedelic therapy. Psychopharmacology (Berl). 2018 Feb;235(2):505-519. doi: 10.1007/s00213-017-4820-5. 

[2] Johnson M, Richards W, Griffiths R. Human hallucinogen research: guidelines for safety. J Psychopharmacol. 2008;22(6):603–20.

[3] Belser AB., Agin-Liebes G, Swift TC, Terrana S, Devenot N, Friedman H, Guss JR, Bossis AP, Ross S. Patient Experiences of Psilocybin-Assisted Psychotherapy: An Interpretative Phenomenological Analysis. Journal of Humanistic Psychology. 2017;57:354–88.

[4] Bogenschutz MP, Forcehimes AA, Pommy JA, Wilcox CE, Barbosa PC, Strassman RJ. Psilocybin-assisted treatment for alcohol dependence: a proof-of-concept study. J Psychopharmacol. 2015 Mar;29(3):289-99. doi: 10.1177/0269881114565144.

[5] Noorani T, Garcia-Romeu A, Swift TC, Griffiths RR, Johnson MW. Psychedelic therapy for smoking cessation: Qualitative analysis of participant accounts. J Psychopharmacol. 2018 Jul;32(7):756-769. doi: 10.1177/0269881118780612.

[6] Aday JS, Mitzkovitz CM, Bloesch EK, Davoli CC, Davis AK. Long-term effects of psychedelic drugs: A systematic review. Neurosci Biobehav Rev. 2020 Jun;113:179-189. doi: 10.1016/j.neubiorev.2020.03.017.

[7] Ross S, Bossis A, Guss J, Agin-Liebes G, Malone T, Cohen B, Mennenga SE, Belser A, Kalliontzi K, Babb J, Su Z, Corby P, Schmidt BL. Rapid and sustained symptom reduction following psilocybin treatment for anxiety and depression in patients with life-threatening cancer: a randomized controlled trial. J Psychopharmacol. 2016 Dec;30(12):1165-1180. doi: 10.1177/0269881116675512.

[8] Griffiths RR, Johnson MW, Carducci MA, Umbricht A, Richards WA, Richards BD, Cosimano MP, Klinedinst MA. Psilocybin produces substantial and sustained decreases in depression and anxiety in patients with life-threatening cancer: A randomized double-blind trial. J Psychopharmacol. 2016 Dec;30(12):1181-1197. doi: 10.1177/0269881116675513.

[9] Bouso JC, Dos Santos RG, Alcázar-Córcoles MÁ, Hallak JEC. Serotonergic psychedelics and personality: A systematic review of contemporary research. Neurosci Biobehav Rev. 2018 Apr;87:118-132. doi: 10.1016/j.neubiorev.2018.02.004.

[10] Erritzoe D, Roseman L, Nour MM, MacLean K, Kaelen M, Nutt DJ, Carhart-Harris RL. Effects of psilocybin therapy on personality structure. Acta Psychiatr Scand. 2018 Nov;138(5):368-378. doi: 10.1111/acps.12904.

[11] Barrett FS, Doss MK, Sepeda ND, Pekar JJ, Griffiths RR. Emotions and brain function are altered up to one month after a single high dose of psilocybin. Sci Rep. 2020 Feb 10;10(1):2214. doi: 10.1038/s41598-020-59282-y. 

[12] Lyons T, Carhart-Harris RL. Increased nature relatedness and decreased authoritarian political views after psilocybin for treatment-resistant depression. J Psychopharmacol. 2018 Jul;32(7):811-819. doi: 10.1177/0269881117748902. 

[13] Griffiths R, Richards W, Johnson M, McCann U, Jesse R. Mystical-type experiences occasioned by psilocybin mediate the attribution of personal meaning and spiritual significance 14 months later. J Psychopharmacol. 2008 Aug;22(6):621-32. doi: 10.1177/0269881108094300.

[14] Carhart-Harris RL, Bolstridge M, Rucker J, Day CM, Erritzoe D, Kaelen M, Bloomfield M, Rickard JA, Forbes B, Feilding A, Taylor D, Pilling S, Curran VH, Nutt DJ. Psilocybin with psychological support for treatment-resistant depression: an open-label feasibility study. Lancet Psychiatry. 2016 Jul;3(7):619-27. doi: 10.1016/S2215-0366(16)30065-7.

[15] Risal A, Manandhar K, Linde M, Steiner TJ, Holen A. Anxiety and depression in Nepal: prevalence, comorbidity and associations. BMC Psychiatry. 2016 Apr 14;16:102. doi: 10.1186/s12888-016-0810-0.

[16] Aday JS, Mitzkovitz CM, Bloesch EK, Davoli CC, Davis AK. Long-term effects of psychedelic drugs: A systematic review. Neurosci Biobehav Rev. 2020 Jun;113:179-189. doi: 10.1016/j.neubiorev.2020.03.017.

[17] Nichols DE. Psychedelics. Pharmacol Rev. 2016 Apr;68(2):264-355. doi: 10.1124/pr.115.011478. Erratum in: Pharmacol Rev. 2016 Apr;68(2):356.

[18] Oña G. Inside bad trips: Exploring extra-pharmacological factors. Journal of Psychedelic Studies. 2018 Mar;2(1):53-60. https://doi.org/10.1556/2054.2018.001.

Previous
Previous

Lạc Quan, Căng Thẳng và Sức Khỏe Tinh Thần

Next
Next

Tổn Thương Tâm Lý Từ Lời Nói “đứa con lượm”