InPsychOut Kể Chuyện Gãy #1: Khi Một Người Mất Một Người

GAYIPO_THUMBNAIL.jpg

Hãy cùng lắng nghe podcast của bọn mình tại đây nhé!

*Lưu ý: Đây là một podcast về tự sát. Nếu chủ đề này gây ra những cảm xúc tiêu cực mạnh cho bạn thì bạn có thể cân nhắc dừng tại đây. Cuộc trò chuyện sau đây không mang tính chất trị liệu, mà chỉ là một cuộc đối thoại giữa những người bạn. Cảm ơn bạn đã quan tâm và ủng hộ chúng mình!

Spotify Playlist

Transcript

Thùy Anh (TA): Lưu ý: Đây là một podcast về tự sát. Nếu chủ đề này gây ra những cảm xúc tiêu cực mạnh cho bạn thì chúng mình khuyên bạn nên dừng tại đây. Cuộc trò chuyện sau đây không mang tính chất trị liệu, mà chỉ nên được xem như một cuộc đối thoại giữa những người bạn. Cảm ơn bạn đã quan tâm và ủng hộ chúng mình!

TA: Chào mọi người đã đến với InPsychOut Kể chuyện Gãy! Xin giới thiệu một chút về bọn mình - bọn mình là InPsychOut. InPsychOut là một cổng thông tin bao gồm những bài viết và câu chuyện liên quan đến sức khỏe tâm lý của giới trẻ Việt. Mình là Thùy Anh, mình vừa tốt nghiệp chuyên ngành Tâm lý học tại Đại học St Andrews và đang nói chuyện với mọi người tại đầu cầu Sài Gòn. 

Hương: Và mình là Hương, hiện đang là Nghiên cứu sinh tiến sĩ Tâm lý lâm sàng tại Anh. Mình và Thùy Anh là những người sáng lập của InPsychOut, và podcast này là một sản phẩm hợp tác của InPsychOut và Gãy về một số chủ đề sức khỏe tâm lý. Thật ra thì đây cũng là lần đầu tiên bọn mình hợp tác với một tổ chức khác để đưa ra sản phẩm, vì vậy là rất mong mọi người sẽ đón nhận nó. 

TA: Có mặt tại đây hôm nay với bọn mình là chị Linh, là một thành viên sáng lập ra Gãy. Chào chị, chị có thể chia sẻ thêm một chút về Gãy cho mọi người biết được không ạ? 

Linh: Xin chào, mình là Linh, các bạn hay gọi Linh là Abi. Mình là một trong những người sáng lập ra Gãy. Chắc một số các bạn cũng biết, Gãy là một nền tảng âm nhạc và nghệ thuật trình diễn phi lợi nhuận, hoạt động tại Sài Gòn đã được gần một năm. Thì ở đây mình muốn được ra mắt và giới thiệu với mọi người một chương trình mới mang tên InPsychOut Kể chuyện Gãy, hình thành dưới các dạng podcast, bài viết, và những nội dung về chủ đề sức khỏe tâm lý. 

Nói chung tất cả hoạt động mà mọi người tìm kiếm đến như là thiền, party hay sự kiện âm nhạc, nhảy múa. Tất cả những cái đó nó đều có một cái mục đích chung là giải phóng cảm xúc của bản thân hoặc là tìm cách kiểm soát cảm xúc. Tuy nhiên, tất cả những cái hoạt động này đều chỉ là những giải pháp tạm thời, và để bền vững và lâu dài Linh nghĩ là mình cần sống cho hiện tại và mình sẽ nhìn mọi thứ rõ ràng hơn chỉ khi mình đi vào bên trong lắng nghe nội tâm của mình. 

TA: Vậy chị có thể cho mọi người biết được một chút là tại sao Gãy lại quan tâm đến những vấn đề sức khỏe tâm lý và muốn bắt đầu cái project này không ạ? 

Linh: Cái lý do cho chương trình này thì quay về với cuộc sống cá nhân của bọn mình: Chỉ hai năm gần đây mình mất đi ba người bạn do tự sát. Ba người này ở một khoảng thời gian trong quá khứ là đã từng rất thân. Linh cũng có một người bạn khác cũng có bố gần đây tự sát. Thì sức khỏe tâm lý là thứ bọn mình đã luôn quan tâm từ rất lâu rồi. Mình cũng biết là ở Việt Nam cái cơ sở vật chất và điều kiện vẫn còn thiếu thốn. Nên mình hay suy nghĩ làm sao bọn mình có thể trả lại cho những người xung quanh nhiều hơn. Mình rất mong là đây là bước đi đầu tiên để mình mở ra nhiều những cái cuộc hội thoại như thế này hơn để chúng ta đối diện với nó, thay vì là mọi người hay có xu hướng lảng tránh vấn đề này. 

Linh: Thì rất may mắn là Gãy tìm thấy InPsychOut. Gãy và InPsychOut là hai cái nền tảng khá là khác nhau. Tuy nhiên, sức khỏe tâm lý thì cũng như là sức khỏe thể chất thôi - nó là những cuộc chiến không của riêng ai.

Hương: Cảm ơn chị Linh về những chia sẻ rất là chân thành của chị. Và em nghĩ là chị cũng đã nói được một phần nào đó suy nghĩ của bọn em. Thì InPsychOut với Gãy khá là khác nhau về nhiều mặt khi mà mình nhìn từ bên ngoài vào. Vậy nên khi mà lúc đầu bọn em nhận được tin nhắn của Gãy thì bọn em cũng khá là bất ngờ. Thì cũng không biết được là bây giờ hợp tác với nhau thì mình sẽ làm gì, ra sản phẩm như thế nào. Tuy nhiên là sau một vài lần nói chuyện thì bọn em nhận ra rằng là mình có cùng chung mục tiêu đó là mở ra thêm nhiều cuộc hội thoại thẳng thắn và cởi mở hơn về chủ đề tâm lý và hơn nữa là để cho những hệ quả ngoài ý muốn không xảy ra đối với bất kỳ ai. Và như chị nói thì, cũng giống như sức khỏe thể chất, thì đây là một cuộc chiến không dành riêng cho ai. 

Hương: Để mở đầu cho sự hợp tác của hai bên thì bọn mình có quyết định là sẽ tập trung vào chủ đề chính của InPsychOut tháng 9 này. Và nếu bạn là độc giả của InPsychOut thì có thể là bạn đã biết được tháng 9 là Tháng Phòng ngừa Tự sát Toàn cầu, nên bọn mình cũng có một số hoạt động nhằm nâng cao nhận thức xã hội về chủ đề này. InPsychOut Kể chuyện Gãy thì lại phù hợp hoàn toàn với mục tiêu này của bọn mình. Và tại sao chủ đề này lại quan trọng thì có lẽ là mình sẽ nhường lại cho Thùy Anh. 

TA: Theo những gì bọn mình có đọc và nghiên cứu được, theo số liệu thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới, mỗi năm trên thế giới có khoảng 800,000 người tự sát. Nói chung để dễ hình dung thì trung bình cứ khoảng 40 giây là sẽ có một người tự sát. Đây là những con số đáng báo động và vì vậy những cuộc hội thoại về tự sát là thật sự rất cần thiết. Và vì vậy bọn mình hy vọng là qua cái podcast này mọi người sẽ cởi mở hơn khi mà bắt đầu những cuộc trò chuyện về tự sát. Để mở đầu cho series InPsychOut Kể chuyện Gãy, bọn mình có mời tới đây anh Nhật - một người bạn lâu năm của Gãy. Trong vòng nửa đầu năm nay anh Nhật đã mất đi hai người bạn vì tự sát. Bọn mình mời anh Nhật đến để chia sẻ câu chuyện của mình với hi vọng là mọi người sẽ có một góc nhìn đồng cảm hơn với tự sát qua những chia sẻ của anh.

IMG_7367(web).jpg

TA: Chào anh! Cảm ơn anh đã đến đây ngày hôm nay và nói chuyện với InPsychOut và Gãy. Anh có thể giới thiệu thêm một chút cho mọi người biết về bản thân mình không?

Nhật: Trước hết mình cũng muốn cảm ơn InPsychOut và Gãy đã mời mình đến đây và cho mình chia sẻ câu chuyện của mình, và cũng để lắng nghe những gì mà mình nói trong hôm nay. Thì trước hết, mình là Nhật. Hiện tại mình đang làm việc cho Sàn Art với chức vụ là một người quản lý. Năm nay mình 29 tuổi rồi. Công việc của mình thì trước mình học Kiến trúc ở nước ngoài rồi xong mình cũng về đây. Sau đó thì mình làm việc agency, nhưng mình vẫn muốn làm quen với những cộng đồng về nghệ thuật bên này cho nên mình chuyển sang hoạt động nghệ thuật bên mảng giáo dục nhiều hơn. 

Hương: Thế anh có thể nói rõ hơn cho mọi người biết một chút về công việc cụ thể anh đang làm được không ạ? 

Nhật: Về công việc quản lý nghệ thuật thì mình hay làm những việc liên quan đến logistics nhiều hơn nhưng mà đồng thời mình cũng làm những cái công việc liên quan đến việc giám tuyển như là liên hệ với các nghệ sĩ trẻ hoặc là những nghệ sĩ lớn tuổi hơn, rồi xong rồi mình bắt đầu làm những cái chương trình triển lãm cho họ. Hoặc là mình cũng làm những cái chương trình mang tính chất giáo dục song song với lại những cái triển lãm đó. Thì những cái công việc liên quan hướng về cộng đồng. 

TA: Còn phần logistics là dạng như là venue rồi liên hệ với các bên ạ? 

Nhật: Logistics như là những cái rất là “cứng” như là budget chẳng hạn, rồi xong rồi liên lạc với đội thầu để làm insulation, lắp đặt tác phẩm.

TA: Bọn em có biết rằng gần đây anh đã mất đi hai người bạn vì tự sát, thì anh có thể chia sẻ thêm về chuyện này không ạ? 

Nhật: Ừ, thì đầu năm nay, như em cũng biết là đầu năm nay anh bị mất đi hai người bạn - một người bạn cũng khá là thân, và một người bạn cũng đã biết từ lâu. Thì tạm thời anh sẽ gọi hai người bạn đó là Cat và La nha, để mình có thể dễ trò chuyện hơn. 

Hương: Vâng. 

Nhật: Thì, bạn Cat thì mất trước bạn La tầm một tháng. Thì bạn Cat mất vào đầu tháng 2, còn bạn La thì anh nghĩ là mất vào tầm đầu tháng 3. 

Hương: Vậy là hai sự việc xảy ra cũng khá là gần nhau đúng không ạ? 

Nhật: Đúng rồi. Cũng khá là kỳ lạ là cả hai tình huống khá là giống nhau. Kiểu như là bạn Cat với lại cả bạn La lúc trước khi mà xảy ra cái sự việc như vậy thì cả hai cũng đã bắt đầu liên hệ lại với mọi người, cũng đã bắt đầu gọi là reach out, rồi cũng kể là các bạn đang cảm thấy tốt hơn, các bạn bắt đầu đi làm việc trở lại và cũng đã bắt đầu sáng tác trở lại. Thì cái đó nó cũng tới khá là bất ngờ. 

TA: Anh có thể nói thêm một chút về mối quan hệ của anh với anh Cat và chị La không ạ? 

Nhật: Với Cat, làm bạn cũng khá lâu, từ cái thuở đi làm agency từ đầu năm 2016. Thì như lúc nãy anh cũng có đề cập tới, là khi mà anh về đây, thì anh cũng không có bạn bè gì nhiều, thì Cat là một trong những cái người mà anh có thể nói là bạn thân nhất ở trong cái lúc đó. Cái gì mình cũng có thể chia sẻ với nhau rồi xong rồi cũng hỗ trợ với nhau về công việc, ví dụ như là - fun fact - anh có thiết kế logo cho Suboi rồi xong rồi Cat chính là người làm animation, làm những cái hiệu ứng.. 

TA: Thì vừa là người bạn vừa là đồng nghiệp ạ? 

Nhật: ...Đúng rồi, đúng rồi, thì với La cũng vậy, nhưng mà La thì nghiêng về công việc nhiều hơn, tại vì khi mà mình tổ chức những cái chương trình nghệ thuật hay những cái chương trình triển lãm thì mình cũng có hỗ trợ La thì La là người tìm tới. Lúc đó La cũng khá chủ động trong việc tham gia những cái chương trình như là chương trình lưu trú tại A.Farm. 

TA: Theo những gì bọn em được biết, thì những người mà xu hướng tự sát thì bình thường cái lúc mà họ bắt đầu thực hiện hành vi tự sát không phải là lúc họ đang cảm thấy mù mịt hay đang trong đáy cảm xúc, tức là không phải là lúc mà họ cảm thấy tồi tệ nhất. Tại vì thường là nó sẽ ở một cái điểm mà trên cái điểm đáy một chút khi mà đã bắt đầu có thể có sức lực trở lại, có khả năng suy nghĩ thông suốt về những gì sẽ xảy ra và lên kế hoạch cho những gì họ sắp làm. 

Nhật: Ừm, đối với trường hợp của Cat cái lúc mà bạn đó nói là bạn đã tốt hơn thì mình suy nghĩ “OK, không sao” nhưng mà đúng như cái mà em vừa nói là khi mà sự việc xảy ra khá là bất ngờ nhưng mà khi nghe được những cái chi tiết, những cái lời kể từ gia đình của Cat thì những cái trình tự nó khá là, nói là, tỉnh táo, để lên được một cái kế hoạch cụ thể và rất là chi tiết. 

TA: Anh có nói là hai người bạn của anh là Cat và La, thì cả hai người đều nói với những người xung quanh là họ đã trở nên khá hơn, vậy thì trước đó thì cái tình trạng là nó như thế nào ạ? 

Nhật: Vậy bây giờ chắc anh sẽ nói về từng người trước. Đối với Cat thì anh chơi với Cat cũng khá là lâu rồi, lúc đó là lúc anh mới về Việt Nam và lúc mà anh mới bắt đầu đi làm cho một agency. Thì cái lúc mà về Việt Nam thì anh thật sự anh không có một người bạn nào hết, vì đa số những người bạn thân của anh là ở bên nước ngoài. Nhưng mà gặp Cat thì giống như là bọn anh rất là hợp, bọn anh “click”, ngay lúc đó, và kiểu như là đi chơi luôn có nhau, rủ nhau đi chụp hình, kiểu như là rất là dở hơi: đi chỗ này chỗ kia, qua quận 5 đi bộ hay là chụp hình ở Thủ Thiêm lúc 5 giờ sáng, kiểu giống vậy. 

Nhật: Xong rồi tới một khoảng thời gian sau đó thì Cat bắt đầu bị trầm cảm. Thì hồi đó anh cũng ráng support, anh cũng ráng hỗ trợ Cat một cách tốt nhất có thể, những cái gì mà mình có thể làm được mình cũng rủ Cat đi đây chơi, đi đó chơi. Rồi xong nhưng mà tới khoảng thời gian sau là tầm tháng 5 năm 2019, thì Cat bắt đầu ngưng liên lạc với anh. Lúc đó Cat có gửi cho anh một cái tin nhắn qua Messenger, nhưng lúc đó anh cũng khá là bận nên anh cũng trả lời qua loa. Thì sau đó là Cat ngưng liên lạc với anh. Rồi tới đầu tháng 2 năm 2020, tầm một năm sau đó, thì Cat mới bắt đầu liên lạc lại. Rồi xong Cat mới bắt đầu nói là “Đi làm lại rồi, cảm thấy tốt hơn rồi” thì có hẹn anh để đi uống nước, thì anh nói “OK có gì qua tuần đi”, nhưng mà trước khi cái cuộc hẹn đó xảy ra thì Cat tự sát. 

Nhật: Còn về bạn La, đối với La thì anh quen La qua một người thầy giáo. Lúc trước thì anh cũng mới về Việt Nam thì người thầy này muốn giới thiệu với anh một bạn nghệ sĩ cũng vừa về Việt Nam luôn. Thì La mới tới chỗ Sàn Art để nói chuyện, để xem có thể hỗ trợ bạn về cách tiếp cận cộng đồng nghệ sĩ bên đây hay không, và cũng có thể làm triển lãm cho bạn chẳng hạn. Thì mình gặp La qua cái tình huống như vậy. Rồi sau đó có một buổi cũng khá là hay, lúc đó là trước sinh nhật mình một ngày, thì mình có hẹn cả Cat và La ra gặp nhau ở cafe Hoàng Thị thì chỗ đó là chỗ đầu tiên ba mình ngồi với nhau cũng là chỗ đầu tiên Cat gặp La... 

TA: Là điểm kỷ niệm. 

Nhật: ...Ừ đúng rồi là điểm kỷ niệm. Rồi xong kéo nhau về studio của La xem tranh rồi cũng coi phim các kiểu. Bữa đó tối mưa rầm rã nhưng mà ba đứa cũng chơi tới bến.

TA: Theo chia sẻ của anh thì em có nghe là trong cái khoảng thời gian trước tháng 5 là anh Cat có rơi vào trầm cảm ạ? Em không biết là anh có biết hay không hay là chưa có nghe nhắc tới nhưng mà trầm cảm là một trong những dấu hiệu cảnh báo đối với tự sát. Ngoài ra thì còn có những dấu hiệu cảnh báo như là đột ngột thu mình, là được thấy ở cả anh Cat và chị La, căng thẳng, cô lập kéo dài, không liên lạc với ai. Ngoài ra thì đối với những người mà không thu mình hay là vẫn tiếp xúc với những người xung quanh thì họ thường đề cập tới cái chết, về tự sát. Hoặc là đối với một số trường hợp thì còn có thể là cái ý nghĩ tự sát nó được nảy sinh do người ta phát hiện ra bản thân có bệnh mạn tính. Hoặc là họ có tiền sử rối loạn tâm lý. Và đặc biệt là những người mà có khả năng tự sát cao là những người đã từng có những nỗ lực tự sát trước đó. Nếu như có thấy ở những người xung quanh mình một trong những dấu hiệu cảnh bảo đó thì có lẽ là nên gặp họ và nói chuyện thẳng thắn. 

Nhật: Thì anh sẽ nói lại một chút về La luôn nha. Tại vì cái trường hợp của La cũng khá là giống với lại Cat. Là kiểu như là cũng một khoảng thời gian thì La cũng có những cái cử chỉ erratic. Bắt đầu mọi người có thể nói là xa cách La, thì sau đó thì bạn La cũng bắt đầu thu mình lại. Nhưng mà xong cái khoảng thời gian đó thì La có một cái triển lãm, mọi người mới bắt đầu đón La trở lại và mọi người cũng bắt đầu tạo những cái điều kiện cho La. Như là bọn anh cũng có gặp La ở những buổi chiếu phim, nói chuyện, và cũng có tổ chức những cái buổi phê bình riêng cho La. Nhưng mà bạn cũng đi khá là bất ngờ, giống như là Cat, tại vì bạn cũng nói là bạn cảm thấy tốt hơn. Thì giống như là em có đề cập tới những cái dấu hiệu về việc thu mình hay về việc trầm cảm để dẫn đến cái sự việc như vậy, thì thật ra anh cũng không có cái kiến thức gì lắm về việc này nhưng mà mình thấy là, OK, mình cũng quan sát theo truyền thông, thì mình biết là trầm cảm cũng là một cái agent cho việc tự sát. 

TA: Dạ, cũng là một yếu tố nguy cơ. 

Hương: Trầm cảm trên thực tế là nguy cơ hàng đầu dẫn đến tự tử đúng không nhỉ Thuỳ Anh? 

TA: Đúng rồi ạ.

Hương: Thường những người trầm cảm khá là nặng sẽ không lạ gì khi họ có những suy nghĩ tự sát hay tự làm hại bản thân mình nữa. 

TA: Dạ đúng rồi, trầm cảm kéo dài. 

Nhật: Thì mấy bạn lâu lâu cũng đề cập tới ví dụ như câu chuyện từ gia đình của Cat kể lại với anh thì anh cũng thấy có những dấu hiệu đó hoặc là La ở trong tác phẩm của La thì lâu lâu cũng đề cập đến cái chết, ví dụ như là địa ngục, thiên đường chẳng hạn. 

TA: Bây giờ sau khi anh đã biết những cái dấu hiệu cảnh báo này rồi thì anh nghĩ là việc lưu ý hay là chú ý đến nó đối với những người xung quanh bây giờ của anh thì nó có dễ dàng hơn không? 

Nhật: Anh nghĩ là mình sẽ nhạy cảm hơn với những dấu hiệu đó, thì mình sẽ bắt được những cái dấu hiệu đó. Nhưng còn cái việc sau khi đó thì mình phải làm gì, thì anh nghĩ thật sự rất là khó để cho một cá nhân có thể làm.

TA: Em nghĩ là khi mà phát hiện ra những người xung quanh mình hay là người thân hay bạn bè đang trong những trạng thái ví dụ như là họ cảm thấy rất tồi tệ hoặc là họ cảm thấy không tốt về bản thân, họ cảm thấy buồn, họ cảm thấy trầm cảm, thì cách mở đầu tốt nhất và đặc biệt chuyện này áp dụng cho nếu như anh nghĩ rằng họ đang có ý định tự sát, thì hãy có một cuộc trò chuyện thẳng thắn và đó là cách tiếp cận tốt nhất đối với câu chuyện. 

Và nếu được thì anh có thể rủ họ tham gia những hoạt động cùng nhau - ví dụ như chạy bộ, bơi lội, yoga, đi thiền hay chỉ đơn giản như đi ăn đi chơi uống nước, đi quẩy, v.v, để giống như là họ luôn được ở xung quanh những người khác và như vậy thì họ không phải đối diện với cảm xúc của mình quá nhiều và không phải đối diện với nó một mình. 

Nhật: Thật ra đối với Cat thì lúc trước khi mà anh thấy những dấu hiệu mà Cat đang bắt đầu tự thu mình lại, thì anh cũng có tiếp cận với Cat để nói là OK bây giờ kiểu như đi ra ngoài, cũng có giới thiệu job cho Cat nhưng mà Cat bắt đầu đẩy những việc đó ra. Cat cũng không muốn tham gia với anh, Cat cũng không muốn đi ra ngoài thì thực sự việc đó cũng khá là khó. Lúc trước, mình cũng đồng cảm với bạn nhưng mà rồi cũng tới cái lúc mình cảm giác như là bất lực và không biết làm gì. 

TA: Em nghĩ đó là một cái cảm xúc khi mà những người mà ở cạnh hay ở xung quanh [những người có rối loạn tâm lý hay có] người thân có rối loạn tâm lý, hay thường cảm thấy không tốt, mọi người cũng thấy rất khó khăn trong việc phải làm như thế nào để họ thấy khá hơn và cảm thấy bản thân mình ở đó và những việc mình làm dường như là không đem ra một cái kết quả nào. Nhưng em nghĩ là nếu như mình cứ duy trì việc đó thì nó vẫn sẽ tốt hơn. 

Hương: Chỉ là bổ sung một chút về điều Thuỳ Anh nói thôi thì là tuy là mình ở đó cho họ nhưng việc quan trọng nữa mà mình cũng nên làm đó là nên chăm sóc cho bản thân nữa vì em biết cái chuyện mà mình có những cuộc nói chuyện nó đem lại khá là nhiều cảm xúc tiêu cực thì nó có thể cũng ảnh hưởng ít nhiều đến mình, đặc biệt là đến từ những người mà mình yêu quý. 

Nhật: Nhưng mà anh cũng suy nghĩ rằng kiểu thật sự nếu mà các bạn mắc phải chứng bệnh trầm cảm nếu các bạn có môi trường hỗ trợ thì nó vẫn tốt hơn mặc dù mình là bạn mình có thể hiểu rõ về cái người đó nhất thì mình có thể support theo cái cách của mình nhưng mà thật sự một cái môi trường cũng rất là cần thiết về cả bác sỹ tâm lý hay những bạn am hiểu về tâm lý hay những tổ chức để cho cái việc nhận thức này được lan rộng nhiều hơn. Anh nghĩ cái đó cũng bị thiếu ở Việt Nam hiện tại. 

TA: Cái đó bọn em cũng đồng ý, dạ, bọn em cũng hiểu là còn nhiều thiếu sót hay hạn chế về những cái tổ chức hay những nơi mà mọi người có thể tìm kiếm sự giúp đỡ về tâm lý, đặc biệt là trong trường hợp nguy cấp có ý nghĩ tự sát, v.v. Nhưng bọn em nghĩ là cộng đồng đang phát triển theo một hướng tốt hơn và cả InPsychOut và Gãy cũng đều đang có những nỗ lực và còn đang cố gắng và còn rất nhiều những tổ chức, cộng đồng ngoài kia nữa, họ đều đang cố gấng biến Việt Nam - nơi chúng ta đang ở thành một cộng đồng quan tâm và coi trọng sức khoẻ tâm lý hơn. 

TA: Theo chia sẻ của anh và theo như em cảm nhận được từ kỷ niệm của mọi người thì có vẻ như họ là những người rất là thân với anh. Việc mất đi người thân hay bạn bè yêu quý chắc chắn là một việc rất khó khăn và ít ai trải qua mà không thay đổi hay không có khác đi. Vậy đối với anh, anh cảm nhận sự khác đi này ở bản thân mình là gì?

Nhật: Thật ra cái sự khác đi anh nghĩ nó khiến mình nhạy cảm hơn với những dấu hiệu bên ngoài của bạn bè xung quanh, nếu như có trường hợp như vậy lặp lại. Với lại anh nghĩ mình cũng nên cố mở rộng cái giới hạn của mình ra một chút xíu. Nếu mà mình có những người bạn mà bắt đầu có những dấu hiệu như Cat hay La thì mình lắng nghe nhiều hơn và mình cũng bắt đầu cần được một cái sự thấu hiểu. 

Nhưng nếu là sự thay đổi của chính bản thân anh sau những sự việc của La với Cat thì anh nghĩ anh đã bắt đầu dễ dàng chấp nhận quyết định của các bạn nhiều hơn. Chứ thật sự thì lúc ban đầu thì mình không nghĩ cái đó là điều nên làm. Nhưng sau đó khi mình suy nghĩ lại, với tư tưởng của mình đã khác đi, thì anh nghĩ mình nên tôn trọng quyết định của họ bởi vì khi họ đã ra được quyết định như vậy họ cũng phải suy nghĩ lắm chứ đâu phải nhất thời đâu. Anh quan trọng việc mình phải biết đó là quyết định của họ và mình chỉ mong họ không hối tiếc cái điều họ làm thôi. 

Hương: Cảm ơn anh rất nhiều về những chia sẻ chân thành của anh. Em có biết được rằng nhiều người khi trải qua việc mất mát như vậy thì thường hay có xu hướng tự trách bản thân mình và đổ lỗi cho chính mình rằng là tại sao mình không phát hiện ra những dấu hiệu cảnh báo hay liệu mình có làm gì sai không - liệu mình đã có thể làm gì khác đi để ngăn chặn việc như vậy? Thì không biết anh có từng có những suy nghĩ như vậy chưa ạ?

Nhật: Thì có chứ. Đối với như trường hợp của Cat thì anh cũng luôn trách mình vào một thời gian mình bắt đầu thay đổi suy nghĩ. Vì lúc trước khi lúc Cat cảm thấy thật sự chìm sâu thì mình cũng đồng cảm với Cat, hỏi Cat tham gia những việc ngoài lề với mình như đi chụp hình hay là đi chơi, đi ăn kem chẳng hạn nhưng mà về sau khi Cat bắt đầu cứ đẩy mình ra, xong mình bắt đầu thay đổi suy nghĩ là có thể Cat đang bị lún sâu quá rồi, không thể bắt đầu lại từ đầu thì mình bắt đầu nghĩ là việc mà Cat chỉ đưa ra những lời ngụy biện, những excuses, chỉ là để cho bạn cảm thấy an toàn hơn trước những lời lẽ của xã hội hay là những ánh nhìn của các bạn bè xung quanh. Thì việc đó là việc mà anh thấy có lỗi nhất khi mình thay đổi suy nghĩ đó và mình không thể support bạn như lúc trước. 

TA: Em nghĩ nói chung thì đối với những người có người thân đã trải qua tự sát hay trải qua mất mát vì tự sát thì thường luôn sẽ có một phần nào đó trong họ sẽ đổ lỗi cho bản thân và em nghĩ là qua chia sẻ của anh thì anh cũng như vậy. Nhưng em thật sự nghĩ là trong khoảng thời gian đó, anh đã làm tốt nhất mà mình có thể rồi và anh có nói đến trong khoảng tháng 5 đó cũng là thời gian mà anh cũng rất bận bịu. Có thể trong lúc đó anh đã chọn việc không tiếp tục luôn cố gắng giúp đỡ anh Cat nữa, tuy nhiên trong giai đoạn trước đó thì anh đã cố gắng để làm anh Cat trở nên khá hơn, luôn rủ anh ấy đi chơi rồi sau đó kể cả khi tới tháng 2 là khi anh ấy quay trở lại làm việc thì anh đều luôn cố gắng tạo điều kiện cho ảnh có một khoảng thời gian tốt nhất và anh luôn muốn là bạn mình có một trải nghiệm tốt. Và sau đó kể cả khi mất liên lạc thì anh hoàn toàn cũng rất cố gắng giống như là reach out và sau đó tới tháng 2 thì anh đã mở lòng trở lại. 

Hương: Em cũng hoàn toàn đồng ý với những gì mà Thuỳ Anh nói. Em nghĩ khi mà mọi người đều có cuộc sống riêng thì sẽ khá là khó để mình dành 100% thời gian của mình cho một người nào đó. Em nghĩ là tại thời điểm đó đấy là cái mà anh đã làm hết sức đó là yêu thương chăm sóc họ theo cách tốt nhất mà anh có thể. Em nghĩ là không có gì mà mình phải trách bản thân nữa. Thế nhưng mà em cũng biết việc này nói dễ hơn là làm, nhưng em vẫn hy vọng anh có thể sớm vượt qua được việc tự trách bản thân này. 

TA: Bọn em cũng muốn hỏi thêm là việc anh ở đây bọn em đoán rằng anh cũng đã một phần nào đó chấp nhận được sự mất mát và nói chung là cũng đã trong quá trình giúp bản thân hồi phục. Vậy anh nghĩ là anh đang trong giai đoạn nào trong quá trình đi qua sự mất mát này? 

Nhật: Thật ra anh cũng không biết là anh đang trong giai đoạn nào của việc chấp nhận. Giống như là đôi khi anh cảm thấy mình đang gạt những sự cố đó qua một bên chứ không hẳn là đã chấp nhận nó. Đôi khi ra đường anh vẫn thấy hình ảnh của Cat khi thấy một người nhỏ con, chạy xe số, đeo ba lô màu xám. Còn những khi có những event nghệ thuật thì anh vẫn thấy hình ảnh của La khi nằm xuống xem phim với bạn bè xung quanh. Những hình ảnh đó nó không rời anh được, những lúc đó mình cảm thấy cái tình huống đó nó cứ quay về rồi xong rồi mình bắt đầu ôn lại những ký ức những người bạn của mình đã đi ra sao, những chi tiết đó thật sự mình cảm thấy khá là đau. 

TA: Anh có thể chia sẻ cho bọn em biết làm thế nào mà anh đã chấp nhận được chuyện đó đã xảy ra không ạ? Tức là chấp nhận được là mình đã mất đi 2 người bạn ấy ạ? 

Nhật: Thật ra anh nghĩ là cách thì mỗi người một cách thôi. Đối với anh thì tại vì anh cũng đã trải qua một mất mát khá là lớn trong cuộc đời là anh mất đi mẹ anh, không phải là tự sát nhưng cái việc đó cũng đã làm cho anh dễ chấp nhận hơn về những sự mất mát tại vì mặc dù họ mất đi nhưng những ký ức của họ vẫn còn lại với mình và họ cũng đã tồn tại trong cuộc đời với mình trong một khoảng thời gian nhất định. Anh nghĩ rằng anh rất yêu quý những điều đó, còn sự mất mát đó chỉ là sự mất mát mà thôi. 

TA: Đúng như anh đã nói thì bọn em nghĩ việc đối phó hay cách vượt qua hay là cách chấp nhận đối với mỗi người là mỗi khác. Và việc quan trọng đối với mỗi người sau những mất mát như vậy bọn em nghĩ là nên tìm cho mình một cách phù hợp nhất, quan trọng là đừng đè nén cảm xúc hay ép bản thân. Bọn em nghĩ cũng không nên tạo áp lực giống như là "đến bây giờ mà vẫn còn buồn" hay là "thôi mày không được nghĩ đến nó nữa" mà phải để cho bản thân trải qua tất cả những cung bậc cảm xúc thì từ đó người ta mới có thể vượt qua được và tiến lên phía trước. 

Nhật: Đúng rồi anh cũng nghĩ như em nói. Tại vì đôi khi kiểu "thôi đừng có nghĩ về cái đó nữa, sao cứ nghĩ hoài" nhưng thật sự người đó đã tồn tại trong cuộc sống của mình và mình cũng đã trải qua những cái cảm xúc nó rất là mạnh chứ không phải nhẹ nhàng gì. Anh nghĩ cái đó mình phải cho mình một cái cơ hội để mà mình grieve. Anh nghĩ cái đó khá là quan trọng. 

Hương: Và em nghĩ là không có gì là sai khi mà mình nhớ đến họ đúng không ạ, vì như anh nói thì họ còn sống thì họ đã dành thời gian cho mình thì mình đều đã có những cảm xúc và thời gian rất là đẹp với nhau thì không có gì mà mình không phải nhớ đến họ nếu như điều đó làm mình vui lên đúng không ạ?

Nhật: Đúng rồi chính xác, anh nghĩ mặc dù mình buồn mặc dù mình không thể tạo ra những ký ức mới với họ nhưng mà mình vẫn có thể đối với anh nha, anh vẫn có thể chọn việc sống trong niềm vui bằng việc khơi gợi lại những ký ức lúc trước. 

TA: Trải qua sự việc này thì anh nghĩ là anh đã học được những gì? 

Nhật: Học được những gì... Anh nghĩ như lúc này anh có đề cập chút xíu đó là mình mở rộng ra cái giới hạn của mình và mình học được việc kiên nhẫn hơn với những người có dấu hiệu trầm cảm hay những người có dấu hiệu như Cat với lại La. Anh nghĩ đối với bản thân anh anh nên cố gắng hơn ví dụ như theo dõi từng chi tiết và không có được bỏ qua, mặc dù người đó có thể không thân với mình nhưng khi người đó đã liên lạc với mình tức là họ tin tưởng mình và anh nghĩ điều quan trọng là mình nên đáp lại được sự tin tưởng đó. Nhiều người cũng có hỏi là đôi khi tại sao lại lo chuyện bao đồng ví dụ như vậy nhưng thật ra nếu mà họ đã có được niềm tin vào mình thì mình cũng nên trả lại cho họ một cái gì đó, vì cái đó thật ra đã rất là quý rồi. 

TA: Câu hỏi này thì có thể hơi cá nhân một chút nhưng mà tại sao anh lại muốn tới đây để chia sẻ câu chuyện của mình?

Nhật: Anh nghĩ một phần cũng là vì mình thiếu đi một môi trường mà mình có thể nói về bệnh tâm lý hay những vấn đề về tâm lý một cách cởi mở. Thì thông qua podcast này, anh rất là muốn chia sẻ câu chuyện của anh để mọi người biết được thêm ví dụ thôi là làm sao anh đã vượt qua được tình huống mất mát như vậy, hay cho các bạn biết thêm về cách nhận định các dấu hiệu mà chính cá nhân anh đã trải qua. Thông qua cơ hội này cùng với InPsychOut và Gãy, anh muốn đưa được tới nhiều người hơn. 

Hương: Vậy thì từ những trải nghiệm, từ những cảm xúc của anh, anh có muốn gửi gắm điều gì với những bạn mà cũng đang trải qua việc mất đi những người mình yêu thương không ạ? 

Nhật: Đối với các bạn mà vừa mất đi người mà mình yêu thương, anh nghĩ là các bạn hãy cứ cho mình thời gian với lại cho mình không gian. Đừng có vội mà kiểu gạt nó qua một bên, hay đừng có vội phải “OK mình phải sống tốt hơn” hay phải cảm thấy vui hơn để không có làm cho người mất đi buồn hay này kia. Cứ dành một khoảng thời gian cho mình. Bởi vì cá nhân mình cũng rất là quan trọng trong việc đi tiếp tục tại vì mình vẫn còn tồn tại ở đây, mình có nhận thức về những điều này thì mình có thể là một cái agent để giúp cho những người có cùng dấu hiệu về trầm cảm hay những bệnh tâm lý để có thể cảm thấy tốt hơn. 

TA: Rất cảm ơn anh đã đến với buổi trò chuyện ngày hôm nay. Chúc anh tìm được sự bình yên trong cuộc sống và mong anh sẽ thành công trong con đường mình đã chọn. 

Nhật: Cảm ơn em rất nhiều, cảm ơn InPsychOut và cảm ơn Gãy. 

Hương: Qua câu chuyện của anh Nhật và những chia sẻ của anh ngày hôm này thì InPsychOut và gãy muốn gửi một thông điệp cho những ai đã mất một người hay đang tưởng nhớ một người. Chúng mình mong rằng bạn sẽ có đủ mạnh mẽ và động lực để vượt qua và chữa lành cho bản thân. Quá trình vượt qua những mất mát thật sự rất khó khăn và chúng mình hiểu rằng đôi khi bạn sẽ cảm thấy mệt mỏi và kiệt sức. Nhưng chúng mình cũng muốn bạn nhớ rằng, bạn là một phần mà những người đã mất đã để lại cho cuộc sống và nếu bạn chọn để sống một cách vui vẻ, hạnh phúc và đầy yêu thương thì phần đó của họ cũng sẽ được giữ lại mãi. Và chúng mình hy vọng rằng đó là cách mà bạn chọn để luôn giữ họ bên mình. 

TA: Cảm ơn bạn đã lắng nghe InPsychOut Kể chuyện Gãy. Mong bạn sẽ tiếp tục ủng hộ chúng mình trong những số tiếp theo và đừng quên lắng nghe playlist nhạc đính kèm ở bên dưới. Chúc các bạn có một ngày vui vẻ. Hãy tận hưởng hết mình.

*Lưu ý: Tất cả nội dung trong podcast không có tính chất chẩn đoán hay trị liệu. Nếu bạn đang đối diện với những suy nghĩ hay ý định tự sát thì bạn hãy xem xét tìm sự giúp đỡ chuyên môn. Mọi sự lựa chọn về mặt từ ngữ và diễn đạt của những cá nhân trên podcast không mang tính đại diện cho quan điểm của bất kỳ tổ chức nào.

Nội dung: InPsychOut & Gãy

Đồ hoạ: Công Huỳnh 

Hình ảnh: Đạt Vĩnh Trần

Nhạc: mess.

IPOxGãy

InPsychOut Kể chuyện Gãy, như tên gọi, là một sự kết hợp giữa InPsychOut và Gãy về các chủ đề sức khỏe tâm lý dưới dạng podcast, hình ảnh, bài đăng, v.v. InPsychOut Kể chuyện Gãy ra đời với mục tiêu là đem những vấn đề tâm lý đến gần hơn với mọi người và giúp những cuộc hội thoại về sức khỏe tâm lý được bắt đầu.

Previous
Previous

Tác Phẩm Nổi Bật Của Tháng 9 | Ngân

Next
Next

Sử Dụng Facebook Để Thu Nhận Người Tham Gia: Khi Kế Hoạch Dự Phòng Lại Hiệu Quả Hơn