Rối Loạn Nhân Cách Ranh Giới: Tổng Quan Lâm Sàng

*Lưu ý: Nội dung bài viết có đề cập đến hành vi tự tử, tự hại

Dịch tễ học

Rối loạn Nhân cách ranh giới (BPD) có tỷ lệ xuất hiện từ 1.6% đến 5.9% dân số [1]. Tuy nhiên, tỷ lệ này suy giảm ở nhóm tuổi cao - tương đồng với phác đồ phát triển phổ biến của BPD trong vòng đời của một người [1].

BPD thường nghiêm trọng nhất ở đầu giai đoạn  trưởng thành - lúc cá nhân có những sự bất ổn liên tục về một số khía cạnh như cảm xúc, các mối quan hệ cá nhân, .v.v., và có mức độ suy giảm trong các chức năng  chung cũng như nguy cơ tự tử lớn nhất [1]. 

Đặc điểm và Triệu chứng

Theo Cẩm nang Chẩn đoán và Thống kê Rối loạn Tâm thần DSM-5, một cá nhân được chẩn  đoán với Rối loạn Nhân cách ranh giới khi họ có ít nhất năm trong số các triệu chứng sau đây [1,2]:

Untitled_Artwork 9.png

1. Nỗ lực một cách quá mức/trong “tuyệt vọng” để tránh bị bỏ rơi, dù là trong thực tế hay tưởng tượng.

Untitled_Artwork 7.png

2. Mối quan hệ cá nhân bất ổn, thái quá về cảm xúc - thể hiện ở những thay đổi giữa sự lý tưởng hóa cực đoan và sự suy giảm giá trị cực đoan.  

3. Bản sắc cá nhân không ổn định

Untitled_Artwork 6.png

4. Bốc đồng – thể hiện trong ít nhất hai khía cạnh của cuộc sống và điều đó có thể là việc tự hủy hoại bản thân (ví dụ: lạm dụng chất kích thích, lái xe không an toàn, chi tiêu không kiểm soát, quan hệ tình dục bừa bãi, ăn uống vô độ)

Untitled_Artwork 5.png


5. Hành vi tự hại, hoặc đe dọa, cử chỉ, hành vi tự sát lặp đi lặp lại.

6. Bất ổn về cảm xúc do quá nhạy cảm .

Untitled_Artwork 4.png

7. Cảm giác trống rỗng kinh niên

8. Sự tức giận không thích đáng và dữ dội, hoặc khó kiểm soát sự tức giận.

9. Triệu chứng phân ly nghiêm trọng, hoặc những suy nghĩ hoang tưởng nhất thời phát sinh từ căng thẳng. 

Trong số chín tiêu chí nêu trên, không triệu chứng nào có thể đảm bảo cho sự chuẩn đoán. BPD được xem là rối loạn không đồng nhất (heterogeneous disorder), vì BPD không có triệu chứng cần thiết để làm căn cứ chẩn đoán, và biểu hiện lâm sàng giữa các cá nhân cũng không giống nhau. Đặc điểm được xem là cốt lõi của BPD là sự không ổn định – điều này được thể hiện ở bốn khía cạnh khác nhau [2]. Trước tiên, một cá nhân với BPD thường có sự thay đổi cảm xúc đột ngột và cực đoan, khiến họ khó điều tiết sự tức giận của bản thân [1,2]. Điều này tác động không tốt đến mối quan hệ cá nhân vốn đã bất ổn như được liệt kê ở phần căn cứ chẩn đoán ở trên. Sự thay đổi khí sắc với cường độ cao  hoặc sự bộc phát tức giận thường do những sự kiện liên cá nhân, chẳng hạn như bị từ chối hay mất mát. Những người có BPD cực kỳ nhạy cảm với hoàn cảnh bên ngoài, đặc biệt khi chúng liên quan đến các mối quan hệ cá nhân [2]. Ví dụ, xuất phát từ nỗi sợ bị bỏ rơi, khi ai đó hủy hẹn với họ, họ có thể phản ứng với sự tức giận không quá mức. Trớ trêu thay, nỗi sợ bị bỏ rơi này cũng có thể dẫn đến nỗi sợ gắn bó, vì họ dễ có hành vi phá hủy mối quan hệ bằng cách thử thách người khác để xác định xem bản thân được quan tâm tới mức độ nào [2]. 

Hơn nữa, sự không ổn định của các mối quan hệ cá nhân cũng thể hiện trong cách nhìn nhận về người khác của cá nhân ấy, đặc biệt là những người họ cho là quan trọng. Một cá nhân với BPD có thể chuyển từ cực kỳ lý tưởng hóa sang cực kỳ coi thường đối tượng gắn bó nếu họ cảm nhận được một sự xúc phạm nào đó [2]. Một khía cạnh không ổn định khác của cá nhân với BPD là sự nhận thức về hình ảnh của bản thân, hoặc cảm nhận về bản thân. Cụ thể hơn, họ thường không có định nghĩa chắc chắn, ổn định về bản thân, khó có thể hiểu bản thân là ai [2]. Thêm vào đó, họ còn có xu hướng cảm nhận tiêu cực về bản thân, có cảm giác trống rỗng kinh niên và gặp khó khăn với việc ở một mình [2]. Do đó, cá nhân với BPD rất chú trọng vào các mối quan hệ, và coi đó là một phần không thể thiếu trong định nghĩa về bản thân. Nói cách khác, những khó khăn trong các mối quan hệ cá nhân sẽ đe dọa đến những cảm nhận về bản thân của họ. Cuối cùng, BPD có đặc trưng là sự không ổn định về hành vi, ví dụ như sự bột phát tức giận không đáng có (Triệu chứng số 7), hành vi tự hủy hoại bản thân và bốc đồng (Triệu chứng số 4), cũng như hành vi tự sát, ý định tự sát, hay tự hại (Triệu chứng số 5) [2].

Nguyên nhân

BPD là kết quả của sự tác động lẫn nhau giữa yếu tố di truyền và những trải nghiệm tuổi thơ bất trắc [2]. Theo như mô hình phát triển xã hội sinh học của rối loạn nhân cách ranh giới - một lý thuyết nổi bật nhất về sự phát triển của BPD - mặc dù các triệu chứng của rối loạn này chủ yếu là do di truyền, nhưng chúng chịu ảnh hưởng nặng nề của những nghịch cảnh thời thơ ấu [3]. 

Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng BPD thường di truyền trong gia đình, vì họ hàng của người có  BPD có tỉ lệ có BPD cao hơn từ 4 đến 20 lần so với dân số chung.  Ngoài ra, đặc tính di truyền của BPD đã được  chứng minh bởi nghiên cứu về các cặp song sinh. Ví dụ như tỉ lệ cùng có BPD của cặp sinh đôi cùng trứng là 35% và của cặp sinh đôi khác trứng chỉ là 7%. Nhiều  nghiên cứu tin rằng BPD là sự kết hợp của nhiều loại gen khác nhau. Tuy nhiên, những nghiên cứu hiện nay vẫn chưa tìm thấy bằng chứng đầy đủ về nền tảng di truyền cụ thể gây ra BPD chính xác [2]. Khía cạnh di truyền duy nhất được xác định cho đến thời điểm này là sự nhạy cảm đối với một số đặc điểm liên quan đến BPD [2]. Một trong số đó là tính bốc đồng – một đặc tính với mức độ di truyền ước tính khoảng 80% [3]. Người ta nhận thấy sự kết hợp của tính bốc đồng ở mức độ cao, khuynh hướng nhạy cảm về mặt cảm xúc và cảm xúc tiêu cực, cũng như sống trong môi trường gia đình không được coi trọng  – môi trường mà cảm xúc của trẻ thường xuyên bị coi là thái quá và không thích hợp -  có khả năng dẫn đến sự thiếu ổn định cảm xúc lâu dài – một triệu chứng điển hình của BPD [3].

Ngoài khuynh hướng di truyền, những nghịch cảnh thời thơ ấu, chẳng hạn như bị ngược đãi hay bị bỏ rơi, cũng là một yếu tố nguy cơ chính của rối loạn nhân cách ranh giới[2,3]. Trải nghiệm tuổi thơ bất trắc đặc biệt phổ biến ở những người có  BPD, với 92% số người có BPD cho biết họ từng có những sang chấn thời thơ ấu [3]. Những sang chấn này liên quan đến sự gắn bó  không an toàn – được tìm thấy ở hầu hết những người được chẩn đoán với  BPD [2]. Xu hướng gắn bó của một cá nhân chịu ảnh hưởng trực tiếp từ mối quan hệ đầu đời với những người chăm sóc chính [2]. Trước hết, theo mô hình tâm thần của BPD - dựa trên thuyết gắn bó của Bowlby [4], để có nhận thức mạnh mẽ về bản thân, những biểu hiện cảm xúc của trẻ sơ sinh cần được lặp lại một cách ngẫu nhiên bởi đối tượng gắn bó [4]. Cần lưu ý rằng người lớn cần cường điệu hành động soi gương của bản thân để trẻ sơ sinh hiểu rằng cảm xúc của chúng đang được thể hiện. Việc thiếu đi sự lặp lại  ngẫu nhiên những cảm xúc của trẻ một cách phù hợp sẽ ngăn cản trẻ xây dựng khả năng tự thể hiện bản thân, và có sự liên quan đến kiểu gắn bó vô tổ chức – một trong những kiểu gắn bó không an toàn [4]. Điều này có thể giải thích cho sự thiếu ý thức rõ ràng về bản thân ở những người có  BPD [1,2]. Hơn nữa, xu hướng gắn bó không an toàn hình thành do đối tượng gắn bó ngược đãi, không quan tâm, hay không nhạy cảm tiếp tục kéo dài đến giai đoạn trưởng thành, và dẫn đến mô hình nội tại (internal model) tiêu cực khi nhìn nhận  bản thân và người khác – cụ thể, cá nhân tin rằng người khác không sẵn lòng yêu thương và  quan tâm họ [2,5]. Đặc điểm này trùng lặp với những vấn đề liên quan đến các mối quan hệ cá nhân thường thấy ở BPD [1,2]. 

Một phân tích tổng hợp về xu hướng gắn bó trong mối quan hệ lãng mạn và BPD của Smith và South (2020) đã chỉ ra một mối tương quan tích cực giữa các đặc điểm liên quan đến BPD và xu hướng né tránh và lo lắng - với mối liên hệ lớn hơn với xu hướng lo lắng [6]. Ngoài ra, phân tích này còn cho rằng tác động tương quan giữa hai xu hướng  gắn bó  không an toàn này có thể là yếu tố mấu chốt gây ra các triệu chứng BPD [6]. Tuy nhiên, do những nghiên cứu về chủ đề này không phải nghiên cứu dọc (longitudinal study), chúng ta không thể kết luận rằng đây là  một mối quan hệ nhân quả. Cụ thể hơn, chúng ta không thể kết luận được liệu xu hướng gắn bó lãng mạn không an toàn có dẫn đến BPD hay không, hoặc ngược lại [7]. Thay vào đó, Smith và South cũng đưa ra giả thiết rằng sự phát triển của xu hướng gắn bó không an toàn có thể xảy ra đồng thời với BPD, hơn là trực tiếp gây ra nó [6]. Ví dụ, tính khí tiêu cực của một đứa trẻ có thể là dấu hiệu báo trước cho các triệu chứng BPD sau này. Hành vi này, ngược lại, có thể gợi ra những phản ứng tiêu cực từ người chăm sóc trẻ - dẫn đến xu hướng gắn bó không an toàn ở trẻ [6].

Kết luận

Rối loạn nhân cách ranh giới (BPD) đặc trưng với sự không ổn định, đặc biệt là về mặt cảm xúc và các mối quan hệ cá nhân [1,2]. Mặc dù BPD có những tác động nghiêm trọng   đến hoạt động của cá nhân, nhưng BPD ít được nói đến và nghiên cứu hơn  so với các vấn đề tâm lý  khác như rối loạn trầm cảm, lo âu. Đặc biệt, ở Việt Nam – nơi mà chủ đề về sức khỏe tâm thần  vẫn còn gắn liền với nhiều sự kỳ thị và ít được chú ý tới, sự tồn tại của BPD hầu như không được nhắc tới. Trước những hậu quả nghiêm trọng của rối loạn này, việc nâng cao nhận thức về BPD cho mọi người ở mọi lứa tuổi là điều vô cùng cấp thiết.  

Dịch: Minh Thuỳ

Biên tập: Phương Thuỷ & Hương Lê

Thiết kế: MUOI

Danh mục tham khảo

[1] American Psychiatric Association. (2013). Diagnostic and statistical manual of mental disorders : dsm-5 (5th ed.). American Psychiatric Association.

[2] Widiger, T. A., Hooley, J. M., Cole, S. H., & Gironde, S. (2012). The Oxford Handbook of Personality Disorders. In Borderline personality disorder. essay, Oxford University Press. https://doi.org/10.1093/oxfordhb/9780199735013.013.0020

[3] Sicorello, M. & Schmahl, C. (2020). The Oxford Handbook of Personality Disorders. In Borderline personality disorder in development. Essay, Oxford University Press. http://doi.org/10.1093/oxfordhb/9780198827474.013.33

[4] Meins, E. (2014). The Oxford Handbook of Perinatal Psychology. Attachment: Theory and Classification. Essay, Oxford University Press. http://doi.org/10.1093/oxfordhb/9780199778072.013.005

[5] Bateman, A, W., & Fonagy, P. (2012). The Oxford Handbook of Personality Disorders. In Mentalization-Based Treatment of Borderline Personality Disorder. Essay, Oxford University Press. http://doi/org/10.1093/oxfordhb/9780199735013.013.0036 

[5] Boyd, D.G., & Bee, H.L. (2014). The developing child (13th Ed.). Harlow: Pearson Education Limited.

[6] Smith, M., & South, S. (2020). Romantic attachment style and borderline personality pathology: a meta-analysis. Clinical Psychology Review, 75. https://doi.org/10.1016/j.cpr.2019.101781

Previous
Previous

Millennials Và Những Suy Nghĩ Về Tự Tử

Next
Next

Mối Liên Hệ Giữa Ruột Và Não: Nghiên Cứu Cấy Ghép …Phân (Phần 3)