Khả Năng Phân Loại Bị Ảnh Hưởng Như Thế Nào Bởi Đặc Điểm Của Vật Xung Quanh

Phân loại (Categorisation) là một quá trình nhận thức cơ bản giúp con người định hình các sự vật họ thường gặp trong cuộc sống bằng cách thiết lập những điểm tương đồng giữa chúng và các sự vật khác mà họ đã gặp trong quá khứ [1,2]. Khi một sự vật trở nên phức tạp hơn, chúng ta có thể bắt đầu chú ý đến các đặc điểm của đối tượng để kết nối nó với một danh mục một cách chính xác hơn. Ví dụ, chúng ta có thể phân biệt giữa sóc và sóc chuột dựa trên đường vằn lông thú của hai loài, nhưng chúng ta sẽ chú ý đến phần đuôi khi phân biệt giữa sóc và chuột đồng [3]. Phương pháp chú ý có chọn lọc là một phương pháp nổi bật trong việc nghiên cứu khả năng phân biệt của con người, phương pháp này cho rằng con người phân biệt các sự vật khác nhau tùy thuộc vào các đặc điểm được xem xét bởi họ [2]. Cụ thể, các đặc điểm đơn giản, ví dụ như bộ phận cơ thể hay kích thích là những đặc điểm rõ ràng và dễ mô tả giúp con người phân loại dễ dàng hơn [4]. Ngược lại, các đặc điểm mơ hồ là những đặc điểm khó nhận biết và không rõ ràng mà con người khó nhận biết, gây trở ngại cho việc phân loại [5].

Nghiên cứu đầu tiên tìm hiểu về khả năng phân loại của con người trong quá trình tập trung vào các sự vật có đặc điểm đơn giản cho rằng chúng ta có thể dễ dàng phân biệt các hạng mục khác nhau dựa trên một hoặc hai đặc điểm [6]. Những người tham gia nghiên cứu được yêu cầu phân loại hai hình sự vật ngẫu nhiên dựa trên ba loại đặc điểm: Hình dạng, kích thước và màu sắc. Các sự vật được sắp xếp ngẫu nhiên vào các hạng mục loại I đến hạng mục loại VI, với các quy tắc phân loại riêng biệt. Cụ thể hơn, trong khi hạng mục I và II yêu cầu một hoặc hai đặc điểm để phân biệt, các hạng mục III, IV, V và VI khó có thể phân biệt dựa trên các yếu tố đơn lẻ hoặc sự kết hợp của hai đặc điểm khác nhau (Xem Hình 1). Các nhà nghiên cứu nhận thấy rằng những người tham gia mắc ít lỗi nhất khi phân loại các hạng mục loại I và II so với các phân loại còn lại. Do đó, người tham gia có thể dễ dàng phân loại các sự vật với một vài đặc điểm dễ xác định, nhưng họ không thể phân loại chính xác các sự vật khi có nhiều đặc điểm cần phải xem xét.

Hình 1: Sáu hạng mục khác nhau của một bộ sự vật

Một nghiên cứu khác tập trung vào sự chú ý có chọn lọc của con người để hiểu cách họ phân loại các sự vật với các đặc điểm phức tạp hơn [7]. Nghiên cứu của họ áp dụng thiết bị theo dõi mắt cho những người tham gia trong quá trình phân loại các sự vật với các biểu tượng như $ và ¢ ,? và ! và x và o vào các hạng mục loại I, II, IV và VI tương ứng. Kết quả nghiên cứu chỉ ra rằng trong hạng mục loại I và II, người tham gia có xu hướng tập trung vào các biểu tượng giúp họ nhận biết sự vật thuộc về hạng mục nào. Bên cạnh đó, khi các sự vật không có một hoặc hai biểu tượng giúp người tham gia nhận biết chúng thuộc hạng mục loại IV hoặc VI, họ thường tập trung vào nhiều biểu tượng hơn. Do đó, những người tham gia phân biệt các sự vật dựa trên các yếu tố nổi bật giúp họ xác định được hạng mục. Tuy nhiên, khi các yếu tố đó không xuất hiện, họ dường như thành lập các quy tắc phân biệt bằng cách chú ý đến tất cả các biểu tượng.


Trong khi hai nghiên cứu đề cập ở trên đề xuất một mô hình phân loại cụ thể bằng cách áp dụng các yếu tố đơn giản, những mô hình này có thể không áp dụng được khi các yếu tố thiếu sự rõ ràng. Các nhà nghiên cứu cho những người tham gia nhìn hình minh họa các tế bào amip, những vi sinh vật không có cấu trúc hoặc hình dạng riêng biệt, và họ tìm ra rằng không có mô hình rõ ràng trong phân loại của chúng [8]. Họ quan sát rằng mặc dù người tham gia có tập trung vào các tính năng không xác định hạng mục và có thể dẫn đến các quyết định sai lầm trong việc phân loại, gần như mọi người đều hoàn thành xuất sắc yêu cầu của họ. Tuy nhiên, một nghiên cứu khác cho rằng con người gặp trở ngại khi ghi nhớ hạng mục II nếu hình dạng là yếu tố xác định hạng mục bởi vì nó không nổi bật bằng kích thước và màu sắc [9]. Do đó, ta cần phải làm rõ hơn trong cách người ta phân loại các kích thích với các đặc điểm không rõ ràng.   

Hình 2: Tế bào Amip

Bằng cách chú ý đến các đặc điểm của sự vật, con người có thể tích cực lưu giữ thông tin về các đặc điểm đó để phân loại hiệu quả hơn trong quá trình thử nghiệm. Một nghiên cứu đã phát hiện ra rằng mức độ chính xác trong việc phân loại hạng mục thứ II gần như tương tự với loại IV khi người tham gia không được khuyến khích thu thập thông tin về các sự vật [10]. Bên cạnh đó, một nghiên cứu khác đã đề xuất rằng quá trình này cho phép các cá nhân cập nhật thông tin của họ về hạng mục để giúp họ nắm bắt nhanh hơn điểm khác biệt giữa các yếu tố trước khi họ tập trung vào các yếu tố quan trọng [11]. Khi người tham gia tìm hiểu thêm thông tin về việc phân loại các sự vật có tính tương đồng, họ có thể điều chỉnh nguồn thông tin của mình tốt hơn để xác định sự khác biệt giữa chúng [11]. Các nghiên cứu trong tương lai có thể điều tra việc các con người tích lũy thông tin trong việc phân biệt hạng mục của các sự vật với các đặc điểm đơn giản và phức tạp.  

Quả thật, con người có thể trau dồi kiến ​​thức trong việc phân loại các sự vật trong phần thực hành, điều này có thể ảnh hưởng đến việc họ tập trung vào một số đặc điểm nhất định và tác động đến mức độ chính xác trong quá trình phân loại. Ví dụ, thông qua ứng dụng theo dõi mắt, một nghiên cứu cho thấy rằng sau khi những người tham gia nghiên cứu kỹ lưỡng các sự vật trong khóa đào tạo phân loại, họ chú ý thường xuyên hơn đến các đặc điểm liên quan đến kiến ​​thức của họ về các sự vật [12]. Cụ thể, những người tham gia có nhiều khả năng chú ý đến bộ phận ăng-ten để phân loại hai loài côn trùng khác nhau nếu họ biết rằng chúng sử dụng ăng-ten cho các mục đích khác nhau vào mùa nóng hoặc mùa lạnh [12]. Các nghiên cứu trong tương lai cần phải tìm hiểu được làm thế nào mà kiến ​​thức được học về các sự vật với đặc điểm mơ hồ tác động như thế nào đến việc con người phân loại.

Để kết luận, bất chấp tính chất mơ hồ của sự vật, các cá nhân có thể dễ dàng phân loại sự vật đó nếu có một đặc điểm chỉ ra hạng mục của nó. Tuy nhiên, khi sự vật đó có một vài đặc điểm không rõ ràng, con người có thể gặp khó khăn trong việc phân loại chúng. Chúng ta có thể đang áp dụng các cơ chế phức tạp trong quá trình phân loại cho các sự vật có bản chất mập mờ, cụ thể như việc xây dựng kiến ​​thức về sự vật bên cạnh việc chú ý đến các tính năng của chúng. Những thách thức trong việc con người phân loại các sự vật không rõ ràng giúp mở rộng vốn hiểu biết của chúng ta về tính phức tạp trong quá trình phân loại được áp dụng trong cuộc sống hàng ngày.


Biên tập: Thoa Đinh | Thiết kế: Rinnie

References:

Nguồn tham khảo 

[1] Solomon KO, Medin DL, Lynch E. Concepts do more than categorize. Trends in cognitive sciences. 1999 Mar 1;3(3):99-105.

[2] Shafto P, Kemp C, Mansinghka V, Tenenbaum JB. A probabilistic model of cross-categorization. Cognition. 2011 Jul 1;120(1):1-25.

[3] Sloutsky VM. Selective attention, diffused attention, and the development of categorization. Cognitive Psychology. 2016 Dec 1;91:24-62.

[4] Matsuka T, Corter JE. Observed attention allocation processes in category learning. Quarterly Journal of Experimental Psychology. 2008 Jul;61(7):1067-97.

[5] Welham AK, Wills AJ. Unitization, similarity, and overt attention in categorization and exposure. Memory & Cognition. 2011 Nov;39(8):1518-33.

[6] Shepard RN, Hovland CI, Jenkins HM. Learning and memorization of classifications. Psychological monographs: General and applied. 1961;75(13):1.

[7] Rehder B, Hoffman AB. Eye Tracking and selective attention in category learning. Cognitive psychology. 2005 Aug 1;51(1):1-41.

[8] Blair MR, Watson MR, Walshe RC, Maj F. Extremely selective attention: eye-tracking studies of the dynamic allocation of attention to stimulus features in categorization. Journal of Experimental Psychology: Learning, Memory, and Cognition. 2009 Sep;35(5):1196.

[9] Mathy F, Bradmetz J. An extended study of the nonindependence of stimulus properties in human classification learning. Quarterly Journal of Experimental Psychology. 2011 Jan;64(1):41-64.

[10] Kurtz KJ, Levering KR, Stanton RD, Romero J, Morris SN. Human learning of elemental category structures: revising the classic result of Shepard, Hovland, and Jenkins (1961). Journal of Experimental Psychology: Learning, Memory, and Cognition. 2013 Mar;39(2):552.

[11] Carvalho PF, Goldstone RL. Putting category learning in order: Category structure and temporal arrangement affect the benefit of interleaved over blocked study. Memory & cognition. 2014 Apr;42(3):481-95.

[12] Kim S, Rehder B. How prior knowledge affects selective attention during category learning: An eye tracking study. Memory & cognition. 2011 May;39(4):649-65.




Nam Nguyễn

Học sinh năm nhất chuyên nghành tâm lý và xã hội học tại trường đại học Melbourne, Úc.

Previous
Previous

Giấc Ngủ và Sức Khỏe Tâm Thần (phần 2): Rối Loạn Mất Ngủ

Next
Next

"Nên" Và "Không Nên" Trong Mối Quan Hệ Với Người Có Rối Loạn Tâm Lý