Tham Vấn Tâm Lý: Một Sự Thay Thế Tốt Cho Tiến Sĩ Lâm Sàng?

IMG_3007.PNG

Tôi có thể làm dấy nên một làn sóng phản đối từ phía những người trong ngành tâm lý với tựa đề bài viết này, và điều đó cũng dễ hiểu thôi. Ứng viên tiến sĩ thường phải cạnh tranh với hàng ngàn ứng viên khác để được nhận vào một chương trình chỉ nhận một vài người mỗi năm. Sau đó, họ sẽ bắt đầu một chương trình huấn luyện khắc nghiệt về cả nghiên cứu lẫn các kỹ năng lâm sàng. Họ học tập dưới những nhà tâm lý học nổi tiếng nhất trong nước và có cơ hội tham gia vào những nghiên cứu có thể thay đổi cả sự nghiệp. Họ có thể gọi mình là những nhà khoa học. Làm sao tôi dám so sánh thạc sĩ Tham Vấn Tâm Lý (Master in Counselling) với Tiến Sĩ Tâm Lý Học (PhD in Psychology)?

Hãy tin tôi, có vài lúc tôi ước mình đã chọn con đường đó khi mới bắt đầu, chỉ vì sự danh giá gắn liền với tấm bằng ấy. Tuy nhiên, tôi muốn cung cấp một vài điểm đáng suy xét cho những ai đang suy nghĩ về việc bước chân vào lĩnh vực sức khỏe tâm lý. Trước khi bắt đầu, tôi muốn nhấn mạnh rằng tôi sử dụng tiến sĩ Tâm Lý Học chỉ để nói về tiến sĩ Tâm Lý Học Lâm Sàng. 

1. Tham vấn tâm lý là gì?

Dựa theo Hiệp Hội Tham Vấn Hoa Kỳ (ACA), định nghĩa được thống nhất của tham vấn là “Tham vấn tâm lý là một mối quan hệ chuyên nghiệp,  với mục đích truyền sức mạnh cho các cá nhân, gia đình và nhóm người để họ đạt được mục tiêu về sức khỏe tâm lý, sức khỏe thể chất, học vấn  và sự nghiệp.” Nói cách khác, về bản chất, tham vấn tâm lý tạo dựng các mối quan hệ đem lại sự thay đổi. Đọc đến đây, các bạn có thể nghĩ “Không phải tham vấn tâm lý là đưa ra lời khuyên để giúp giải quyết vấn đề cá nhân sao?” Thật ra, “đưa lời khuyên” là một phần rất nhỏ trong công việc của các nhà tham vấn. Ai cũng có thể tra Google lời khuyên và ai cũng có thể đưa ra lời khuyên. Tuy nhiên, vấn đề là hầu hết mọi người biết họ cần phải làm gì, nhưng họ không thực hiện. Thông tin tự bản thân nó không thể đem đến thay đổi.

Dựa theo một nghiên cứu bởi Lambert năm 1992 về điều khiến khách hàng thay đổi trong quá trình trị liệu, mối quan hệ của khách hàng - nhà tham vấn chiếm đến 30%, trong khi kỹ thuật chỉ chiếm 15%, và sự kỳ vọng của khách hàng chiếm thêm 15%, 40% còn lại là những yếu tố ngoại trị liệu vượt quá tầm kiểm soát của nhà tham vấn. Có thể thấy, mối quan hệ giữa nhà tham vấn - khách hàng là chất xúc tác chính cho sự thay đổi nằm trong tầm kiểm soát của nhà tham vấn. Chúng ta không thể khiến con người thay đổi và trở nên tốt hơn, nhưng chúng ta có thể chỉ ra hướng đi đến sự thay đổi này bằng cách giúp họ đối diện với nỗi đau thông qua xây dựng một mối quan hệ chân thành với họ. 

Untitled_Artwork.png

2. Các nhà tham vấn làm những gì?

Về cơ bản, các nhà tham vấn được đào tạo để cung cấp trị liệu trò chuyện (talk therapy). Bạn có thể nghĩ trong đầu, “tại sao nói chuyện với ai đó đem lại lợi ích cho tôi?” hay “làm sao tôi có thể giúp ai đó chỉ qua việc nói chuyện với họ?”. Bạn có nhớ phần trước tôi đã đề cập rằng, tham vấn tâm lý là xây dựng các mối quan hệ đem đến sự thay đổi không? Dựa theo nghiên cứu, tất cả các mối quan hệ thay đổi não bộ của bạn, đặc biệt là những mối quan hệ gần gũi. Điều này giải thích tại sao một cuộc chia tay tồi tệ, sự phản bội trong tình yêu hay mối quan hệ không tốt giữa cha mẹ và con cái có thể dẫn đến những tác động lâu dài. Nhưng tin vui là chúng ta có thể giúp não bộ phát triển tốt hơn thông qua những mối quan hệ an toàn, thương yêu, và đồng cảm. Những mối quan hệ như thế chỉ có thể được xây dựng qua sự tương tác chân thành giữa con người (hay nói cách khác, trò chuyện).

Các nhà tham vấn được đào tạo về khoa học và nghệ thuật của trị liệu trò chuyện nhằm tạo điều kiện cho sự thay đổi về não bộ của khách hàng. Ngoài trị liệu trò chuyện, các nhà tham vấn có thể ứng dụng trị liệu biểu đạt (expressive therapy), sử dụng các hình thức biểu hiện sáng tạo như nghệ thuật, âm nhạc, và nhảy để giúp khách hàng khám phá và xử lý cảm xúc cũng như suy nghĩ. Lý do là ở một số người, đặc biệt là những người bị sang chấn tâm lý, cảm thấy rất khó để nói lên kinh nghiệm của họ. Liệu pháp biểu cảm này giúp họ bày tỏ bản thân qua các phương tiện sáng tạo.

3.png

3. Tại sao lại có sự phân biệt giữa Tham Vấn Tâm Lý và Tâm Lý Học? Và sự khác nhau giữa hai bên là gì?

Tâm Lý Học được ra đời vào những năm cuối thập niên 1800, trong khi Tham Vấn Tâm Lý chỉ mới bắt đầu hình thành như một ngành sức khỏe tâm lý vào những năm 1960. Ở Mỹ, tham vấn đã xuất hiện từ đầu thập niên 1900, nhưng ban đầu lại liên quan nhiều hơn về tham vấn nghề nghiệp cho binh lính quay trở về từ hai Thế Chiến. Khi nhu cầu của cộng đồng phát triển và thay đổi qua thời gian, lĩnh vực Tham Vấn Tâm Lý phát triển thành một chuyên môn sức khỏe tâm lý với nhiều lĩnh vực như ta có hiện nay. Vậy, sự khác biệt giữa hai lĩnh vực này là gì? Về học thuật thì khá là nhiều đó! Về lâm sàng thì không bao nhiêu! Chúng là hai lĩnh vực với các hệ thống điều hành và chứng chỉ khác nhau. Cho nên, nếu muốn theo học thuật thì việc bạn chọn ngành nào có thể rất quan trọng. Tâm Lý Học là một lĩnh vực có nhiều nguồn tài trợ và được công nhận nhiều hơn so với Tham Vấn Tâm Lý. Tuy nhiên, cả hai đều hướng tới đào tạo các nhà tham vấn lâm sàng có thể ứng dụng các nghiên cứu khoa học trong quá trình hành nghề để cải thiện đời sống con người. 

4. Tại sao tôi lại muốn chọn bằng thạc sĩ Tham Vấn Tâm Lý thay vì bằng tiến sĩ Tâm Lý Học?

Bằng thạc sĩ Tham Vấn Tâm Lý chú trọng vào xây dựng các kỹ năng lâm sàng, trong khi bằng tiến sĩ Tâm Lý Học lại nhấn mạnh về việc nghiên cứu. 

Bạn nên nhớ rằng: Bạn chỉ trưởng thành trong nghề thông qua thu thập kinh nghiệm điều trị thực tế dưới sự giám sát kỹ càng của một chuyên gia. Tôi không nói rằng bằng tiến sĩ Tâm Lý Học  không trang bị kinh nghiệm chữa trị lâm sàng, nhưng nếu bạn không có nhiều hứng thú với nghiên cứu, một chương trình đi thẳng đến vấn đề và cung cấp các kỹ năng lâm sàng, lý thuyết cơ bản, sự giám sát tốt và đủ kiến thức nghiên cứu để sử dụng các nghiên cứu khoa học một cách có trách nhiệm là sự lựa chọn tốt. Bạn có thể lo lắng rằng một chương trình chỉ từ hai đến ba năm không đủ để chuẩn bị bạn đối diện với thực tế. Sự thật là: mục đích của chương trình đào tạo không phải là biến bạn thành “ngôi sao” tham vấn ngay từ đầu. Tin tôi đi, mọi sinh viên vừa tốt nghiệp đều cảm thấy như một kẻ mạo danh. Và thông thường sẽ cần một vài năm thực hiện công việc lâm sàng để một nhà tham vấn hình thành được định hướng của họ. Một chương trình tốt  sẽ tạo cho bạn một bệ phóng vững chắc để một nhà tham vấn có thể tiếp tục phát triển và hoàn thiện kỹ năng và định hướng thông qua sự giám sát tốt.

4.png

5. Chương trình đào tạo thạc sĩ tham vấn bao gồm những gì?

Bạn sẽ được trang bị với kiến thức về các lý thuyết tham vấn, kỹ thuật tham vấn, vấn đề đa văn hóa, sự phát triển của con người, các hành vi bất thường của con người, tham vấn nhóm, hệ thống gia đình, nghiện, để kể một vài đề tài. Tùy thuộc vào trường, bạn cũng có thể đăng ký những khóa học tự chọn dựa trên sự hứng thú cá nhân (ví dụ: chấn thương, trị liệu qua liệu pháp chơi, tham vấn tâm lý cặp đôi, v.v,..). Khi hoàn thành các môn học cơ bản, bạn có thể đăng ký cho các khóa thực tiễn (hay thực tập) mà bạn sẽ luyện tập khoác lên mình chức vụ của một nhà tham vấn và cung cấp dịch vụ cho cộng đồng dưới sự giám sát của chuyên gia.

Nhà tham vấn thực tập bắt buộc phải chiếu video về những buổi tham vấn của họ và thuyết trình về từng trường hợp. Bạn sẽ không chỉ học phương pháp điều trị lâm sàng, bạn còn học thói quen cởi mở và minh bạch về công việc của mình với giáo sư hướng dẫn và đồng nghiệp. Một vài trường thậm chí còn yêu cầu sinh viên đến gặp nhà tham vấn cá nhân của họ ít nhất 20 buổi, và tôi nghĩ đây là một ý tưởng hay. Chăm sóc bản thân là một phần quan trọng của ngành này, một nhà tham vấn mà xem thường việc chăm sóc bản thân sẽ đem lại hệ lụy lâu dài. Khi bạn tốt nghiệp, bạn sẽ cần phải tích góp đủ kinh nghiệm lâm sàng dưới sự giám sát trước khi được cấp giấy phép hành nghề (Điều kiện ở Texas là 3000 giờ).

6. Bạn cần gì khi nộp đơn vào chương trình thạc sĩ Tham Vấn Tâm Lý ở Mỹ?

Mỗi trường sẽ có những điều kiện khác nhau cho việc tuyển sinh, nhưng đây là một số điều mà bạn luôn cần phải có:

  1. Bằng cử nhân: một nền tảng về Tâm Lý Học thường được ưu tiên nhưng điều này không bắt buộc. Bạn sẽ cần phải bắt kịp một số thứ nhưng nếu bạn thật sự muốn, điều đó không phải là vấn đề. Tôi tốt nghiệp Đại Học Khoa học Xã hội và Nhân văn ngành Quan hệ Quốc tế trước khi nộp đơn vào một chương trình thạc sĩ về Tham Vấn Tâm Lý ở Texas. 

  2. Điểm TOEFL/IELTS. 

  3. Thư giới thiệu.

  4. Điểm GRE: GRE là một bài kiểm tra mà phần lớn mọi người (không chỉ sinh viên quốc tế) cần phải hoàn thành để học cao học ở Mỹ. Một số trường không đòi hỏi điểm GRE như trường tôi đang theo học. Theo kinh nghiệm của tôi, việc trường có yêu cầu điểm GRE hay không không quyết định chất lượng giáo dục.

Và điều cuối cùng cần thiết để các bạn bước vào chương trình Thạc sĩ Tham Vấn Tâm Lý là ham muốn học hỏi và trưởng thành. Khác với nhiều nghề, tham vấn không chỉ là học làm nghề, mà nó còn là học làm người. Đây là hành trình đầy gian lao, không chỉ về mặt học thuật và thực tập, mà còn là hành trình tìm hiểu bản thân. Để có thể ngồi xuống và chia sẻ nỗi đau của nhiều người từ ngày này sang ngày khác, nhà tham vấn tâm lý cần có cam kết không ngừng lượng giá và giải quyết vấn đề của riêng mình. Ta không cần phải hoàn hảo để giúp người bởi vì không ai hoàn hảo cả, nhưng trong quá trình lớn lên ta thấy rằng “chuyên gia tâm lý” và “người bệnh” không khác nhau lắm. Cả hai đều đang cùng bước đi trên hành trình học làm người. 

Dịch: Nhi Hồ

Biên tập: Phương Thuỷ & Hương Lê

Minh hoạ: Froggy

Huy Lâm

Huy Lâm sẽ hoàn thành chương trình thạc sĩ Tham Vấn Tâm Lý vào tháng 12 năm 2020 tại Dallas Theological Seminary ở Texas. Vào thời điểm viết bài, anh đang nộp đơn vào chương trình tiến sĩ Tham Vấn Tâm Lý để trở thành một nhà giáo dục và nhà giám sát trong lĩnh vực tham vấn (đang chắp tay cầu nguyện!). Lĩnh vực nghề nghiệp anh ấy quan tâm bao gồm: tính dục con người, tham vấn hôn nhân, liệu pháp tâm lý hiện sinh và sự liên hợp giữa thần học và tâm lý học. Kinh nghiệm thực tập của anh chú trọng vào tham vấn cho nhóm người vô gia cư. Anh đang hợp tác cùng tiến sĩ Hoa Võ, một nhà tâm lý học lâm sàng tại UT Southwestern Medical Center để cung cấp các video giáo dục về sức khỏe tâm lý cho cộng đồng Việt Nam. Hãy tìm hiểu thêm về họ tại PsyWicV nhé!

https://www.facebook.com/PsyWicV/
Previous
Previous

Một Chút Về Tôi: Cách Tôi ‘Sắp Xếp Lại’ Cuộc Sống

Next
Next

Review Jimmy P. : Psychotherapy of a Plains Indian - 2013