Kỹ Thuật Viên Tâm Lý: Vai Trò Của Tôi Là Gì? (phần 1)

Hero Image.png

Kỹ thuật viên tâm lý là chức vụ khởi điểm của nhân viên tâm lý chuyên làm nhiệm vụ chăm sóc thân chủ tại những cơ sở về sức khỏe tâm lý. Chúng tôi làm việc với đội ngũ bác sĩ phụ trách của thân chủ bao gồm chuyên gia dinh dưỡng, bác sĩ tâm thần, y tá, và nhân viên công tác xã hội. Thông qua một chương trình của trường, tôi đã có cơ hội làm việc với tư cách là kỹ thuật viên tâm lý trong sáu tháng và tôi muốn chia sẻ kinh nghiệm về công việc này. Xin lưu ý rằng mỗi trung tâm tâm lý sẽ có cơ sở hạ tầng và cách hoạt động khác nhau, vì vậy những chia sẻ của tôi có thể không áp dụng hết cho tất cả các kỹ thuật viên tâm lý.

Các Phân Khoa

Cơ sở mà tôi làm việc là một cơ sở sức khỏe hành vi với mục tiêu nhằm ổn định trạng thái sức khỏe những người sử dụng dịch vụ cho nên những người vẫn còn triệu chứng sẽ vẫn được ra về khi bác sĩ cảm thấy trạng thái tâm lý của họ đã ổn định. Đa số họ ra về sau vài ngày hay vài tuần, một vài người, do bác sĩ thấy trạng thái tâm lý của họ chưa được ổn định hoặc do họ cảm thấy họ chưa sẵn sàng, có thể ở lại vài tháng. Cơ sở tôi làm có nhiều phân khoa chia theo giới tính (bao gồm cả giới tính thứ ba), trẻ vị thành niên, những người có hai chẩn đoán (rối loạn tâm lý và lạm dụng chất) và cấp tính. Mỗi ca làm ở mỗi phân khoa sẽ có khoảng hai y tá và hai đến năm kỹ thuật viên tâm lý. Chuyên gia dinh dưỡng, bác sĩ tâm thần, và nhân viên công tác xã hội sẽ đến các lầu để nói chuyện với họ khi cần thiết.

Số lượng kỹ thuật viên tâm lý và y tá làm việc mỗi ca tuỳ thuộc vào số lượng người tại từng khu vì mỗi khu sẽ có từ 16-24 người. Họ có thể ở phòng đơn, phòng đôi, hoặc phòng bốn người với một phòng tắm. Dù cho bố cục chính xác có thể khác nhau, mỗi phân khoa đều sẽ có một tủ đựng khăn và mền, tủ đựng đồ dơ, phòng giặt đồ, phòng chứa đồ (cho vật dụng vệ sinh cá nhân của từng người hoặc những vật dụng người nhà và bạn bè mang vào cho họ), phòng im lặng (cho những người dễ bị kích động hoặc cần một chỗ yên lặng để ngủ), hai phòng sinh hoạt chung (nơi họ có thể xem TV, ăn uống, sinh hoạt chung với nhau), và phòng giác quan (một căn phòng nhỏ, tĩnh lặng với loa chơi nhạc trên radio). Ngoài ra cũng có những phòng chỉ có nhân viên mới có thể vào như là phòng y tế đựng vật dụng y tế, bàn trực y tá (nơi phát thuốc), bàn lễ tân (có máy tính và bệnh án và các giấy tờ quan trọng khác cũng như các vật dụng hằng ngày mà họ có thể yêu cầu), văn phòng của bác sĩ hoặc phòng của đội ngũ bác sĩ (phòng họp nhân viên và để trao đổi hồ sơ thay ca), và phòng phỏng vấn (cho khách viếng thăm hoặc là nơi gặp gỡ với nhân viên trong đội ngũ bác sĩ phụ trách của họ). Ngoài ra còn có phòng trị liệu sốc điện và nhà ăn. Tuy nhiên, hiện tại mọi người hiện không ăn tại nhà ăn một phần do dịch COVID-19 và một phần vì không phải tất cả  đều dậy cùng lúc để có thể ăn cùng nhau

Lịch Trình

1.2.png

Lịch trình của mỗi ngày và mỗi phân khoa đều khác nhau. Tuy nhiên, lịch trình cơ bản là mọi người sẽ dậy vào khoảng 8 đến 10 giờ để ăn sáng, nhận thuốc từ y tá, và được đo các chỉ số sinh tồn bao gồm thân nhiệt, nồng độ oxi, huyết áp, nhịp tim, và nhịp thở. Sau đó, họ sẽ tham gia trị liệu nhóm (làm thủ công, viết nhật ký, thiết lập các tiêu chí cho bản thân, làm các bài tập để xây dựng lòng tự trọng, kiểm soát sự nóng giận, nỗi sầu khổ...), họp cộng đồng hằng ngày, ăn trưa, hoặc xem TV. Vào khoảng 5 đến 7 giờ chiều, họ có thể gặp khách viếng thăm, ăn tối, hóng gió mát ở ngoài sân (chơi bóng, đi dạo, phơi nắng, hay nghỉ ngơi). Sau đó, họ sẽ được đo chỉ số sinh tồn một lần nữa vào buổi tối, nhận thuốc, và đi ngủ vào khoảng 10 đến 11 giờ đêm. Tuy nhiên, họ không nhất thiết phải tuân theo lịch trình mà có thể làm gì mà họ muốn phần lớn thời gian, miễn sao họ tuân thủ theo các quy định của phân khoa. Một vài hoạt động họ có thể làm như là chơi xếp hình, đọc sách, tô màu, đi bộ, giao lưu với những người khác khác hoặc nhân viên, ở riêng trong phòng giác quan, chơi bài hoặc board game, gọi điện cho gia đình và bạn bè bằng điện thoại công cộng, xem TV, hoặc ngủ.

Nhiệm Vụ Của Tôi

Công việc của một kỹ thuật viên tâm lý là hỗ trợ những người sử dụng dịch vụ tại cơ sở trong các hoạt động hằng ngày và bảo đảm an toàn cho họ. Trách nhiệm của chúng tôi thường trùng với trách nhiệm của y tá, nhưng chúng tôi tương tác với mọi người nhiều hơn và không được phép phát thuốc cho họ. Bởi vì một số người có thể gây tổn hại cho bản thân họ hoặc người khác, một số đồ vật như là bút, dao lam hoặc kềm cắt móng tay chỉ được đưa cho thân chủ sử dụng khi cần thiết và dưới sự giám sát của nhân viên.

Một phần công việc của tôi là kiểm tra tình hình, phòng ngủ, và phòng tắm của họ mỗi 15 phút. Công việc này có vẻ hơi dư thừa nhưng việc đi kiểm tra như vậy giúp chúng tôi biết rõ họ đang ở đâu và họ đang an toàn. Nếu họ ngủ, chúng tôi sẽ kiểm tra rằng họ thở ít nhất ba nhịp. Nếu họ đang dùng nhà vệ sinh, chúng tôi sẽ yêu cầu họ tự xác định danh tính và cho chúng tôi biết rằng họ ổn hay không. Một số người với nguy cơ tự hại và nguy cơ làm tổn thương người khác cao sẽ luôn được túc trực giám sát bởi một nhân viên 24/7.

Trò chuyện với họ là một phần thiết yếu trong công việc của tôi. Tôi cố gắng giúp họ cảm thấy xoa dịu qua việc đưa cho họ các vật dụng để giải stress như là kẹo, bóng stress, sách, vv, hoặc chơi bài hoặc board game với họ. Tôi nhận ra rằng việc nói chuyện và tương tác với họ giúp tôi thiết lập mối quan hệ và có thể quan sát sự cải thiện của họ về mặt tinh thần và thể chất. Đôi khi tôi có thể thấy sự cải thiện của họ qua việc trị liệu, nhưng đồng thời, tôi cũng có thể thấy họ không hề cải thiện gì cả. Những khi đó, tôi sẽ báo cáo lại với y tá để họ có thể đánh giá lại liệu trình trị liệu với bác sĩ.

Những lúc tôi có thời gian rảnh trong ca trực, tôi thường ngồi quan sát những người tôi phụ trách. Việc này giúp tôi ghi nhận những thay đổi trong hành vi của họ so với bình thường vì đó thường là dấu hiệu rằng có gì đó không ổn và tôi cần báo cho y tá ngay lập tức. Luôn luôn để ý đến họ giúp tôi có thể can thiệp tình huống căng thẳng kịp thời dựa trên lòng tin mà tôi thiết lập với họ.

Phần Kết Luận

Tôi mong rằng phần giới thiệu mở đầu này đã giúp bạn hình dung rõ hơn một trung tâm sức khỏe hành vi hoạt động như thế nào và người sử dụng dịch vụ này thường làm gì tại đây. Trong phần hai, tôi sẽ nói nhiều hơn về những điều tôi học được và những khó khăn tôi gặp phải khi làm việc với vai trò của một kỹ thuật viên tâm lý.

Dịch: Giang Monika Tran

Biên tập: Giang Monika Tran & Thoa Đinh

Thiết kế: Froggy

Tiên Trần

InPsychOut writer

Previous
Previous

Kỹ Thuật Viên Tâm Lý: Rút Ra Những Kinh Nghiệm Gì? (phần 2)

Next
Next

Review Sách: Men Explain Things to Me - Rebecca Solnit