Giám Định Tâm Lý Ứng Dụng Đã Thay Đổi Thế Giới Như Thế Nào?

Ý tưởng cho rằng giám định tâm lý phù hợp cho mục đích ứng dụng hơn là chỉ nghiên cứu đơn thuần được đề ra bởi nhà tâm lý học người Mỹ James McKeen Cattell trong nghiên cứu “Các thí nghiệm và đo lường tâm thần” của mình [1]. Trong bài nghiên cứu, ông viết “Các cá nhân, … có thể thấy những thí nghiệm này thú vị và thậm chí là hữu ích trong việc đào tạo, các trạng thái của cuộc sống và dấu hiệu bệnh tật” [2]. Một bài giám định tâm lý có ba phần đặc trưng giúp phân biệt nó với các hình thức thí nghiệm khác [3]. Đầu tiên, những giả thuyết đặt ra trong thí nghiệm đó phải được dựa trên một số lượng người tham gia đủ lớn và mang tính đại diện cao, giúp những dự đoán này mang tính khái quát cao [4]. Tiếp theo, thí nghiệm phải được thực hiện theo một quy trình đồng bộ đối với tất cả những người tham gia [5]. Cuối cùng, nó phải có tính chuẩn xác (đánh giá đúng những thứ cần đánh giá), độ ổn định (cho ra kết quả như nhau nếu không có người tham gia hoặc biến nào thay đổi) và theo một số quy chuẩn nhất định (dựa trên cùng những nguồn tham khảo tiêu chuẩn để người đọc hiểu được điểm đạt được trên bài đánh giá có ý nghĩa gì) [6]. Tuy thường gây tranh cãi, ý tưởng này đã nhanh chóng được thực hiện trên diện rộng, bởi cả những người trong và ngoài ngành tâm lý học. Nửa đầu thế kỉ 20, giám định tâm lý đã đóng vai trò quan trọng trong ba lĩnh vực: quân sự, giáo dục công nghiệp. Cách những tổ chức này đối xử với một người bất kỳ trong giai đoạn này thường ít nhiều bị ảnh hưởng bởi các kết quả giám định tâm lý nói trên.

Các tổ chức giáo dục sử dụng các bài đánh giá tâm lý để quyết định cách hành xử với các nhóm sinh viên khác nhau. Những bài đánh giá tâm lý bắt đầu được dùng trong giáo dục vào năm 1904 khi Comité de l'Instruction Publique (tạm dịch: Ủy ban Giáo dục Cộng đồng) tại Pháp yêu cầu nhà tâm lý học Binet phục vụ trong một ủy ban chuyên xử lý các em “chậm tiếp thu” [7]. Ủy ban này quyết định rằng, “bất cứ một đứa trẻ nào thuộc diện nghi ngờ thiểu năng trí tuệ cũng đều phải trải qua các bài giám định giáo dục và y tế trước khi bị loại bỏ khỏi hệ thống giáo dục chung và đưa vào giáo dục đặc biệt” [8]. Điều này đã giúp Binet phát triển nên tài liệu được cho là bài giám định trí tuệ tâm lý đầu tiên. Bài giám định này giúp đo tuổi trí tuệ của các em. Từ đó, có thể xác định trong số những em đạt kết quả kém thì em nào là “chậm tiếp thu”, em nào lười, và từ đó đưa ra cách xử lý phù hợp [9].

Alfred Binet

Alfred Binet

Bài giám định của Binet và các bài được phát triển sau đó, phần lớn dựa trên bài này, được sử dụng rộng rãi để đưa ra các chẩn đoán tâm lý cho các học sinh gặp khó khăn trong việc tiếp thu, và xác định loại hình giáo dục đặc biệt hoặc các chương trình hỗ trợ tâm lý nên được áp dụng nếu cần [10]. Trong giai đoạn này, giáo án cho mỗi học sinh đa phần được thay đổi thường xuyên dựa theo kết quả giám định tâm lý của học sinh đó. Những bài đánh giá tâm lý cũng có ảnh hưởng lớn đối với giáo viên và việc giảng dạy, vì chúng cho phép việc so sánh thành tích học tập giữa các học sinh được diễn ra một cách hệ thống hơn, và từ đó giúp giáo viên tự đánh giá phương pháp dạy của mình [11]. Điều này cơ bản đã thay đổi cách đánh giá sự hiệu quả của các phương pháp dạy học cũng như các quy tắc hành chính được xem là tối ưu nhất trong giáo dục. Mặc dù vậy, giám định tâm lý ở giai đoạn này còn mất rất lâu mới được chấp nhận và sử dụng toàn cầu trong giáo dục. Vào những năm 1920, giám định tâm lý được ứng dụng rộng rãi trong các trường ở Liên bang Xô Viết, nhưng đến năm 1936 Đảng Cộng Sản cấm việc thí nghiệm tâm thần [12]. Giám định tâm lý trong giáo dục cũng chưa được chấp nhận hoàn toàn ở phương Tây và việc ứng dụng nó trong các trường công lập bị chỉ trích đặc biệt mạnh mẽ [13]. Tuy bản chất của giám định tâm lý còn gây nhiều tranh cãi song nó đã thay đổi hoàn toàn môi trường giáo dục bằng cách cho phép đánh giá cả lực học của học sinh và phương pháp dạy của giáo viên một cách hệ thống hơn, từ đó đưa ra những giải pháp kịp thời.

Những ý tưởng về giảm định tâm lý vốn được phát triển để phục vụ giáo dục đã nhanh chóng được áp dụng vào môi trường quân đội. Báo cáo lớn đầu tiên về ứng dụng tâm lý cho mục đích quân sự được viết vào năm 1921 và bao gồm một đoạn chi tiết về việc “thang đo tâm lý nên cho phép các nhà giám định tâm lý xác định những tân binh có thần kinh yếu” và đưa ra những gợi ý nên làm gì với họ [14]. Bài báo cáo tiếp tục giải thích các cách để giám định tâm lý có thể được áp dụng rộng rãi hơn trong quân đội, ví dụ như tùy theo năng lực mà có thể phân công các tân binh vào các đơn vị đặc biệt [15].

Trong chiến tranh thế giới thứ nhất, các bài đánh giá trí tuệ tương tự như những tài liệu được phát triển bởi Binet đã được áp dụng cho 2 triệu tân binh Mỹ [16]. Một loạt các bài giám định tâm lý khác cũng được quân đội Mỹ cũng như quân đội các nước khác phát triển trong suốt các cuộc chiến tranh thế giới [17]. Rất nhiều người đầu quân được đánh giá là không phù hợp cho việc đi lính bởi những vấn đề tâm lý hay cảm xúc của họ [18].

unknown.jpeg

Bên cạnh hỗ trợ đánh giá ai phù hợp với việc đi lính, giám định tâm lý cũng quyết định việc phân loại những người người này là marginal (tạm dịch: lính cận biên; nghĩa là họ phù hợp với một số nhiệm vụ quân sự nhưng không phù hợp với một số khác) dựa vào các khiếm khuyết tâm lý, từ đó được xếp vào những đơn vị đặc biệt và được đào tạo đặc biệt [19]. Vị trí một tân binh được giao trong quân đội, đặc biệt là khi tân binh đó có khiếm khuyết hoặc khuyết tật tâm lý, thường cũng phụ thuộc vào những bài đánh giá này.

Giám định tâm lý không chỉ thay đổi cách những người có khuyết tật tâm thần hay tâm lý bất ổn được đối xử trong quân đội mà còn ảnh hưởng đến quá trình thăng tiến quân binh. Quân đội Mỹ sử dụng những bài trắc nghiệm tâm lý để xác định những người đàn ông có trí thông minh vượt trội phù hợp với vai trò chỉ huy hay thực hiện những nhiệm vụ đặc biệt [20]. Những bài đánh giá này được sử dụng khi cần thiết bởi Đức và Mỹ trong việc chọn sĩ quan trong chiến tranh thế giới thứ 2. Nước Anh bị tụt lại phía sau trong vấn đề này, thay vào đó, họ lựa chọn các sĩ quan từ các trường tư thục (đắt tiền và khó vào) [21]. Một khi số tân binh được tuyển từ các trường công lập không còn đáp ứng đủ số sĩ quan cần thiết cho quân đội, nước Anh mới chuyển sang áp dụng giám định tâm lý. Sự thay đổi này đạt được hiệu quả cao, dẫn đến những biến chuyển cơ bản trong việc ai mới được làm sĩ quan trong quân đội Anh và phần lớn những sĩ quan được lựa chọn bằng phương pháp này thể hiện rất tốt trên mặt trận [22]. Trong cả khoa học và lịch sử, rất khó để có thể chứng minh hiệu quả của một chiến lược bất kỳ. Điều dễ chứng minh hơn là những bài giám định tâm lý này về cơ bản đã thay đổi sự nghiệp quân sự của những người đã trải qua chúng.

Những đổi mới trong việc giám định tâm lý bắt nguồn từ nhu cầu quân sự đã dẫn đến sự phát triển của các bài đánh giá tương tự cho mục đích công nghiệp [23]. Trong suốt nửa đầu thế kỷ 20, giám định tâm lý ngày một trở nên phổ biến hơn trong việc hỗ trợ tuyển dụng cho các công ty cũng như giúp người lao động chọn được ngành nghề phù hợp. Vào cuối giai đoạn này, những bài đánh giá tâm lý được sử dụng để quyết định ai có thể được đào tạo để điều khiển máy móc, ai có thể trở thành một thư ký tốt, và ai có thể trở thành một người bán bảo hiểm thành công [24]. Các doanh nghiệp cũng dùng những bài giám định tâm lý này để tìm kiếm những đặc điểm khái quát mà họ cho rằng sẽ có ích ở những ứng viên tiềm năng, như là trí thông minh và một cá tính phù hợp [25]. Đến mức các nhà tâm lý học cũng cho rằng các doanh nghiệp thời bấy giờ quá lạm dụng các bài giám định tâm lý và áp dụng chúng một cách không khoa học [26].

41eyznkxxgl.jpg

Tương tự như trong ngành giáo dục, các bài giám định kiểu này đã bị cấm hoàn toàn trong Liên bang Xô viết và vì vậy không hề có tác động ở đó [27]. Những bài đánh giá năng lực hay kiểm tra tính cách vốn được phát triển cho mục đích quân sự và giáo dục cũng được phổ biến như một cách hướng nghiệp cho dân chúng [28]. Xét về mặt khoa học, dù rất nhiều bài giám định kể trên có tính chuẩn xác đáng tranh cãi, ta vẫn không thể phủ nhận là chúng đã được dùng làm cơ sở cho rất nhiều quyết định nghề nghiệp, và như vậy có nghĩa là dù thế nào thì chúng cũng có tầm ảnh hưởng nhất định.

Một số người có thể tranh luận rằng giám định tâm lý là có vai trò như một phương pháp hoặc một phát kiến khoa học hơn là một ý tưởng. Tuy nhiên, như những sáng kiến khoa học khác, chúng hoàn toàn phụ thuộc vào một ý tưởng để đạt được tầm ảnh hưởng như vậy. Trong trường hợp này, ý tưởng then chốt ấy là giám định tâm lý còn có thể được sử dụng như một công cụ cho cả xã hội chứ không chỉ là một công cụ cho khoa học. Những bài giám định này vẫn có thể tồn tại nếu không dựa trên một ý tưởng, như Cattell đề ra, và chúng vẫn có thể hữu ích cho cộng đồng. Tuy nhiên, nếu bỏ đi ý tưởng này thì sức ảnh hưởng của chúng bên ngoài môi trường học thuật sẽ rất nhỏ. Chỉ trong nửa đầu thế kỷ 20, giám định tâm lý đã giúp quyết định ai được ra trận, ai phù hợp với nghề nghiệp nào, và ai được nhận loại hình giáo dục nào. Nhà tâm lý học William James đã khẳng định vào năm 1892 rằng cái những người ngoài ngành tâm lý muốn từ tâm lý học “là những quy luật thực tế” [29]. Việc những giám định này được xem như chuẩn xác về mặt khoa học đã cho phép những quy luật thực tế này được phát triển ở những phương diện thực sự khẩn thiết. Cần chú ý là những quy luật thực tế này không phải lúc nào cũng đúng về mặt khoa học, nhưng trong khi những nhà tâm lý học học thuật còn bận tranh cãi về điều này, chúng đã được áp dụng và để lại tác động lớn. Những bài giám định tâm lý thực tế này đã mang tâm lý học đến những tổ chức trong công nghiệp, giáo dục, và quân đội vốn có quan hệ mật thiết với cuộc sống con người, và từ đó giúp tâm lý học nói chung có sức ảnh hưởng lớn hơn nhiều trên toàn thế giới.

Biên tập: Hương Lê & Thùy Anh

Dịch: Dung Ngô

Nguồn:

[1] Misiak, Henryk and Sexton, Virginia Staudt, History of Psychology: An Overview (New York,1966) p. 61.

[2] Cattell, James McKeen, “Mental Tests and Measurements.” Mind 15 (1890) p. 373

[3] Blum, Milton L. and Naylor, James C., Industrial Psychology: Its Theoretical and Social
Foundations (Revised ed. New York, 1968) p. 88.

[4] Ibid p. 88.

[5] Ibid p. 88.

[6] Ibid. p. 88-89.

[7] Veness, Thelma, ‘Child Psychology and intelligence tests’ in Peters, R. S. (ed.), Bretts History of Psychology (London, 1953) p. 699.

[8] Binet, Alfred and Theophile, Simon, ‘Upon the Necessity of Establishing a Scientific Diagnosis of Inferior States of Intelligence’, L’Anee Psychologique, 11 (1905), pp. 163-190, trans. Elizabeth S. Kite, (Baltimore, 1916) in Dennis, Wayne (ed.), Readings in the History of Psychology (New York, 1949) p. 407.

[9] Veness, ‘child Psychology and intelligence tests’ in Peters, R. S. (ed.), Bretts History of Psychology p. 699.

[10] Flugel, J. C. , A Hundred Years of Psychology, 1833-1933: With Additional Part on
Developments 1933-1947 (London, 1953) p. 343-444.

[11] Flugel, A Hundred Years of Psychology, 1833-1933: With Additional Part on Developments 1933-1947 p. 350.

[12] Misiak and Sexton, History of Psychology: An Overview p. 272-273.

[13] Blum and Naylor, Industrial Psychology: Its Theoretical and Social Foundations p.98.

[14] Psychological Examining in the United States Army, ed. Dr. Robert M. Yerkes (1921) in Dennis, Wayne (ed.), Readings in the History of Psychology (New York, 1949) p. 531.

[15] Psychological Examining in the United States Army, ed. Dr. Robert M. Yerkes (1921) in Dennis, Wayne (ed.), Readings in the History of Psychology. pp.531-532.

[16] Veness, Thelma, ‘Child Psychology and intelligence tests’ in Peters, R. S. (ed.), Bretts History of Psychology p. 699.

[17] Watson, Peter, War on the Mind (London, 1978) p. 143.

[18] Misiak and Sexton, History of Psychology: An Overview p. 211.

[19] Watson, War on the Mind p. 142-143.

[20] Psychological Examining in the United States Army, ed. Dr. Robert M. Yerkes (1921) in Dennis, Wayne (ed.), Readings in the History of Psychology p. 531.

[21] Watson, War on the Mind p. 153.

[22] Ibid. p. 153-154.

[23] Blum and Naylor, Industrial Psychology: Its Theoretical and Social Foundations p.18.

[24] Ibid. p.103.

[25] Ibid. p. 103.

[26] Ibid. p. 88.        

[27] Misiak, and Sexton, History of Psychology: An Overview (New York, 1966) p. 278.

[28] Ibid p. 61.

[29] James, W., ‘A pleas for psychology as a “natural science”’, The Philosophical Review 1 (1892), pp. 146-153 in Misiak, Henryk and Sexton, Virginia Staudt, History of Psychology: An Overview (New York, 1966).

Abigail Schwartz

Cử nhân Tâm lý học và Lich sử đương đại

ĐH. St Andrews (Scotland, Vương Quốc Anh).

Previous
Previous

Tác Phẩm Nổi Bật Của Tháng 8 | Froggy

Next
Next

Review Sách Neurotribes - Steve Silberman