Có chuyện gì làm mình sợ là mình ám ảnh cả mấy tháng liền, mình hay nghĩ đến chuyện tự tử, máu me các thứ. Càng lúc càng sợ…

Lúc đầu mình là 1 học sinh xuất sắc của trường của tỉnh nhưng vì yếu tố gia đình, họ hàng, mâu thuẫn, cãi vã rồi thêm bạn bè xấu hại suốt mấy năm liền (mình không giải quyết được vấn đề này vì chủ nhiệm rất thương bạn ấy, cô bảo mình một chút thôi nên nhịn đi); mình từng sống trong lo âu, sợ hãi, buồn bã, tức giận, thành tích học tập giảm sút, mình bị học sinh khá, rồi dần mình có những hành động của bệnh OCD lúc nào không hay. Suốt ngày mình lúc nào cũng đếm số, mình sợ cái này nhất, không biết các bạn có cách nào giúp mình không. Lúc đó mình lỡ đọc bài báo nói số đó xui, là mình cực kỳ sợ hãi. Mỗi lần gõ bàn phím mà lỡ thấy con số đó là mình xóa đi gõ lại, đi cầu thang không đủ số bước mình đi lại cho thoát khỏi cái đó, có lần ngã xe cũng vì chuyện này, mở cửa là mở ra mở vào nhiều lần để không trùng lặp với số đó, rửa tay cũng vậy. Quá mệt luôn. Mình thật sự không muốn làm nhưng mình sợ xui, sợ này sợ nọ nên vẫn cứ làm. Mỗi lần viết sai chính tả, gạch 1 lần chưa đủ, mình gạch chục lần cho đậm lên, nhìn lại trang giấy thì rất xấu. Có chuyện gì làm mình sợ là mình ám ảnh cả mấy tháng liền. Mỗi khi có ấm ức là mình hay nghĩ đến chuyện tự tử, máu me các thứ. Càng lúc càng sợ. Bên ngoài mình cứ gượng cười rất khó chịu, mình có thử nói với người nhà nhưng họ nói đừng ảo tưởng. Bệnh mỗi lúc một nặng, mỗi lần suy nghĩ lại nhức đầu, chậm hiểu, trí nhớ giảm sút, người thì mệt mỏi chán nản, hình thành thói quen xấu,... Sau này mới biết bị bệnh, học hành thì ngày càng không ra gì, chả làm được cái gì cả. Mình muốn chữa bệnh này để học tập tốt hơn. Mong mọi người tư vấn và giúp đỡ mình với ạ, mình quá mệt rồi. Ngoài ra, gần đâu mình bị thêm một số biểu hiện mới là sợ những thứ nhọn như dao, kéo, compa rồi việc đi, ra khỏi cửa là mình phải đếm số nữa ạ, mình cố ngăn lại nhưng vẫn chưa được.


Chào bạn,

Cảm ơn bạn đã tin tưởng và đặt câu hỏi cho chúng mình.
Khi đọc câu chuyện của bạn không khó để cảm nhận được sự mệt mỏi và cảm giác gần như tuyệt vọng của bạn khi đối mặt với tình trạng sức khỏe tinh thần khó khăn như vòng luẩn quẩn ở hiện tại: lo lắng sợ hãi và khi làm một điều gì đó để giảm thiểu lo lắng thì lại càng lo lắng và mệt mỏi hơn.

Thông qua lời kể thì chúng mình không khẳng định là bạn đang có Rối loạn ám ảnh cưỡng chế (OCD), nhưng các biểu hiện mà bạn mô tả là dấu hiệu chỉ báo tình trạng đó (ám ảnh và lo sợ với một số suy nghĩ, hình ảnh hoặc đồ vật, ám ảnh với con số nhất định, các hành vi bắt buộc phải tuân theo một quy luật cụ thể, mệt mỏi và các chức năng hoạt động trong cuộc sống và kết quả học tập có chiều hướng suy giảm, ...). Có thể nói đây là một vấn đề lớn với sức khỏe tinh thần thường gọi dưới cái tên suy nghĩ xâm nhập không mong muốn - UIT (Unwanted Intrusive Thoughts) và có thể xuất hiện dưới nhiều hình thức nhưng nhìn chung khiến cho người có nó khó tập trung, khó chịu và khó kiểm soát.

Thông thường, cách mà chúng ta sử dụng nhiều nhất để đối phó với tình trạng những suy nghĩ không mong muốn là ức chế, dồn nén chúng hết mức có thể để kiểm soát khi chúng gây ra cảm xúc khó chịu. Nhưng bất kì ai đã từng ức chế suy nghĩ cũng từng gặp phải sự trở lại của ý nghĩ đó với tần suất gia tăng hay còn gọi là hiệu ứng phục hồi - Rebound effect. Vậy nếu ức chế và dồn nén suy nghĩ chỉ có tác dụng tạm thời thậm chí dẫn đến tình trạng bất lợi hơn, có giải pháp nào hiệu quả hơn mà bạn có thể áp dụng không? Trước hết chúng mình xin cung cấp một số thông tin liên quan tới suy nghĩ xâm nhập (intrusive thought) và rối loạn ám ảnh cưỡng chế tại đây:
https://www.inpsychout.com/.../phan-loai-roi-loan-am-anh...
https://www.facebook.com/InPsychOut/posts/138514024624273
https://www.facebook.com/InPsychOut/posts/146618583813817
https://www.facebook.com/.../a.1255176159.../137522921390050
https://www.facebook.com/.../a.1255176159.../153874289754913

Bên cạnh đó, chúng mình xin đưa ra một số gợi ý sau:

Phân tâm tập trung (Focused-Distraction): Thông thường khi cố gắng kìm nén hoặc đánh lạc hướng suy nghĩ bằng cách sử dụng lặp lại nhiều tác nhân gây xao lãng khác nhau thay vì tập trung vào một trọng tâm nào đó. Sự phân tâm tập trung sẽ giúp ích cho việc giảm hiệu ứng phục hồi, hiệu quả trong việc giảm căng thẳng và tần suất UIT. Như vậy, bạn có thể giữ cho mình một trọng tâm suy nghĩ, ví dụ một khoảnh khắc bạn cảm thấy thanh thản nhất hay một câu nói đã làm bạn rất cảm động, … để làm “mỏ neo” cho giải pháp này

Chấp nhận và Cam kết: Giải pháp này khuyến khích hành động đơn giản là duy trì sự quan sát và chú ý các suy nghĩ ám ảnh và không mong muốn đó; không khuyến khích sự đấu tranh với chúng. Bạn vẫn có thể mong đợi sự khó chịu và lo lắng, nhạy cảm thậm chí đau khổ giảm xuống mà không nhất thiết phải giảm tần suất của UIT. Như vậy, điều cần làm là từ bỏ ý định kiểm soát tinh thần và xu hướng cố gắng ngăn chặn các suy nghĩ đó. Ví dụ đối với tình hình hiện tại, rất khó để bạn có thể tiếp xúc với các vật nhọn một cách bình thường, đôi khi bạn còn phải cất vật nhọn đó đi để đảm bảo rằng mình an toàn. Bước đầu, cần phải thừa nhận rằng những suy nghĩ ám ảnh đó là có thật, những lo lắng, rắc rối, mệt mỏi trong cuộc sống của bạn là có thật nhưng các suy nghĩ và nội dung của chúng không phản ánh hành vi thực tế. Sau đó, bạn có thể thực hiện một số hành động thư giãn đơn giản và chấp nhận rằng bạn sẽ bộc lộ những cảm xúc của mình khi có những suy nghĩ đó.

Chúng mình hy vọng những gợi ý này có thể phần nào giúp được bạn. Chúng mình cũng khuyến khích việc tìm kiếm và tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe chuyên nghiệp kịp thời. Mong bạn sớm tìm được sự hỗ trợ cần thiết và cải thiện tình trạng tinh thần và chất lượng cuộc sống của mình!

Previous
Previous

Ở Việt Nam có chỗ nào tư vấn giúp người nghiện cờ bạc không?

Next
Next

Làm gì khi dịch ở nhà mà không chán?